Mặc dù có biển cấm tải trọng trên 1 tấn nhưng tại cầu Tân Nhuệ, phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội vẫn ngày ngày chứng kiến cảnh hàng loạt xe quá khổ, quá tải “thản nhiên” lăn bánh phá nát cây cầu.
Theo ghi nhận của PV, Cầu Tân Nhuệ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của phường Đông Ngạc nói riêng và toàn quận Bắc Từ Liêm nói chung. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng cây cầu đang có những biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng.
|
Chiếc xe tải có dấu hiệu quá khổ, quá tải "thảm nhiên" lăn bánh trên cầu Tân Nhuệ |
Để bảo vệ cây cầu, cơ quan chức năng quận Bắc từ Liêm đã phải đặt biển báo cấm tải trọng nhưng hàng ngày cây cầu này vẫn phải “cõng” trên lưng hàng trăm lượt xe quá tải quá khổ của nhiều đơn vị vận tải.
Có mặt tại cầu Tân Nhuệ ngày 13/4/2016, tại đây chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến nhiều đoàn xe tải, xe trộn be-tong có dấu hiệu quá tải, cơi nới thành thùng “vô tư” lăn bánh nghiền nát cây cầu bé nhỏ.
|
Cầu Tân Nhuệ đang "mệt mỏi" vì xe tải. |
Nói trong bức xúc, chị Nguyễn Thị M, tiểu thương bán hàng gần cầu bức xúc cho biết: “Toàn loại xe to chở đất, đá, be-tong chạy ầm ầm suốt ngày. Đặc biệt, khi qua cầu những chiếc xe này “vô tư” đánh rơi vật liệu xuống đường vừa bẩn, vừa bụi lại rất dễ gây tai nạn cho các phương tiện khác khi tham gia giao thông nhất là xe máy”.
Nói về hệ lụy của loạt xe quá tải, quá khổ để lại là cầu Tân Nhuệ đang có những biểu hiện hư hỏng, bản mặt cầu bị vỡ, nhiều điểm lún, có những vết nứt nhất là tại các mấu cầu, vết nứt thể hiện rõ rệt, khi các phương tiện giao thông đi qua có độ rung rất mạnh.
|
Cầu Tân Nhuệ đang có nguy cơ xuống cấp trầm trọng. |
Cầu Tân Nhuệ đang phải đứng trước nguy có khả năng sập bất cứ lúc nào. Dù vậy, nhiều lưu lượng xe quá tải cơi nới thành thùng lưu thông qua cây cầu không hề giảm, vẫn vô tư “bấm còi, nhấn ga & thả phanh” lao nhanh vun vút.
Đến đây, dư luận không khỏi thắc mắc & đặt ra câu hỏi: phải chăng lực lượng CSGT sở tại đang “tạo điều kiện” cho việc hàng loạt xe quá tải quá khổ lộng hành bất chấp dư luận?!
Việc Nhà nước đầu tư xây cầu, đường chủ yếu để phục vụ nhu cầu của người dân, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương. Thế nhưng, từ lâu những chiếc xe quá tải, quá khổ này đã bất chấp việc “chạy ẩu, phá cầu, phá đường dân sinh”.
Câu trả lời, xin nhường lại cho các cơ quan chức năng.
Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin!