Sáng nay, 12/11, Bộ Tài chính đã chính thức bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).
|
Lễ ký biên bản bàn giao SCIC về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. |
Các nội dung bàn giao lần này, gồm các tài liệu pháp lý của DN như quyết định thành lập; điều lệ tổ chức và hoạt động; quyết định phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của DN; quyết định phê duyệt Quy chế tài chính, vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm các chức danh; báo cáo tài chính hợp nhất...
Được biết, SCIC là DN duy nhất thuộc Bộ Tài chính thuộc diện bàn giao sang “siêu” Ủy ban này.
SCIC được thành lập theo Quyết định 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Sự ra đời của SCIC nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách DN nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo phân công của Chính phủ, thời gian qua Bộ Tài chính đã thực hiện chức năng của chủ sở hữu nhà nước đối với SCIC. “Có thể nói, việc hình thành SCIC theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với chức năng chủ yếu là: tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN; đầu tư, kinh doanh, quản lý vốn nhà nước theo cơ chế thị trường và theo nhiệm vụ Nhà nước giao; cung cấp các dịch vụ tài chính… cũng đã góp phần đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước từ cơ chế hành chính sang phương thức đầu tư, kinh doanh vốn…”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong hơn 12 năm qua kể từ khi đi vào hoạt động, vượt qua nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển, khắc phục những tồn tại, hạn chế và triển khai có hiệu quả định hướng củng cố và hoàn thiện mô hình hoạt động theo Kết luận 78 của Bộ Chính trị, hoạt động của SCIC đã đạt được một số kết quả tích cực.
“Sau khi chuyển giao về Ủy ban, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cùng với nỗ lực của SCIC cũng như sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, địa phương thì SCIC sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước theo chủ trương của Ðảng”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Tại Lễ bàn giao, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của Bộ Tài chính trong suốt quá trình chuẩn bị và chính thức chuyển giao SCIC về Ủy ban. Trong số 19 DN do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, SCIC là một trong những DN có vai trò quan trọng trong quản lý, sử dụng, bảo toàn vốn nhà nước tại DN.
Sau khi tiếp nhận SCIC, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan chỉ đạo đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được vị trí, nhiệm vụ, vai trò được giao. Đồng thời tiếp tục sắp xếp, đổi mới tái cơ cấu các DN thành viên theo các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2018, vốn điều lệ của SCIC được phê duyệt theo Nghị định của Chính phủ là 50.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư đã góp tính đến ngày 30/6 là hơn 22.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của SCIC đến cuối quý II đạt hơn 41.700 tỷ đồng.
Chiều cùng ngày, Bộ TT&TT cũng đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại VNPT và MobiFone về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Đây đều là những DN lớn, quan trọng của ngành viễn thông và , Bộ TT&TT kỳ vọng Ủy ban sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh và bước phát triển mới cho DN Nhà nước
Trước đó, Bộ Công Thương cũng bàn giao 6 tập đoàn, tổng công ty với số vốn Nhà nước hơn 555.000 tỷ đồng về Siêu ủy ban gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).