Trong 7 tháng đầu năm, dù giá gạo tăng nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,5 triệu tấn (giảm 12,7% ) với giá trị khoảng 1,9 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được '3 tại chỗ' phải đóng cửa trong khi hàng không xuất được khiến lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục bị 'bào mòn'.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, thời gian qua việc áp dụng giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã gây nhiều khó khăn trong chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam. Cụ thể, đối với vấn đề thu mua lúa tươi vụ Hè Thu, xuất hiện tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động thời vụ trên đồng, từ người đi thu mua cho đến người gặt lúa, bốc vác xuống ghe. Các ghe vận chuyển lúa không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác, đặc biệt là giữa các địa phương.
Đối với các doanh nghiệp, do phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhiều đơn vị không đáp ứng được do chi phí cao, dẫn tới ngừng sản xuất. Hàng loạt chi phí về phòng chống dịch, vận chuyển...phát sinh trong khi hàng không xuất khẩu được cũng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục bị “bào mòn”.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 7 tháng đầu năm, mặc dù giá gạo bình quân tăng khoảng 53,5 USD/tấn (lên mức 540,68 USD/tấn); song xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,5 triệu tấn với giá trị khoảng 1,9 tỷ USD ( giảm 12,7% về lượng, và 3,1% về giá trị).
Trong đó, Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, với khoảng 1,27 triệu tấn (giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái). Vị trí thứ hai là Trung Quốc, với khối lượng nhập khoảng 643 nghìn tấn (tăng 30,5%), tương đương hơn 338 triệu USD. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam xuất sang thị trường này giảm 11,6%.
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Bangladesh tăng rất mạnh, đạt 52.862 tấn (tăng hơn 9.322%); với giá trị 32 triệu USD (tăng 10.972%). Ngược lại, xuất khẩu gạo sang Malaysia giảm mạnh, gần 60% về lượng và hơn 50% về giá trị.
Trong thời gian tới, thị trường Philippines dự báo sẽ giảm sản lượng nhập khẩu xuống còn 12,4 triệu tấn (khoảng 14%), xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, giá gạo có thể bị giảm. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự kiến cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,0 - 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,325 tỷ USD.
Để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Hè Thu và gieo sạ lúa Thu Đông, Bộ NN&PTNT vừa đề nghị các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL thành lập các tổ, đội bốc xếp, đội ghe, đội xe, đội máy cắt tại địa phương.
Bộ cũng khuyến khích các xã thành lập các tổ nông vụ dịch vụ làm đất, sạ lúa, cấy lúa, nhổ cỏ, bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, cho nước vào ruộng…; Ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng trong chuỗi cung ứng (tài xế, ghe, sà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng..), đồng thời tạo điều kiện đi lại cho các nhân sự trên trong thời gian giãn cách vì lực lượng này đang duy trì xuất khẩu cho cả nước.
(https://tienphong.vn/xuat-khau-gao-giam-manh-nhieu-doanh-nghiep-dong-cua-ngung-san-xuat-post1368394.tpo)