Dự án nhằm mục tiêu từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực theo quy hoạch, giảm tải lưu lượng giao thông, kết nối khu tái định cư với các tuyến đường xung quanh huyện Đan Phượng.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 2856/QĐ-UBND ngày về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Tây Thăng Long đến trường liên cấp và các cơ quan Tư pháp huyện Đan Phượng.
Dự án nhằm mục tiêu từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực theo quy hoạch, giảm tải lưu lượng giao thông cho các tuyến đường hiện có, cải thiện điều kiện đi lại của người dân và kết nối khu tái định cư với các tuyến đường xung quanh; Tăng cường khả năng thoát nước, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn giao thông cho khu vực.
Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 1,6km, bao gồm ba đoạn tuyến: Đoạn 1 dài 475m, đoạn 2 dài 575m và đoạn 3 dài 550m. Quy mô mặt cắt ngang của tuyến đường là 24m, trong đó mặt đường rộng 14m và hè hai bên là 10m.
Các hạng mục chính bao gồm giải phóng mặt bằng, nền, mặt đường, vỉa hè cây xanh, an toàn giao thông, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, hào kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ khác.
 |
Một góc huyện Đan Phượng, Hà Nội. (Ảnh: vinhomesland.vn). |
Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến hơn 231 tỷ đồng từ ngân sách của huyện Đan Phượng. Dự án thực từ năm 2025 đến 2027. UBND Thành phố giao UBND huyện Đan Phượng triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của Chủ đầu tư trong công tác chuẩn bị đầu tư; căn cứ điều kiện cụ thể của Dự án, người quyết định đầu tư khi phê duyệt Dự án sẽ quyết định giao chủ đầu tư thực hiện Dự án.
UBND huyện Đan Phượng chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND Thành phố về tính chuẩn xác, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu trình bày trong hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án trình thẩm định, phê duyệt; xây dựng kế hoạch và có giải pháp tổ chức triển khai thực hiện Dự án đảm bảo tính liên tục, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với lộ trình, định hướng sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn tiếp theo; xác định khối lượng, chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, di chuyển các công trình ngầm nổi khi khảo sát, lập Dự án đầu tư đảm bảo sát với khối lượng triển khai thực tế; bố trí tái định cư (nếu có) cho Dự án.
UBND Thành phố yêu cầu trong quá trình lập và triển khai dự án, Chủ đầu tư cần đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích cộng đồng, hiệu quả lâu dài và phát triển bền vững. Đồng thời, đánh giá Kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm 2021-2025 cấp mình và xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm 2026-2030.