Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Sơn La cho biết các kiến nghị của hộ dân tại tổ 2, phường Chiềng Cơi là hoàn toàn chính đáng, nhưng không có kinh phí để bồi thường hỗ trợ vì không nằm trong dự toán ban đầu.
Người dân tổ 2 bị đưa ra ngoài vùng ảnh hưởng của dự án
Ngày 27/3 Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải bài viết “Dự án xây dựng tuyến đường Hoàng Quốc Việt - Mé Ban - Trần Đăng Ninh tại thành phố Sơn La (Bài 1): Nỗi khiếp sợ từ những lần mìn nổ” phản ánh về việc trong quá trình thi công dự án, các hộ dân sống gần công trình phải đối mặt với nỗi lo sợ và bị ảnh hưởng bởi các dư chấn do các vụ nổ mìn thường xuyên trong quá trình xây dựng.
Các vụ nổ mìn không chỉ làm rơi đá, gây bụi mù mịt mà còn làm hư hỏng nhà cửa, đe dọa tính mạng của người dân.
Mặc dù dự án đem lại nhiều lợi ích lâu dài cho thành phố, nhưng những tác động tiêu cực trong thời gian thi công đang tạo ra một môi trường sống không an toàn và khiến nhiều người dân lo ngại.
Sau một thời gian chịu rung chấn do nổ mìn với tần suất lớn và liên tục, nhà cửa của các hộ dân đã xuất hiện rất nhiều vết nứt ở các vị trí như: tường, dầm, cột (các kết cấu chịu lực)…gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, khiến tâm lý của người lo sợ và bức xúc.
Để làm rõ những phản ánh của nhân dân, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Hoàng Nam Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Sơn La là đại diện chủ đầu tư của dự án này.
 |
Nhiều viên đá có kích thước lớn lăn xuống nhà dân sau khi các đơn vị thi công tiến hành nổ mìn. |
Tại buổi làm việc ông Hà cho biết: “Những phản ánh kiến nghị của người dân tổ 2 phường Chiềng Cơi là đúng.
Phía Ban đã cử cán bộ cùng nhà thầu đơn vị thi công nổ mìn xuống gặp gỡ làm việc trực tiếp với người dân để lắng nghe ý kiến cũng như ghi nhận hiện trạng các công trình để sau này phía bảo hiểm sẽ tiến hành đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng…”.
Trước những thắc mắc của nhân dân về việc tại sao khu vực tổ 2, phường Chiềng Cơi không được các cơ quan chức năng tổ chức xem xét, ghi nhận và đánh giá hiện trạng các công trình, nhà cửa trước khi tiến hành nổ mìn?
Phó Giám đốc Ban QLDA đầu từ xây dựng TP Sơn La cho biết, khi triển khai dự án này có 7 hộ dân nằm ngay sát chân núi thì được xác định trong phạm vi nguy hiểm và được hỗ trợ di rời chuyển chỗ ở.
Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng lập đoàn khảo sát, đánh giá hiện trạng của các hộ dân khu vực tổ 3, phường Chiềng Cơi.
“Còn về nội dung người dân tổ 2 phường Chiềng Cơi cho rằng khi tiến hành triển khai thi công từ năm 2023 mà Chủ đầu tư, nhà thầu thi công cũng như đơn vị bảo hiểm không vào ghi nhận hiện trạng thực tế các công trình nhà cửa là đúng, là thiếu sót của đơn vị tư vấn khảo sát lập dự toán đã không đánh giá hết phạm vi ảnh hưởng.” – ông Hoàng Nam Hà cho biết thêm.
Với thực tế ghi nhận, quan sát và đánh giá tại khu vực tổ 2, phường Chiềng Cơi, thì hàng chục hộ dân tại khu vực này chỉ cách địa điểm nổ mìn chừng 100-150m, thế nhưng, bà con nơi đây rất thắc mắc không hiểu vì lý do gì các đơn vị liên quan lại “bỏ quên” và không đưa các hộ dân này vào vùng bị ảnh hưởng bởi việc thi công bằng nổ mìn.
Họ cũng lo lắng, do khu vực mình đang ở bị đưa ra ngoài vùng ảnh hưởng như vậy thì các thiệt hại xảy ra như hiện nay thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ.
Với các ý kiến trên của nhân dân tổ 2, phường Chiềng Cơi, ông Hoàng Nam Hà cho hay: “Vấn đề này chúng tôi cũng đang đau đầu vì phần này không có trong dự toán, thì không có ngân sách để chi trả cho người dân.
Bảo hiểm họ cũng khó chi trả hạng mục này vì không nằm trong dự toán. Việc này phía ban xin tiếp thu ý kiến để báo cáo tỉnh cho chủ trương để giải quyết bởi đây là quyền lợi chính đáng của người dân…”.
Dù đại diện đơn vị chủ đầu tư khẳng định những yêu cầu, kiến nghị của người dân tổ 2, phường Chiềng Cơi là hoàn toàn chính đáng, thế nhưng, ngay tại thời điểm trao đổi với phóng viên, thì công tác ban đầu là việc đánh giá, xác định hiện trạng tại một số hộ dân tại tổ 2, phường Chiềng Cơi vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Cũng theo ông Hà, các hộ dân bị ảnh hưởng như nứt nẻ nhà, các công trình kiến trúc và hoa màu như người dân tổ 2 đang kiến nghị thì không nằm trong hạng mục bồi thường, hỗ trợ của dự án nhưng sau này có thể bên bảo hiểm họ sẽ chi trả.
Lý giải về việc trong dự toán không có hạng mục bồi thường hỗ trợ cho người dân tổ 2, vị đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Sơn La cho hay, do khâu lập dự toán ban đầu, đơn vị tư vấn chỉ lên phương án đánh giá ảnh hưởng nổ mìn đối với các hộ trong bán kính 100m tính từ địa điểm nổ mìn. Cho nên, các đơn vị liên quan không tiến hành khảo sát, đánh giá các hộ tại tổ 2.
Với thắc mắc của phóng viên, vì sao theo quy định tại Thông tư 13/2018/TT-BCT quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành thì phương án nổ mìn phải mô tả về đặc điểm dân cư, công trình, nhà không thuộc quyền sở hữu của tổ chức sử dụng VLNCN trong phạm vi bán kính 1000 m kể từ vị trí nổ mìn (kể cả các công trình ngầm).
Nhưng, đối với dự án này, thì các đơn vị liên quan chỉ lên phương án đánh giá các công trình, nhà cửa của người dân trong phạm vi 100m liệu có phù hợp với quy định hay không thì đại diện chủ đầu tư không có ý kiến trả lời.
 |
Thoả thuận liên danh giữa 3 công ty tham gia thi công dự án. |
Đơn vị thi công có đảm bảo an toàn?
Theo quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của dự án, đơn vị thi công là Liên danh 03 công ty bao gồm: Công ty TNHH xây dựng thương mại Kinh Đô (Công ty Kinh Đô); Công ty TNHH xây dựng thương mại Kim Sơn (Công ty Kim Sơn) và Công ty CP đầu tư và xây dựng công trình 468. Đứng đầu đơn vị liên danh này là Công ty Kim Sơn.
Qua tìm hiểu của phóng viên, trên công trường thi công, chủ yếu có 02 đơn vị thi là Công ty Kinh Đô và Công ty Kim Sơn. Mỗi đơn vị tiến hành thi công trên 2 mặt quả núi. Để phá núi, mỗi đơn vị này thuê đơn vị nổ mìn khác nhau.
Theo thông tin từ cán bộ của Chủ đầu tư, trước đây khi Công ty Kinh Đô tiến hành nổ mìn, khối lượng mìn nổ lớn gây rung chấn, ảnh hưởng lớn tới các hộ dân xung quanh quả núi.
Để đảm bảo an toàn, các đơn vị chức năng đã tiến hành tạm dừng thi công, sau đó điều chỉnh lại lượng thuốc nổ sử dụng cho mỗi lần nổ mìn.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, các vụ nổ mìn gần đây, dư chấn vẫn vô cùng lớn, nhiều lần bụi, đá bay bắn vào nhà người dân. Thậm chí, có những tảng đá lớn to cả 3-5m, nặng cả tấn lăn vào khu vực dân cư.
 |
Một tảng đá lớn lăn xuống ngay sát nhà dân. |
Người dân nơi đây cho rằng, việc điều chỉnh lại lượng thuốc nổ sử dụng vẫn chưa hợp lý hoặc họ chỉ điều chỉnh trên giấy tờ, chứ thực tế họ cho nổ khối lượng bao nhiêu thì người dân cũng không hề kiểm tra, giám sát được.
Phóng viên cùng đại diện các đơn vị Chủ đầu tư, Công ty Kim Sơn, đơn vị nổ mìn và người dân trực tiếp quan sát một lần tiến hành nổ mìn vào sáng 25/3/2025, theo hộ chiếu nổ mìn được cấp cho lần nổ này thì khối lượng thuốc nổ sử dụng là 50kg cho 5 mũi khoan có độ sâu 5m.
Sau một tiếng nổ vừa phải, lượng bụi, đất đá bay lên không đáng kể. Một người dân tại tổ 2 cho biết: “Nếu họ nổ như thế này thì chắc không người dân nào ý kiến.
Vì nó không có ảnh hưởng gì. Nhưng chắc có nhà báo tham gia, nên họ cho nổ nhẹ nhàng. Chứ như bình thường, thì tiếng nổ phải gấp 5-10 lần.”
Bên cạnh nghi vấn các đơn vị thi công liệu có tiến hành nổ theo đúng hộ chiếu nổ mìn cho mỗi lần nổ hay không thì còn có ý kiến cho rằng việc đảm bảo an toàn lao động tại công trường cũng không được đảm bảo.
Theo người dân phản ánh thì quá trình triển khai nổ mìn phá đá để thi công xây dựng dự án đã xảy ra vụ việc mất an toàn lao động khiến một nam công nhân bị đa chấn thương được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện đa khoa 550 giường TP Sơn La.
Cũng theo phản ánh còn xảy ra 1 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra đối với nam công nhân người huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Trước những bất cập đang tồn tại của dự án như khâu khảo sát, tư vấn thiết kế, lập dự toán, lập phương án nổ mìn, thi công...Báo PLVN đã liên hệ với lãnh đạo UBND thành phố Sơn La để tìm hiểu chi tiết hơn.
Sau khi có phản hồi từ UBND thành phố Sơn La, Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.