Dù đất sử dụng hợp pháp, không có tranh chấp với ai suốt 10 năm nay nhưng bà Lệ vẫn bị quận Bình Tân “hoài nghi” về quyền sở hữu.
Gần 10 năm chưa xử lý xong công trình vi phạm
Như Pháp luật Plus đã thông tin về phản ánh của bà Trương Nhật Lệ (địa chỉ số 2B/1/36 đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình) có đất sở hữu hợp pháp bị ông Trần Văn Ân đến chiếm đất, xây dựng công trình trái phép suốt 10 năm nay nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Trước đó, theo bà Lệ trình bày, năm 2007, bà có mua lại khu đất tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân thuộc Giấy chứng nhận QSDĐ số 3319. Sau đó, bà đã làm thủ tục đăng bộ theo đúng quy định pháp luật và đã được cập nhật trên trang bổ sung Giấy chứng nhận QSDĐ số 3319.
Đến năm 2008, bà Lệ tiến hành rào đất để canh tác thì phát hiện ông Trần Văn Ân có hành vị xâm phạm bất hợp pháp và xây dựng công trình trái phép trên phần đất thuộc Giấy chứng nhận 3319 mà bà đã đăng bộ tại chính quyền địa phương.
Ngay sau khi phát hiện, bà Lệ đã nhiều lần tới gặp, yêu cầu ông Ân dỡ bỏ công trình trái phép, trả lại hiện trạng đất và di dời khỏi đất thuộc sở hữu của bà đúng theo quy định pháp luật.
Thế nhưng, không những không đồng ý mà ông Ân cùng gia đình còn hung hăng vác dao dọa chém bà Lệ. Trước sự ngoan cố của gia đình ông Ân, bà Lệ đã làm đơn khiếu nại tố cáo gửi chính quyền địa phương để được giải quyết.
|
Phần đất của bà Lệ được cho là bị ông Ân chiếm dụng xây dưng trái phép và cư trú bất hợp pháp suốt 10 năm qua. |
Sau khi nhận đơn bà Lệ phản ánh sự việc, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành xử lý, vận động tự nguyện di dời, thậm chí là cưỡng chế đối với gia đình ông Ân. Thế nhưng đã 10 năm trôi qua mà vụ việc vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Điều khó hiểu là công trình vi phạm của ông Ân còn ngày càng phình to ra. Cụ thể là từ công trình vi phạm rộng 29m2 với 2 nhân khẩu được ghi nhận năm 2009 thì đến này đã thành công trình khoảng 500m2 với 15 nhân khẩu cư trú trái phép.
Dù hành vi xây dựng công trình vi phạm đã được bà Lệ cầu cứu phản ánh suốt gần 10 năm qua nhưng quận Bình Tân vẫn chưa thể giải quyết với lý do, chưa xác định được chủ quyền sở hữu đối với thửa đất mà ông Ân đang xây dựng công trình trái phép.
Sở Tư pháp lên tiếng
Trước đó, lãnh đạo quận Bình Tân cho hay, ngày 22/8/ 2017, UBND phường Bình Hưng Hòa đã ban hành quyết định cưỡng chế đối với công trình của ông Ân trên phần đất của bà Lệ nhưng hiện vẫn chưa xác định được thời gian thực hiện cưỡng chế do chưa thể xác định được chủ thể sở hữu bồi thường đối với phần đất của bà Lệ.
Theo đó, ngày 10/11/2017, UBND quận Bình Tân đã có văn bản số 3849/UBND gửi Sở Tư pháp TP HCM về việc đề nghị Sở Tư pháp hỗ trợ ý kiến liên quan đến việc xác định chủ thể bồi thường để có cơ sở giải quyết khiếu nại của công dân.
|
Văn bản số 20420/STP-VB của Sở Tư pháp TP HCM gửi UBND quận Bình Tân. |
Đến ngày 21/12/2017, Sở Tư pháp TP HCM đã có văn bản số 20420/STP-VB (văn bản số 20420) gửi UBND quận Bình Tân về việc xác định chủ thể bồi thường.
Theo văn bản số 20420 thì về nguyên tắc, căn cứ vào khoản 1,2,3 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 thì hợp đồng chuyển nhượng số 49726/HĐ-CNĐ ngày 31/10/2007 giữa ông Trực Vi Toàn, ông Diệp Mao Hồng với bà Trương Nhật Lệ được công chứng tại phòng công chứng số 4 hiện nay vẫn đang có giá trị pháp lý theo quy định.
Cũng theo văn bản số 20420 thì việc UBND quận Bình Tân xem xét giải quyết bồi thường cho bà Trương Nhật Lệ trong trường hợp không có tranh chấp với ông Trực Vi Toàn, ông Diệp Mao Hồng là phù hợp quy định.
Tại buổi cung cấp thông tin báo chí ngày 8/2/2018, trao đổi với phóng viên Pháp luật Plus, lãnh đạo quận cho biết, đến thời điểm hiện tại theo ghi nhận của quận thì hiện không có bất cứ tranh chấp khiếu nại của ông Trực Vi Toàn, ông Diệp Mao Hồng đối với phần đất của bà Lệ đang bị ông Ân chiếm dụng.
Đối với việc cưỡng chế công trình của ông Ân thì hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND quận, dự kiến sẽ xử lý dứt điểm trong tháng 3/2018.
Chính quyền “vận động” chủ đất hỗ trợ người chiếm đất 500 triệu đồng? Ngày 19/4/2017, UBND phường Bình Hưng Hòa tiếp tục có biên bản làm việc ghi nhận việc bà Trương Nhật Lệ đồng ý hỗ trợ ông Ân để ổn định cuộc sống. Theo biên bản ngày 19/4, qua xác minh của phường, do tài sản của ông Ân không có gì, UBND phường đã vận động bà Lệ hỗ trợ một số tiền để gia đình ông Ân ổn định cuộc sống sau khi thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm. Theo đó, số tiền hỗ trợ cho ông Ân sau khi UBND phường Bình Hưng Hòa đứng ra làm “cầu nối” đã lên đến 500 triệu đồng. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo quận Bình Tân cho biết, do ông Ân không có tài sản nên việc địa phương vận động bà Lệ hỗ trợ cho ông Ân là hợp tình hợp lý. |
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.