Có rất nhiều tình tiết "đáng ngờ" trong vụ án "Cố ý gây thương tích" dẫn đến cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Luật sư và Giám định viên pháp y khiến phiên tòa kéo dài quá lâu. Cuộc đối đáp trên cũng đã khiến TAND tỉnh Hà Nam phải hoãn tuyên án và kéo dài thời gian nghị án đến 2 ngày.
Màn đối đáp nảy lửa giữa luật sư và giám định viên pháp y
Hai người "choảng" nhau, một người "dính" án
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25/11, TAND tỉnh Hà Nam đã mở phiên xét xử bị cáo Nguyễn Văn Tuyển (xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) về tội danh “Cố ý gây thương tích”.
Bị cáo Tuyển đã kiên quyết phản đối bản án này vì cho rằng kết luận giám định thương tật của bà Lê Thị Liên là không chính xác, khiến cho bị cáo phải chịu tội oan.
Trước đó, tại bản án sơ thẩm ngày 28/08/2015 của TAND Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển bị tuyên phạm tội "Cố ý gây thương tích" với mức án 10 tháng tù giam.
|
Bị cáo Nguyễn Văn Tuyển tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25/11 |
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25/11, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển tiếp tục kêu oan và khẳng định rằng tại thời điểm xảy ra xô xát vào ngày 04/04/2015, bị cáo không dùng gậy đánh vào đầu, vào ngực, vào xương sườn gây thương tích cho bà Liên mà chỉ dùng tay tát nhẹ bị hại 2 cái để tự vệ trong lúc giằng co.
Lời khai bị cáo tại tòa: Khi xô xát nhau, bị cáo Tuyển không sử dụng bất kỳ công cụ, phương tiện gì, chỉ dùng tay, chân để đấm, đá và tự vệ trong khi bà Liên đã dùng gậy gẩy rơm đánh vào đầu ông Tuyển.
Việc ông Tuyển không sử dụng công cụ, phương tiện để thực hiện khi xô xát đã thể hiện ông Tuyển không hề mong muốn gây thương tích cho bà Liên. Quá trình xô xát, do ở trạng thái động nên không may ông Tuyển đấm vào mặt bà Liên, gây thương tích phầm mềm trên mặt, tay của bà Liên.
Luật sư Trần Hậu Thìn (người bào chữa cho bị cáo Tuyển) cho rằng: Đây là vụ xô xát do lỗi hỗn hợp, xuất phát từ hành vi đốt rơm nơi công cộng của bà Liên. Hành vi của ông Tuyển chỉ phát sinh do lỗi từ bị hại trước, ông Tuyển có đánh bà Liên và mọi người nhưng cũng bị bà Liên và mọi người đánh. Về tương quan lực lượng, rõ ràng vụ xô xát này phần yếu thế thuộc về ông Tuyển. Hành vi đánh người của ông Tuyển chỉ là tự vệ, đánh lại họ khi mình bị đánh.
Theo bản cáo trạng tuy tố bị cáo Nguyễn Văn Tuyển về tội "Cố ý gây thương tích", tại thời điểm xảy ra xô xát giữa bị cáo và bà Liên có nhiều người cùng tham gia. Ngoài bị cáo và bà Liên còn có bà Minh (vợ ông Tuyển) và bà Nguyễn Thị Loan (cùng thôn).
Có mặt tại phiên tòa hôm nay với tư cách là người làm chứng, bà Loan liên tục bày tỏ quan điểm bảo vệ cho phía bị cáo Tuyển và khẳng định rằng bị cáo không đánh bà Liên mà chỉ chống trả lại hành vi đánh đập của bà Liên dành cho mình tại thời điểm đó.
Khi được tòa hỏi vì sao lời khai hiện tại lại khác hoàn toàn so với lời khai tại cơ quan điều tra, bà Loan cho rằng vì mâu thuẫn nhỏ từ trước nên bà đã "khai man".
Luật sư và giám định viên tranh cãi nảy lửa
Ở phần tranh luận, phiên tòa trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi xảy ra cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Luật sư Trần Hậu Thìn và ông Nguyễn Văn Anh (Giám đinh viên Trung tâm pháp y tỉnh Hà Nam).
|
Phần tranh luận gay gắt giữa luật sư và người giám định pháp y |
Luật sư cho rằng không có cơ sở kết luận việc thương tích gãy 3 xương sườn phải của bị hại Lê Thị Liên như nội dung được ghi trong bản kết luận giám định pháp y về thương tích ngày 08/4/2015 của Trung tâm Pháp Y Sở Y tế tỉnh Hà Nam.
Trên thực tế, ngay sau khi xảy ra xô xát vào 18h30 ngày 04/04/2015, bà Liên đã được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm để khám và điều trị. Đến 17h ngày 13/4/2015 thì bà Liên ra viện. Quá trình 10 ngày bà Liên nằm viện, trung tâm Y tế huyện đã chẩn đoán bà Liên chỉ bị “đa chấn thương phần mềm” vùng mặt và tay, không có bất kỳ biểu hiện nào gãy 3 xương sườn phải.
Tuy nhiên, trong thời gian điều trị tại đây, ngày 08/4 bà Liên lại được Trung tâm Pháp Y Sở Y tế tỉnh Hà Nam tiến hành giám định và kết luận bà Liên bị gãy 03 xương sườn phải.
Sau đó, khi quay về điều trị tiếp tại Trung tâm y tế huyện, bà Liên không có biểu hiện gì đau đớn, không đề nghị bệnh viện điều trị gãy 03 xương sườn. Từ việc xét nghiệm, chụp chiếu, đến phác đồ điều trị, bà Liên chỉ bị và điều trị đa chấn thương phần mềm (tay và mặt), không bị và không điều trị gãy 3 xương sườn phải.
Dựa vào luận cứ của mình, Luật sư Thìn khẳng định có đủ cơ sở khẳng định bà Liên không bị gãy 03 xương sườn.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ Y tế về quy trình giám định pháp y, tùy vào sự cần thiết mà làm các kỹ thuật cận lâm sàng để chẩn đoán và loại trừ: Chụp X-quang ngực kiểm tra can xương, viêm xương, dị vật; Siêu âm mạch máu, siêu âm tim; Đo dung tích sống; Đo điện tim; Chụp mạch máu có cản quang.
Khi giám định thương tích vùng ngực phổi, giám định viên không được dùng kỹ thuật chụp CLVT có dựng hình 3D để chẩn đoán, kết luận thương tích. Do vậy, việc giám định viên dùng ảnh dựng 3D để giám định vết thương trong trường hợp này là hoàn toàn trái quy định
Trung tâm pháp y tỉnh Hà Nam chỉ được lưu giữ hồ sơ giám định tư pháp theo quy định, các tài liệu còn lại phải gửi toàn bộ đến Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện để xác minh, đưa vào chứng cứ hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, trước khi xét xử sơ thẩm, các tài liệu trên của bà Liên vẫn không có trong hồ sơ vụ án mà tại phiên toà Sơ thẩm, giám định viên Nguyễn Văn Anh mới xuất trình tài liệu ảnh dựng 3D.
Có thể nói, tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét, xác minh kỹ chứng cứ do giám định viên xuất trình, không làm rõ các vấn đề vô lý nêu trên mà vẫn coi đó là chứng cứ để buộc tội bị cáo Tuyển là hoàn toàn trái quy định.
Phần tranh luận trong phiên tòa gay gắt và kéo dài khiến cho HĐXX không yên tâm tuyên án trong ngày mà phải tiến hành nghị án kéo dài và dự kiến sẽ tuyên án vào chiều ngày 27/11 tới.
Khoảng 17h30 ngày 04/04/2015, bị cáo là Nguyễn Văn Tuyển đang ngồi trong nhà đột nhiên thấy có nhiều khói bay vào nhà mình. Bị cáo Tuyển ra ngoài đường xem thì thấy bà Lê Thị Liên (SN 1969, hàng xóm của bị cáo) đang đốt cỏ ngay trước cửa nhà mình khiến khói bay vào nhà nồng nặc. Bị cáo Tuyển có nhắc nhở bà Liên và giữa hai bên đã xảy ra xô xát. Thấy vậy, bà Nguyễn Thị Minh là vợ của bị cáo Tuyển chạy ra ngoài can ngăn và gọi chồng về. Khi quay vào nhà, bà Minh thấy bà Nguyễn Thị Loan (là hàng xóm) đang hô hoán mọi người và nhặt một đoạn gỗ cứng dài 2m, đường kính khoảng 5cm, chạy đến chỗ bị cáo Tuyển và bà Liên đang xô xát. Nghĩ bà Loan xông vào đánh chồng mình nên bà Minh quay lại, một tay bế cháu, tay phải nhặt một khúc gỗ tiến đến vụt trúng bà Loan rồi đi vào nhà. Lúc này, bà Loan liền cầm gậy tiến lại chỗ bị cáo Tuyển. Bị cáo Tuyển giằng co với bà Loan khiến bà Loan ngã xuống đường bất tỉnh. Sau đó, bà Liên và bà Loan đã được đưa đi khám, điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Thanh Liêm. Đến ngày 06/04/2015, bà Liên và bà Loan làm đơn đề nghị gửi lên CSĐT Công an huyện Thanh Liêm xử lý hình sự đối với Nguyễn Văn Tuyển và Nguyễn Thị Minh. Ngày 08/04/2015, Trung tâm Pháp y tỉnh Hà Nam đưa ra kết luận giám định Pháp y số 43, 44: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của bà Nguyễn Thị Loan tại thời điểm giám định là 18%. Tỷ lệ tổn thương cơ thể của bà Lê Thị Liên tại thời điểm giám định là 15% (trong đó chấn thương trước ngực phải làm gẫy 3 xương sườn VI, VII, VIII chiếm tỷ lệ 7%). Kết luận giám định Pháp y về thương tích số 60 ngày 27/04/2015 của Trung tâm Pháp y tỉnh Hà Nam kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể của bà Nguyễn Thị Loan hiện tại là 5%. Trước đó, bà Loan đã có đơn xin rút yêu cầu khởi tố với bà Minh và ông Tuyển. Bà Minh được đình chỉ điều tra và hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam. Tại bản án sơ thẩm số 40/2015/HSST ngày 28/08/2015 Tòa án nhân dân huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển bị tuyên phạm tội cố tình gây thương tích và xử phạt 10 tháng tù giam. |
Phapluatplus sẽ tiếp tục thông tin về vụ án này!