Thực trạng thiếu giáo viên phổ biến
Theo đó, toàn tỉnh Hà Giang hiện có 814 cơ sở giáo dục, trên 269.600 học sinh, 17.925 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, có 1.515 cán bộ quản lý, 14.876 giáo viên, 1.129 nhân viên; 93,13% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.
Tính theo định mức, nhu cầu cần bổ sung biên chế cho năm học 2024 - 2025, đầu năm học toàn ngành thiếu 1.997 giáo viên. Một số địa phương thiếu hụt nhiều giáo viên nhất là Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Xín Mần. Các môn học thiếu nhiều giáo viên là: Ngoại Ngữ, Tin Học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Toán.
![]() |
Thực trạng thiếu giáo viên hiện nay tại tỉnh Hà Giang đang là bài toán nan giải. (Ảnh: P. Họ). |
Năm học 2023 - 2024, có 165 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nghỉ việc, chuyển nghề, 198 người nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó hơn 120 người nghỉ hưởng chế độ chính sách tinh giảm biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ khiến cho tình trạng thiếu giáo viên càng trở nên trầm trọng.
Trước thực trạng trên, nhiều Hội nghị đã được ngành Giáo dục địa phương triển khai để tìm lời giải cho “bài toán” thiếu giáo viên. Một trong những giải pháp quan trọng được đề xuất là ưu tiên chỉ tiêu tuyển dụng viên chức năm 2024 cho ngành Giáo dục.
Theo Sở Nội vụ Hà Giang, trong năm 2024, theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị, Sở Nội vụ đã tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 4 Quyết định, phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Trong đó, có 720 chỉ tiêu viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo của 9 UBND huyện, cụ thể: Mèo Vạc 78 chỉ tiêu, Đồng Văn 186 chỉ tiêu, Quản Bạ 64 chỉ tiêu, Yên Minh 154, Hoàng Su Phì 51 chỉ tiêu, Xín Mần 93 chỉ tiêu, Vị Xuyên 33 chỉ tiêu, Bắc Quang 38 chỉ tiêu, Quang Bình 23 chỉ tiêu và cuối năm 2024 vừa qua huyện Bắc Mê vừa trình tỉnh xem xét.
Theo đại diện Sở Nội vụ Hà Giang, qua báo cáo của UBND các huyện, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo thì hiện nay có một số môn học không có thí sinh đăng ký dự tuyển như: Giáo viên tiếng Anh, giáo viên Âm nhạc, giáo viên Mỹ thuật, giáo viên Toán, giáo viên Tin học; Một số môn học số lượng đăng ký dự tuyển không đủ so với chỉ tiêu cần tuyển như: Giáo viên tiếng Anh, giáo viên Tin học, giáo viên Mỹ thuật, giáo viên Âm nhạc và một số bộ môn thuộc cấp THCS như: Tiếng anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Toán.
Số lượng hợp đồng lao động thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ giao năm 2024 là 720 chỉ tiêu. Tuy nhiên, số đã ký hợp đồng từ ngày 01/01/2024 đến ngày 15/10/2024 mới chỉ đạt 225 chỉ tiêu.
Nguyên nhân được cho là do huyện vùng cao chưa thu hút được số lượng đông thí sinh dự tuyển là người ngoài huyện; các thí sinh chủ yếu là người địa phương do xuất phát từ những khó khăn về vị trí địa lý của huyện và các chế độ, chính sách đãi ngộ còn thấp…
Từng bước khắc phục khó khăn
Nói về thực trạng trên, bà Hoàng Thị Phương – Trưởng Phòng Nội vụ huyện Xín Mần cho hay, huyện được giao chỉ tiêu tuyển tổng số là 93 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 57 viên chức là giáo viên. Các đơn vị trường học thiếu giáo viên chủ yếu là cấp THCS.
Bà Nông Thị Lượng – Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Bản Ngò (huyện Xín Mần) cho hay, do nhà trường có điều kiện đi lại dễ dàng, đồng thời đã dồn 3 điểm trường vào trường chính nên chỉ thiếu mỗi giáo viên tiếng anh. Để khắc phục tình trạng trên, nhà trường đã hợp đồng giáo viên bộ môn này với trường khác, đồng thời sắp xếp thời khóa biểu sao cho phù hợp để học sinh được học đầy đủ các môn học theo quy định.
![]() |
Trường Tiểu học và THCS Tân Tiến là một trong những trường được tổ chức sáp nhập. (Ảnh: P. Họ). |
Tại huyện Hoàng Su Phì, thực trạng thiếu giáo viên cũng tương tự. Ông Đào Xuân Hưng – Trưởng Phòng Nội vụ huyện này khẳng định, tỉ lệ giáo viên tại chỗ thực tế rất thấp, chủ yếu từ các huyện vùng thấp lên, do đó họ công tác một thời gian thì chuyển vùng. Riêng năm 2024, tại huyện có 38 giáo viên chuyển vùng và 13 giáo viên nghỉ hưu.
Trong năm 2024, huyện thông báo tuyển dụng 1 chỉ tiêu, đến khi tuyển dụng chỉ có 37 hồ sơ đủ điều kiện tuyển dụng, qua vòng xét tuyển chỉ còn 21 hồ sơ. Đáng nói, đến khi nhận công tác thì chỉ còn 20 người.
Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoàng Su Phì cho biết: “huyện đang thiếu giáo viên Toán, Tiếng Anh, Tin học, Ngữ Văn. Để khắc phục chúng tôi tiến hành sáp nhập các trường. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay huyện giảm từ 63 đơn vị trường học còn 51 trường, từ 89 điểm đến nay còn 17 điểm, trường hợp các trường thiếu giáo viên thì chúng tôi đề ra phương án hợp đồng thỉnh giảng”.
Việc sáp nhập các trường sao cho phù hợp rõ ràng khắc phục rõ rệt tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Lấy ví dụ như tại trường Tiểu học và THCS Tân Tiến (huyện Hoàng Su Phì), ông Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng của trường này cho hay, sau khi sáp nhập cấp 1 và 2 với nhau, trường cấp 1 dôi ra 3 vị trí, việc làm để huyện bố trí đi nơi khác làm việc, lấp vào đơn vị trường học thiếu giáo viên và quản lý.
Đồng Văn là một trong những huyện biên giới tình trạng thiếu giáo viên vốn diễn ra từ nhiều năm nay. Ông Lê Trung Quyết – Trưởng Phòng Nội vụ Đồng Văn bảo, từ đầu năm cấp mầm non đến THCS toàn huyện thiếu đến 194 giáo viên. Thời gian qua, huyện đã tổ chức xét tuyển được 48 người, còn thiếu 146 giáo viên.
Ông Hà Đình Phong – Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đồng Văn cho hay, do thực tế giáo viên luân chuyển công tác nhiều nên tình trạng thiếu giáo viên đắp vào càng trở nên khó khăn. Năm học 2023 - 2024, huyện có hợp đồng 31 giáo viên, nhưng năm học này không có hợp đồng, cái dở ở chỗ mỗi năm giáo viên hợp đồng chỉ được trả 9 tháng lương và bảo hiểm, 3 tháng hè không hợp đồng thì các giáo viên lại không được chi trả nên không đảm bảo ổn định cuộc sống của các thầy cô. Trước mắt, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, huyện Đồng Văn cũng đang thực hiện các giải pháp sáp nhập trường, cụm trường, xây dựng các phòng học trực tuyến cho học sinh học từ xa…
Câu chuyện thiếu giáo viên chắc chắn vẫn sẽ là bài toán khó của tỉnh Hà Giang trong thời gian tới, vấn đề cần được tháo gỡ từng bước và từ gốc rễ.
Tags: