Vừa qua, hơn 600 nhân viên, giáo viên tại huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) bị huyện này bất ngờ cắt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, chưa đầy 1 tháng sau ngày dừng hợp đồng với hàng loạt giáo viên, UBND huyện này lại “kêu thiếu giáo viên” và ra một số văn bản gửi UBND tỉnh xin bổ sung thêm 253 cán bộ, giáo viên cho các bậc học.
Chị Nguyễn Thị Huyền (huyện Yên Định) là giáo viên đã được UBND huyện Yên Định ký hợp đồng lao động không thời hạn. Nhưng trong đợt biên giảm vừa qua, chị cũng là một trong số 647 cán bộ, giáo viên bị huyện Yên Định cắt hợp đồng lao động.
Chị Huyền chia sẻ: “Tôi đã đứng trên bục giảng hơn 10 năm qua. Từ khi bị nghỉ dạy đến nay đã hơn 1 tháng nhưng tôi vẫn chưa thể tìm kiếm được công việc mới dù đã và đang cầm hồ sơ đi xin việc ở một số nơi rồi nhưng không có ai nhận cả. Giờ tôi vẫn đang ở nhà. Để tìm được một công việc phù hợp với khả năng thực sự rất khó, do giáo viên là một ngành nghề đặc thù”.
|
Chị Huyền buồn rầu chia sẻ và mong muốn được quay trở lại làm việc và tiếp tục được cống hiến cho ngành giáo dục. |
Không chỉ riêng chị Huyền, phần lớn số giáo viên bị cắt hợp đồng lao động vừa qua đang gặp phải khó khăn lớn khi chưa thể tìm kiếm được công việc mới. Có nhiều gia đình có cả 2 vợ chồng đều là giáo viên hợp đồng cùng phải nghỉ việc. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đang phải nuôi con nhỏ, cha mẹ già, người mắc bệnh tật đang phải điều trị…và, họ vẫn đang “loay hoay” với đơn thư kêu cứu gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, mong muốn được tiếp tục làm việc và cống hiến cho ngành giáo dục.
Lý giải về việc đột ngột cắt hợp đồng lao động đối với hơn 600 cán bộ, giáo viên, ông Lê Xuân Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Định cho hay: "Chúng tôi buộc phải dừng hợp đồng lao động của 647 giáo viên là do thực hiện theo Nghị quyết số 39/TƯ của Bộ Chính trị và thực hiện theo kế hoạch của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc cắt hợp đồng lao động này là giải pháp tình thế. Là cần thiết!? Bởi một nhẽ, lao động hợp đồng ở huyện Yên Định là rất đông và nó không phù hợp với nhu cầu thực tế".
|
Một trong số những văn bản UBDN tỉnh Thanh Hóa đã gửi UBND huyện Yên Định, yêu cầu rà soát, sắp xếp giáo viên ở các bậc học của huyện. |
Điều đáng nói rằng, sau khi bị chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 600 giáo viên, thì chưa đầy 1 tháng sau đó, UBND huyện Yên Định lại ra nhiều văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin bổ sung thêm 253 nhân viên, giáo viên cho các bậc học do huyện lại… thiếu giáo viên.
Ông Thành cho biết thêm: “Đến nay tổng rà soát lại chúng tôi đang còn thiếu 253 vị trí việc làm kể cả ở bậc THCS đó là các môn đặc thù như tin học, tiếng anh, âm nhạc và đối với bậc học mầm non thì chúng tôi còn thiếu tới 150 giáo viên”.
Mặc dù, trước thời điểm chấm dứt hợp đồng với các giáo viên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản hỏa tốc gửi UBND huyện Yên Định, yêu cầu huyện này thực hiện rà soát, sắp xếp và bố trí hợp lý đủ giáo viên cho các bậc học trước khi thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động.
Như vậy, do thực hiện một cách máy móc, không căn cứ đúng tình hình thực tế nên UBND huyện Yên Định khiến hàng trăm nhân viên, giáo viên phải nghỉ việc đột ngột. Sau khi giáo viên bị nghỉ việc, hàng loạt trường học lại rơi vào cảnh thiếu giáo viên trầm trọng. Đặc biệt là giáo viên ở bậc học mầm non.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.