Huyện Yên Định (Thanh Hóa) bất ngờ cắt hợp đồng lao động với 647 nhân viên, giáo viên, sau đó lại xin tỉnh được tuyển bổ sung thêm 253 người vì thiếu giáo viên giảng dạy. Sự việc này khiến dư luận đặt ra câu hỏi lớn về công tác tuyển và sử dụng cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục của huyện Yên Định. Đây cũng là bài học xương máu cho nhiều địa phương khác trong công tác tuyển và sử dụng lao động.
Đến thời điểm hiện tại, Yên Định còn thiếu 253 vị trí làm việc ở tất cả các bậc học. Đó là các môn đặc thù như Tin học, Tiếng anh, Âm nhạc. Đặc biệt giáo viên mầm non đang thiếu 150 người.
Ghi nhận của PV, ngay tại trường Mầm non Quán Lào (thị trấn Yên Định), hiện vẫn còn thiếu khoảng 5 giáo viên; khiến 2 cô có khi phải phụ trách tới 3 lớp. Trong khi trường này cũng vừa phải cắt hợp đồng với 1 giáo viên theo quyết định của UBND huyện vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng trường Mầm non Quán Lào (thị trấn Yên Định) chia sẻ: “Do cái cơ chế mới, một số giáo viên phải cắt hợp đồng nên đầu tháng 9 vừa rồi nhà trường vẫn chưa được bổ sung giáo viên. Hiện tại là trường đang thiếu người giảng dạy, trong thời gian sắp tới cũng mong UBND huyện quyết định, cũng như làm tờ trình mới để xin với UBND tỉnh sớm bổ sung giáo viên kịp thời cho các nhà trường”.
|
Trường mầm non thị trấn Quán Lào (Yên Định) - Một trong những trường đang thiếu giáo viên. |
Thông tin từ Sở GD &ĐT tỉnh Thanh Hoá cho biết: Hiện tỉnh này đang thiếu khoảng 4.000 giáo viên bậc học mầm non, 700 giáo viên bậc học tiểu học và thừa 1.200 giáo viên THCS.
Theo đó, UBND tỉnh này vừa ra các văn bản chỉ đạo các sở: Nội vụ, GD&ĐT cùng UBND các huyện, lập phương án bố trí sắp xếp, luân chuyển cán bộ để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá nói: “Số học sinh giảm, số lớp giảm thì nó cũng tụt giảm theo với nhu cầu thì đó là cái lý do khách quan. Nhưng phải nói rằng, có cả lý do chủ quan, là các huyện này chưa làm tốt được việc rà soát sắp xếp giáo viên hàng năm. Bởi vì việc rà soát sắp xếp hàng năm thì căn cứ vào nhu cầu thực tế cái nơi thừa thì phải điều chuyển đến nơi thiếu”.
|
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá. |
Việc chấm dứt đột ngột hàng nghìn giáo viên hợp đồng tại 2 huyện Yên Định, Vĩnh Lộc rồi sau đó lại công bố tình trạng thiếu khoảng 4.000 giáo viên trên toàn địa bản tỉnh đã đặt ra câu hỏi lớn về quy trình tuyển, sử dụng và sắp xếp giáo viên tại các huyện ở tỉnh này thời gian vừa qua.
Bởi, giáo viên là 1 ngành nghề đặc thù, không thể tuyển dụng một cách tràn lan rồi lại chấm dứt hợp đồng hàng loạt như một ngành nghề mang tính chất thời vụ.
Câu chuyện “thả cửa” tuyển dụng đã phản ánh thực tế yếu kém, thậm chí có thể nói là lợi dụng chính sách để tuyển dụng sai, thiếu tính minh bạch ở các địa phương khi tỉnh Thanh Hóa trao quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm cho từng địa phương. Những sai phạm này chỉ được bộc lộ khi thực hiện Nghị quyết số 39/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giảm “bộ máy”.
Đây là bài học xương máu cho huyện Yên Định nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung. Bởi, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tới 25 huyện, thị thực hiện việc tuyển dụng “cởi mở” theo tinh thần của Quyết định 685 của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành năm 2007.