Hai chữ “cuối cùng” trong trường hợp này là tuần làm việc cuối cùng của năm Ất Mùi, cuối tuần, người lao động được nghỉ ngơi đón Tết Bính Thân 2016.
|
ẢNh minh họa. |
Xin thưa, 2 chữ “cuối cùng” trong trường hợp này là tuần làm việc cuối cùng của năm Ất Mùi, cuối tuần, người lao động nói chung được nghỉ ngơi về cùng gia đình chuẩn bị đón Tết Bính Thân 2016. Ta mong điều gì ở tuần làm việc này? Ta không mong điều gì?
Điều dễ nhận thấy nhất là không mong nhậu nhẹt. Không ở đâu trên trái đất này giống Việt Nam, đã thành “lệ”, thành “hủ tục”, cuối năm/đầu năm công sở bao giờ cũng “rệu rã” vì nhậu nhẹt. Sau một năm “gồng mình để cày cuốc”, thời điểm cuối năm này là lúc ai nấy bắt đầu “chùng” tinh thần, nhiều người tìm mọi cách để trốn việc đi chơi.
Nhân viên được đà cũng lơ là công việc, mải mê bàn tính chuyện liên hoan, văn nghệ. Công việc liên quan đến quyền lợi của người dân cũng bắt đầu… lơ là. Điều vừa khó vừa dễ nhận ra ở các cơ quan, cuối năm là thời điểm các sếp liên tục đi gặp gỡ, cảm ơn đối tác.
Năm nay, tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội ra lệnh cấm dùng tiền ngân sách làm quà biếu, dùng rượu ngoại để tiếp khách, chi lương, thưởng không đúng quy định, dùng xe công với mục đích cá nhân.
Không đâu như Việt Nam “nặng nghĩa/nặng tình” đến mức cầu thang đến phòng làm việc của một số lãnh đạo vào dịp Tết như “tan chảy”, “tắc” hơn đường Hà Nội vì phải “xếp hàng”, nhất là tuần cuối cùng trước khi nghỉ Tết.
Ta mong dù “ngang mức” tình cảm nhưng hủ tục này dần dần được loại ra khỏi đời sống. Bởi bao hệ lụy sinh ra từ đây. Từ xưa, dân gian Việt đã có câu: Khó quanh năm, giàu ba ngày Tết.
Có nghĩa là dù quanh năm sống trong nghèo túng thì ba ngày Tết mọi người cũng phải cố sắm sửa sao cho tươm tất để tổ tiên, ông bà khỏi tủi và để đỡ “mất mặt” với hàng xóm láng giềng.
Nhưng điều đó vẫn nằm trong mức độ khả năng kinh tế cho phép chứ không đồng nghĩa với sự chi tiêu “vung tay quá trán” mà ngày nay nhiều người, nhiều gia đình mắc phải.
Tết hoàn toàn không phải là dịp khoe giàu, khoe sang, phô trương thanh thế để lòe thiên hạ. Vì thế ta không mong người giàu khoe khoang, hợm hĩnh, chạnh lòng kẻ khó. Ta mong tất thảy những hoàn cảnh khó khăn đều có Tết.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam lãng phí cả trong quy hoạch, đầu tư, sản xuất lẫn tiêu dùng. Có lẽ, nhận ra điều này nên Chính phủ ta có hẳn “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Chúng ta mong điều này, chương trình này có thật trong cuộc sống. Vì thế, chúng ta mong chất lượng, hiệu quả đến giây phút cuối cùng trước lúc “niêm phong” công sở. Chúng ta mong Tết đầm ấm, vui vẻ và tiết kiệm từ trong mỗi gia đình