Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nhằm hỗ trợ sản xuất, giảm chi phí vốn cho người dân.
Ngày 15/4/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành công văn số 2756/NHNN-TD, yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đặc biệt dành riêng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với quy mô tổng thể lên đến 100.000 tỉ đồng.
Đây là bước cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 46/NQ-CP ngày 08/3 và Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 01/3 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang chịu sức ép lớn từ thị trường xuất khẩu, giá nguyên vật liệu và thiên tai.
 |
Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nhằm hỗ trợ sản xuất, giảm chi phí vốn cho người dân. |
Theo Ngân hàng Nhà nước, chương trình tín dụng này kế thừa và mở rộng từ chương trình cũ áp dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, nay bao trùm toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Theo đó, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Chương trình được triển khai đến khi doanh số cho vay đạt 100.000 tỷ đồng (theo mức đăng ký của các ngân hàng thương mại).
Có ít nhất 15 ngân hàng thương mại sẽ triển khai chương trình tín dụng này, bao gồm: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam Á Bank, OCB, Eximbank, BVBank, SHB, VietBank, HDBank.
Các ngân hàng này có trách nhiệm thực hiện theo dõi, thống kê kết quả triển khai Chương trình và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cung cấp cho các cơ quan liên quan khác (nếu có).
Các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm việc triển khai thực hiện theo đúng cam kết của Chương trình này (về đối tượng, lãi suất).
Ngoài các ngân hàng trên, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng khác chủ động tham gia chương trình nếu đủ điều kiện, trên cơ sở tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn này và Công văn 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023.
Với nguồn vốn quy mô lớn cùng phạm vi hỗ trợ rộng khắp, chương trình kỳ vọng sẽ góp phần giảm chi phí tín dụng, hỗ trợ tái cơ cấu sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng giá trị nông sản Việt Nam trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.