Ít đơn vị tham gia thẩm định, chưa có quy định cụ thể… là nguyên nhân khiến gỗ được thu hồi từ công tác đốn đốn hạ, giải tỏa cây xanh chậm trễ thanh lý, đấu giá.
Tại buổi họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều 14/3 đã có thông tin về việc Sở Xây dựng chưa có biện pháp bảo quản, chậm xử lý đấu giá hơn 4.500m3 gỗ thu hồi từ đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn, dẫn đến việc nhiều cây gỗ có dấu hiệu bị mục, ảnh hưởng đến chất lượng khi thực hiện đấu giá.
"Công tác quản lý và thanh lý khối lượng gỗ thu hồi từ việc đốn hạ thay thế cây xanh mất an toàn, hư hại, sâu bệnh và giải tỏa cây xanh bị ngã đổ được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố triển khai thực hiện ngay trong năm 2019. Kể từ thời điểm đó, công tác này được trung tâm duy trì triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục cho đến hiện nay", ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, thuộc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết.
|
Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, thuộc Sở Xây dựng TP.HCM Vũ Văn Điệp phát biểu tại buổi họp báo |
Hiện số lượng gỗ thu hồi từ công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn TP.HCM là hơn 4.500m3. Lượng gỗ này được tập kết tại vườn ươm Đông Thạnh (huyện Hóc Môn).
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện đấu giá thu ngân sách theo quy định. Đến nay, trung tâm đã tổ chức bán đấu giá thành công hơn 4.200m3. Tổng giá trị bán đấu giá là 5.785.000.000 đồng.
Phần khối lượng gỗ còn lại đang được tổ chức thực hiện thẩm định định giá. Dự kiến khối lượng gỗ này sẽ được mở đấu giá trong tháng 4 sắp tới.
Nói về việc chậm trễ xử lý đấu giá số lượng gỗ còn lại, ông Vũ Văn Điệp cho biết, đến nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc thanh lý gỗ thu hồi từ công tác đốn hạ thay thế cây xanh mất an toàn, hư hại, sâu bệnh…
Nguyên nhân của tình trạng này do gỗ thu hồi là loại vật tư đặc thù có khả năng suy giảm dần chất lượng theo thời gian; đồng thời khối lượng gỗ thu hồi sẽ không ngừng tăng dần trong quá trình thực hiện bảo dưỡng cây xanh già cỗi, hư, mục nát.
|
Chất lượng gỗ thu hồi từ đốn hạ, giải tỏa cây xanh là một trong những lý do khó đấu giá |
“Dù chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, Trung tâm hạ tầng vẫn chủ động đề xuất và tiếp tục duy trì công tác thanh lý gỗ thu hồi bằng hình thức đấu giá cho đến nay nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc thu, nộp ngân sách nhà nước”, ông Vũ Văn Điệp cho biết.
Quá trình thanh lý đấu giá cũng gặp khó khăn vì một số gói đấu giá phải tổ chức đến lần thứ 4, thứ 5 nhưng vẫn không thành công. Nguyên nhân là do không có tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá hoặc tham gia không đủ số lượng người đấu giá theo quy định. Việc tìm kiếm, lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá gỗ thu hồi cũng gặp nhiều khó khăn vì rất ít đơn vị tham gia.
Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 kéo dài trong các năm vừa qua cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đấu thầu.
|
Hiện số lượng gỗ thu hồi từ công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn TP.HCM là hơn 4.500m3 |
Đặc biệt, công tác thanh lý, đấu giá gỗ thu hồi từ cây xanh đường phố hiện nay cũng là vấn đề tương đối mới, chưa được thực hiện phổ biến ở các địa phương trong cả nước nên việc tìm hiểu, tham khảo cũng nhiều hạn chế. Do đó, công tác thẩm định giá gỗ của đơn vị tư vấn cũng gặp thêm khó khăn.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Vũ Văn Điệp cho biết thêm, trung tâm sẽ tiếp tục khẩn trương đẩy nhanh việc thực hiện đấu giá đối với khối lượng gỗ thu hồi còn lại; đồng thời thường xuyên tổ chức nhiều đợt đấu giá trong năm cho khối lượng thu hồi phát sinh mới.
Đồng thời, trung tâm thực hiện tốt công tác quản lý gỗ thu hồi trong thời gian triển khai công tác thanh lý, đấu giá như: sắp xếp bãi gỗ gọn gàng, thuận tiện, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, lưu ý công tác phòng trừ mối mọt và quan tâm đến vấn đề an toàn trong bảo quản gỗ thu hồi.