Theo kết luận điều tra, bị hại là người khuyết tật nặng không có khả năng tự vệ nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thường Tín quyết định đề nghị truy tố hình sự. Tuy nhiên, việc liên quan giữa người khuyết tật với không có khả năng tự vệ thì lại chưa được làm rõ.
Bị hại có phải là người khuyết tật nặng?
Tại thời điểm xảy ra sự việc, bị hại là bà Nguyễn Thị Bích Nhung (SN 1976, HKTT phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) tuy bị khuyết tật nhưng vẫn có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường mà không cần người trợ giúp.
|
Nhiều hình ảnh video ghi lại cảnh sinh hoạt hàng ngày cho thấy, bà Nhung có thể thực hiện tốt nhiều việc mà không cần sự trợ giúp của người khác. |
Năm 2016, bà Nhung được cơ quan chức năng cấp 02 giấy xác nhận khuyết tật với hai nội dung khác nhau, mức độ nặng nhẹ và dạng khuyết tật khác nhau, cùng một người ký, ký cùng một ngày và cùng một địa điểm là UBND xã Đông Sơn huyện Chương Mỹ. Một giấy ghi: Khuyết tật dang vận động; giấy còn lại ghi: Mất khả năng lao động do liệt. (Giấy xác nhận do ông Trịnh Xuân Bền – Nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Sơn và ông Trịnh Văn Thắng – Cán bộ lao động Thương binh xã hội của xã Đông Sơn cấp ngày 26/10/2016).
Theo như tài liệu, hồ sơ mà ông Nguyễn Trọng Việt (em trai của bị hại) cung cấp, phiếu đánh giá mức độ khuyết tật ngày 18/10/2016 đối với bà Nhung trên thang 08 điểm, là bà Nhung không thể tự thực hiện được các hoạt động sinh hoạt cá nhân, không thể diễn đạt được ý muốn và suy nghĩ của bản thân mà phải nhờ sự trợ giúp của người khác.
|
Phiếu đánh giá mức độ khuyết tật của bà Nhung được cấp vào năm 2016. |
Thế nhưng trên thực tế, khi xảy ra sự việc, bà Nhung đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, điều hành 01 công ty (khoảng 100 nhân viên), đi lại bình thường, mọi hoạt động không cần sự trợ giúp của bất cứ ai; sinh 02 con trai khoẻ mạnh bình thường; có khả năng tấn công đàn áp người khác tại nơi làm việc.
Bà Lịch (mẹ đẻ bị hại) cũng cho biết, con gái mình không thuộc trường hợp là người bị liệt, không phải người khuyết tật nặng vì Nhung vẫn có thể thực hiện các công việc mà không cần sự trợ giúp của người khác. Thậm chí, tự kinh doanh bán hàng thuốc trong nhiều năm,… Bản chất Nhung vẫn luôn luôn có khả năng tự vệ và tất cả các hoạt động đã thể hiện rất rõ ràng, rõ rệt và chi tiết từng cử chỉ, hành động.
Thêm vào đó, toàn bộ nhân viên Công ty CP dược phẩm QD-Meliphar (nơi bà Nhung làm việc) khẳng định, bà Nhung chỉ bị hạn chế một phần khả năng vận động do một bên chân bị tật nhưng mọi công việc sinh hoạt cá nhân, bà Nhung hoàn toàn có thể tự mình thực hiện được mà không cần sự trợ giúp. Thậm chí, bà Nhung thường xuyên chửi bới, lăng mạ ông Việt rất nhiều lần trong các cuộc họp giao ban đầu tuần của Công ty.
Ông Việt cho biết, Phòng Lao động Thương binh xã hội quận Long Biên cũng đã nhiều lần đề nghị bà Nhung đi khám theo hướng dẫn của Sở Lao động Thương binh xã hội Thành phố Hà Nội (tại Công văn số 145/BTCD) để xác định lại mức độ khuyết tật. Tuy nhiên, bà Nhung đã không hợp tác với chính quyền địa phương và né tránh việc xác định lại nên bà Nhung không còn trong danh sách đối tượng bảo trợ xã hội của nhà nước.
Và tại điểm b khoản 2 Điều 3 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về người khuyết tật nặng: “Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày”.
Như vậy, bà Nhung có còn là người khuyết tật nặng giống như theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thường Tín hay không khi bà Nhung chưa đi giám định lại mức độ khuyết tật? Hay cơ quan chức năng đang thay hội đồng y khoa để xác định mức độ khuyết tật của bà Nhung để làm việc?
Người khuyết tật đương nhiên là người mất khả năng tự vệ?
Theo như Hội đồng Thẩm phán, phải chăng người khuyết tật là người không có khả năng tự vệ? Giữa những người khuyết tật và người mất khả năng tự vệ là giống nhau? Dù cá nhân bị hại chỉ là người khuyết tật dạng liệt một chi, vẫn có khả năng sinh hoạt, đi lại và tấn công người khác?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 có giải thích “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.
Và tại khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 1/10/2019 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn về tình tiết “7. Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào một trong những hoàn cảnh sau đây để giao cấu …: a) Người bị hại không thể chống cự được (ví dụ: người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật... dẫn đến không thể chống cự được)”.
Nếu có thể áp dụng tương tự thì cũng không thể xác định bà Nhung là người không có khả năng tự vệ, bởi lẽ quy định này xác định “người khuyết tật dẫn đến không thể chống cự”, tức là không đương nhiên là người không có khả năng tự vệ.
Sắp tới, ngày 10/12/2024, TAND huyện Thường Tín tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án. Trước những nội dung báo Pháp luật Việt Nam đã phân tích ở trên, rất mong HĐXX sẽ xem xét vụ án một cách khách quan, từ đó đưa ra phán quyết hợp tình, hợp lý để đảm bảo bản án được chính xác, công bằng và tránh oan sai.