Người khuyết tật - những cá nhân vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, lại càng dễ trở thành nạn nhân của các hành vi xâm hại. Hai vụ án xảy ra tại Kiên Giang trong thời gian qua là minh chứng rõ nét cho thực trạng đáng lo ngại này.
Hành vi cưỡng ép bị phát giác kịp thời
Vụ án thứ nhất diễn ra vào sáng ngày 8/4/2023 tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Bị cáo Phạm Quốc C, 52 tuổi. Lợi dụng lúc chị Trịnh Thị L, 35 tuổi bị khuyết tật đặc biệt nặng ở nhà một mình, C đã giao cấu trái ý muốn với nạn nhân.
Đúng lúc bị cáo đang thực hiện hành vi, anh Lê Trường S tình cờ nhìn thấy qua cửa sổ và ngay lập tức trình báo công an.
Ban đầu, bị cáo bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù giam, tuy nhiên sau khi đại diện hợp pháp của bị hại kháng cáo, Tòa phúc thẩm đã nâng mức án lên 2 năm tù, do áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “Phạm tội đốivới…người khuyết tật đặc biệt nặng…” theo điểm k khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.
Đồng thời, giữ nguyên mức bồi thường “Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm” theo khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự với số tiền đã nộp là 20 triệu đồng.
Lợi dụng sự hạn chế nhận thức của bị hại
Vụ án thứ hai xảy ra vào tối ngày 7/11/2023 tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Bị cáo Tôn Văn T, 60 tuổi (mù chữ), sau khi uống rượu trở về nhà, T đã gặp chị Bùi Thị Hằng N, một người mắc chứng chậm phát triển tâm thần nặng.
Khi thấy bị cáo đi nhậu về ngang qua nhà mình, bị hại đã chủ động nắm tay dẫn vào phòng ngủ và có hành vi tự cởi quần áo. Lợi dụng tình huống này, bị cáo đã thực hiện hành vi giao cấu với bị hại.
Hành vi trên chỉ bị phát hiện khi mẹ của chị N kiểm tra camera giám sát trong nhà và lập tức trình báo cơ quan chức năng.
Giám định pháp y kết luận chị N mất hoàn toàn khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đồng nghĩa với việc không thể tự nguyện trong quan hệ tình dục.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Gò Quao tuyên phạt bị cáo 1 năm tù giam về tội "Hiếp dâm" theo khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, tòa còn buộc bị cáo phải bồi thường “Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm” cho bị hại14,29 triệu đồng, được khấu trừ 9 triệu đồng đã nộp trước đó.
Bảo vệ công lý cho người yếu thế
Điểm chung của cả hai vụ án là nạn nhân đều là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, không có khả năng tự bảo vệ mình cũng như nhận thức đầy đủ về hành vi tình dục. Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự, mọi hành vi giao cấu với người không có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi đều bị xem là hiếp dâm, bất kể có sự "đồng ý" hay không.
Một vấn đề đáng lưu tâm trong cả hai vụ án là kết luận giám định của Trung tâm Pháp y cho thấy cả hai bị hại đều từng bị xâm hại trước đó, nhưng không xác định được thời điểm cụ thể. Điều này cho thấy, khả năng chị L và chị N đã bị xâm hại nhiều lần mà không hay biết, trong khi người thân cũng không phát hiện để can thiệp kịp thời.
Việc bị xâm hại không chỉ gây tổn thương về thể xác mà còn để lại hậu quả tâm lý nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của nạn nhân và gia đình họ. Không ít trường hợp, nạn nhân phải đối mặt với sự mặc cảm, lo âu kéo dài, thậm chí gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập cuộc sống.
Trong những tình huống như vậy, vai trò của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang trở nên vô cùng quan trọng. Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệcho bị hại trước pháp luật, trợ giúp viên pháp lý còn là điểm tựa tinh thần, giúp nạn nhân và gia đình họ hiểu rõ quyền lợi của mình, mạnh dạn lên tiếng và tìm lại công lý.
Nâng cao nhận thức cộng đồng
Hai vụ án trên là hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ xâm hại người khuyết tật, đặt ra trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này.
Gia đình cần giám sát chặt chẽ, đặc biệt với những người khuyết tật có hạn chế về nhận thức, thông qua các biện pháp như lắp đặt thiết bị giám sát, giáo dục về nguy cơ xâm hại và hướng dẫn cách tự bảo vệ. Chính quyền địa phương cũng cần xây dựng hệ thống hỗ trợ, tổ chức tập huấn kỹ năng phòng tránh rủi ro cho người khuyết tật và người thân của họ.
Mức án 1 năm và 2 năm tù đối với các bị cáo được cho là chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần xem xét sửa đổi quy định pháp luật để tăng hình phạt đối với tội phạm xâm hại người khuyết tật.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về quyền lợi của người khuyết tật. Chỉ khi toàn xã hội cùng chung tay, chúng ta mới có thể bảo vệ họ một cách thực sự hiệu quả.