6 tháng đầu năm 2016, mặc dù kết quả thi hành án xong về án tín dụng, ngân hàng đã tăng đáng kể song theo Tổng cục Thi hành án dân sự: “Số việc, tiền phải thi hành án còn lớn; tiến độ thi hành án còn kéo dài, chậm trễ”.
Tin nên đọc
MövenpickVillas - Siêu biệt thự duy nhất được ngân hàng bảo lãnh
Ngân hàng Phương Đông trao quà hơn 4 tỷ đồng đến khách hàng
Học viện Ngân hàng: Điểm trúng tuyển hệ liên thông không thấp hơn 2 điểm
Ngân hàng xác nhận có vốn để đào hầm đường bộ qua Đèo Ngang
|
Ảnh minh họa. |
Báo cáo của Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) cho biết, 06 tháng năm 2016, số việc đã thi hành xong cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là 1.239 việc, tăng 508 việc (69,49%) so với cùng kỳ năm 2015, tương ứng với số tiền hơn 8.120 tỷ đồng.
Như vậy, kết quả thi hành án xong về án tín dụng, ngân hàng 06 tháng năm 2016 đã tăng trên 41% số việc và tăng trên 30% số tiền so với cùng kỳ năm 2015.
Một trong những nguyên nhân đạt được kết quả nêu trên là do việc ký kết Quy chế phối hợp giữa hai ngành đã tạo ra sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, từ Tổng cục đến các cơ quan THADS đã nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm tổ chức thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng; tích cực, chủ động, quyết liệt hơn trong việc xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án; các tổ chức tín dụng cũng chủ động phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan THADS cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan trong thi hành án và giải quyết vướng mắc trong việc thi hành án.
Trong năm 2016, thị trường bất động sản đang “ấm dần” nhưng bất động sản liên quan đến THADS vẫn còn trầm lắng. Trong bối cảnh đó, cơ quan THADS trong cả nước đã nỗ lực phấn đấu để kết quả thi hành án liên quan đến bất động sản trong các bản án tín dụng ngân hàng thi hành xong tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục THADS, dù đạt được những kết quả tích cực nhưng so với yêu cầu thì chưa đáp ứng; tỷ lệ thi hành án xong còn thấp, số việc, tiền phải thi hành án còn lớn; tiến độ thi hành án còn kéo dài, chậm trễ.
Khó khăn lớn nhất là số vụ việc và số tiền còn phải thi hành lớn gồm 16.433 việc, tương ứng với số tiền là hơn 60.399 tỷ đồng. Một số địa phương có số tiền phải thi hành liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ...
Trong nhiều nguyên nhân, Tổng cục THADS chỉ rõ, tâm lý ngại mua tài sản bán đấu giá thi hành án dẫn đến việc bán đấu giá tài sản thành công ở lần đầu đưa ra bán đấu giá rất thấp, mà chủ yếu phải đưa ra bán nhiều lần mới thành công, hoặc tuy đã đưa ra bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được; nhiều ngân hàng còn lúng túng trong việc nhận tài sản bán đấu giá để trừ vào khoản vay; nhiều trường người phải thi hành án - khách hàng của Ngân hàng thiếu hợp tác, trốn tránh, gây khó khăn của việc xử lý tài sản đã thế chấp; nhiều trường hợp việc thẩm định, nhận thế chấp tài sản chưa chặt chẽ; đại diện ngân hàng tham gia việc yêu cầu thi hành án chưa tích cực, chủ động phối hợp trong quá trình tổ chức thi hành án. Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng “một số bản án, quyết định của Tòa án chưa rõ ràng dẫn đến việc thi hành án.
Để đẩy nhanh tiến độ thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, Tổng cục THADS đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi lập hồ sơ cho vay vốn cần tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trong tương lai gần; trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản đảm bảo, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra.
Đồng thời, nếu vụ việc đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì tổ chức tín dụng, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để đảm bảo bản án, quyết định có tính khả thi (nhất là đối với các loại việc công nhận hòa giải thành).
Bên cạnh đó, Tổng cục THADS cũng đề nghị Ban Chỉ đạo thi hành án các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác chỉ đạo hoạt động tổ chức cưỡng chế thi hành án, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn liên quan đến nhà đất, giải quyết các vụ việc liên quan đến án tín dụng ngân hàng có tính chất phức tạp, kéo dài, những việc có điều kiện thi hành nhưng người phải thi hành án chống đối để làm điểm, tăng cường hiệu quả công tác xử lý nợ xấu.
Theo thống kê của Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước và qua báo cáo của các cơ quan THADS địa phương, hiện đã có 47/63 Cục THADStỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký Quy chế phối hợp với chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước; 08 đơn vị dự kiến ký trong thời gian tới; 08 Cục THADS chưa ký Quy chế phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước. |