Nhằm giúp học sinh có hứng thú hơn trong học tập môn Lịch sử, thầy giáo Trần Trung Hiếu (Nghệ An) đã đề xuất phương hướng đổi mới chương trình môn Sử.
Sau khi Quốc hội có quyết nghị về “giữ môn Lịch Sử trong chương trình giáo dục phổ thông” và trong Hội nghị bàn về vị trí môn Sử đã cùng thống nhất Lịch sử là môn học độc lập và bắt buộc. Như vậy, vấn đề môn Lịch sử về cơ bản được “ngã ngũ”.
Việc tiếp theo, cần chờ đợi Bộ GD - ĐT sẽ triển khai các quyết nghị, kết luận đó như thế nào để trả lại vị thế của môn Lịch Sử như nó đã từng có trong chương trình phổ thông.
Vấn đề quan trọng là ngành giáo dục nói chung và các giáo viên Lịch sử phổ thông nói riêng cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học môn Sử để đáp ứng yêu cầu của công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện” như thế nào để học sinh “yêu” môn Sử hơn!?
Phapluatplus xin đăng tải nguyên văn bức tâm thư của thầy giáo Trần Trung Hiếu (Giáo viên dạy Lịch sử, tại trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An), chia sẻ về việc đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử trong môi trường phổ thông hiện nay.
Theo quan điểm của chúng tôi, muốn đổi mới dạy học lịch sử trong trường phổ thông hiện nay, trước tiên chúng ta cần phải xác định được 2 vấn đề cốt lõi: Nhận thức về vị thế môn Sử trong nền giáo dục phổ thông; xác định rõ mục tiêu, yêu cầu của môn Lịch Sử là học Sử để làm gì, từ đó cần học những gì?
Từ 2 vấn đề cốt lõi trên, theo chúng tôi cần triển khai và thực hiện hai yêu cầu sau :
Thứ nhất, không nên giáo dục áp đặt
Mỗi sự kiện lịch sử tự nó đã nói lên nhiều điều. Các giáo viên Sử chúng ta phải làm cho học sinh tiếp thu những kiến thức này một cách tự nhiên mà không cảm thấy bị gò ép bởi một loạt nhưng phân tích áp đặt.
Tiếp đó là những câu chuyện lịch sử hấp dẫn có tính chất minh họa, lời kể hấp dẫn, diễn giải sinh động,... Cách làm này vừa phát huy được trí sáng tạo của học sinh, vừa làm cho các em dễ tiếp thu, dễ nhớ. Trong việc truyền thụ, giáo viên giữ vai trò hết sức quan trọng, bởi ngoài khả năng sư phạm giáo viên Sử thường phải đọc nhiều, biết nhiều và hiểu nhiều.
Các bài lịch sử trong sách giáo khoa hiện hành có nhiều nhận định áp đặt, trong khi rất thiếu những dẫn dắt, lập luận để người học cảm thấy mình đang tiếp thu một cách khoa học.
|
"Quan trọng nhất là muốn đổi mới phương pháp dạy học lịch sử và có một chương trình, nội dung của sách giáo khoa mới". |
Lịch sử là thực thể khách quan, là đối tượng của khoa học lịch sử. Những gì đạt tới trong khoa học lịch sử đều chỉ là nhận thức, là tương đối. Sự áp đặt một cách chủ quan theo kiểu “chính trị hóa lịch sử” sẽ làm mất tính khoa học của môn Lịch Sử cũng là một trong những nguyên nhân làm học sinh hoài nghi và chán Sử.
Thứ hai, hình thức đa dạng, phong phú
Lịch sử là “túi khôn” của nhân loại, là người thầy của cuộc sống chứa đựng biết bao bài học, kinh nghiệm thành công và thất bại nên tự nó vốn có sự hấp dẫn.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc giáo dục lịch sử có hiệu quả thường không phải chỉ dừng ở các bài giảng trong nhà trường mà phải kết hợp với rất nhiều hình thức bổ trợ khác, như học tập ngoại khóa, tham quan các khu di tích lịch sử, bảo tàng, xem phim lịch sử,…
Ở nhiều nước, việc tham quan, ngoại khóa tại bảo tàng đều nằm trong chương trình chính khóa. Học sinh sẽ được sống lại trong khung cảnh của lịch sử, thông qua các hiện vật lịch sử các em được cảm nhận được quá khứ lịch sử một cách trực tiếp.
Phim lịch sử cũng là một hình thức giáo dục lịch sử có hiệu quả rất cao mà nhiều nước đã thành công. Những bộ phim lịch sử được dàn dựng công phu, hấp dẫn chắc chắn sẽ lôi cuốn học sinh mà không cần tới bất kỳ một phân tích gò ép nào.
Mặt khác, đưa nội dung lịch sử vào các cuộc thi trí tuệ, kiến thức trong các sân chơi internet, truyền hình là một hình thức khuyến khích thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử, để họ thấy một cách tự nhiên rằng, hiểu biết lịch sử là một tiêu chuẩn đánh giá sự uyên bác và trí tuệ.
Biên soạn chương trình, nội dung sách ra sao để tương xứng với chất lượng!?
Hiện nay, chương trình học chỉ thích ứng với một thời kỳ nhất định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước. Để giáo viên, học sinh thích thú hơn trong việc giảng dạy và học, thì chương trình sách giáo khoa hiện hành cần phải đổi mới những bất cập.
Về cấu trúc, phải phân biệt rõ sự khác nhau giữa nội dung chương trình Lịch Sử ở các bậc học.
Đặt chương trình môn Lịch Sử bậc THPT trong tổng thể chương trình các bậc học để thiết kế theo nguyên tắc tích hợp, tránh sự trùng lặp về nội dung. Tốt nhất là bỏ hẳn cấu trúc chương trình đồng tâm kiểu mở rộng về lượng, mà chuyển sang tích hợp theo hướng tăng cường về chất.
Thứ nhất, theo phân kỳ lịch sử nhưng trong mỗi thời kỳ, chỉ chọn một số sự kiện, nhân vật, địa danh tiêu biểu. Mỗi sự kiện chỉ trình bày những nét chính cốt, bản chất nhất, những đặc điểm, tác dụng và ý nghĩa quan trọng nhất.
Ví dụ, trong phần lịch sử Việt Nam 1945-1954, có thể chọn một số sự kiện:
1. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ 1946.
2. Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947.
3. Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950.
4. Chiến dịch Điện Biên phủ 1954.
5. Hiệp định Giơ ne vơ 1954.
Thứ hai, theo chủ đề dược xác định trong từng thời kỳ. Mỗi chủ đề nhằm giải quyết một nội dung cơ bản, nhưng khá sâu sắc.
Ví dụ, trong phần lịch sử Việt Nam 1945 - 1954, có thể hình thành một số chuyên đề:
1. Quan hệ Việt - Pháp từ 9/1945 đến 12/1946.
2. Xây dựng hậu phương kháng chiến.
3. Quá trình phát triển của cuộc kháng chiến về mặt quân sự.
4. Vận động quốc tế và đấu tranh ngoại giao trong kháng chiến.
Về nội dung, kiến quyết giảm tính “hàn lâm” trong biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo dung lượng kiến thức theo đúng nghĩa phổ thông; bỏ hẳn nội dung lịch sử từng nước trên thế giới; chú trọng quan điểm “quần chúng là người làm ra lịch sử”; toàn diện nhưng có trọng tâm; chọn lọc kỹ những sự kiện, địa danh, nhân vật tiêu biêu.
Khi trình bày các sự kiện hay nhân vật lịch sử, cần chọn lọc những nét nổi bật nhất, quan trọng nhất, điển hình nhất; kiên quyết lược bỏ những diễn biến quá chi tiết,…
Sự kiện có vị trí đặc biệt quan trọng đối với lịch sử nhưng sẽ chẳng có nghĩa gì nếu chỉ chăm chăm “nhồi” vào đầu học sinh những sự kiện với vô vàn con số và địa danh đến mức học sinh phải phát sợ, giáo viên dạy phải phát ngán. Điều quan trọng là phải làm cho học sinh hứng thú tìm hiểu các sự kiện và con số, bằng cách thay đổi một cách căn bản từ triết lý dạy - học lịch sử dẫn đến viết sách giáo khoa và đổi mới phương pháp giảng dạy.
Về cách thể hiện, nên phân biệt và sử dụng thống nhất, chính xác các khái niệm như “giai đoạn”, “thời kỳ”; đặc biệt phải khách quan hơn, trung thực hơn khi trình bày những vấn đề có quan hệ “địch - ta”, cần tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử; nên bỏ hẳn việc sử dụng những từ biểu cảm, nhất là chữ “ta” trong các cụm từ “nhân dân ta”, “chúng ta”, “Đảng ta”, “dân tộc ta”...
Như vậy, việc tìm ra phương cách nào để cải thiện và nâng cao dạy học lịch sử trong trường phổ thông? Đây là câu hỏi giản dị nhưng chắc chắn trả lời không dễ, nhất là nếu tìm được lời giải thỏa đáng thì đó chính là hướng đi mới cho việc dạy học lịch sử.
Theo chúng tôi, quan trọng nhất là muốn đổi mới phương pháp dạy học lịch sử và có một chương trình, nội dung của sách giáo khoa mới, đó là Bộ GD&ĐT cần phải xác định đúng vị thế của môn Lịch Sử trong chương trình giáo dục phổ thông.
Lịch Sử phải coi là môn học đặc biệt, không chỉ trang bị kiến thức mà còn dung dưỡng tâm hồn, tình cảm của công dân với dân tộc, góp phần giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước và trách nhiệm của công dân với Tổ quốc. Nó phải là một môn học độc lập và bắt buộc .
ThS. Trần Trung Hiếu