Người dân bức xúc và phản đối vì cho rằng đã sinh sống ổn định nhiều năm nhưng nơi ở duy nhất sắp bị thu hồi để giao đất cho doanh nghiệp.
Báo Pháp luật Việt Nam ra ngày 13/11/2017 có bài viết: “Bất an từ một văn bản” đề cập đến việc hàng trăm hộ dân thuộc 3 tổ dân phố phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng bất an từ khi nhận được “Giấy mời” của UBND quận Hồng Bàng tới dự cuộc họp “Thông báo chủ trương của UBND thành phố và triển khai việc khảo sát hiện trạng sử dụng đất phục vụ lập quy hoạch dự án Trung tâm thương mại cao cấp và nhà ở trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ”.
|
Một góc phố phường Hoàng Văn Thụ. |
Thông báo “mồm”
Cuộc họp để được nghe “Thông báo mồm” này diễn ra ngày 4/11/2017, do ông Dương Đình Ổn – Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng chủ trì.
Cư dân được nghe rằng, có chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng về việc thu hồi toàn bộ đất tại 3 tổ dân phố Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh - Đinh Tiên Hoàng, thuộc phường Hoàng Văn Thụ để thực hiện Dự án.
Người dân bức xúc và phản đối vì cho rằng đã sinh sống ổn định nhiều năm. Nơi ở duy nhất sắp bị thu hồi để giao đất cho doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thì họ biết đi đâu, về đâu?”.
Điều lạ là cuộc họp “Thông báo chủ trương của UBND thành phố” nhưng ông Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng không hề nêu, trích dẫn hoặc cung cấp cho dân văn bản cụ thể nào của UBND TP Hải Phòng về chủ trương thu hồi đất để thực hiện Dự án.
Ông Dương Đình Ổn còn nói “Kinh phí của Nhà nước cấp cho Dự án”. Trước sự phản đối của những người tham gia họp, ông Dương Đình Ổn cố tình “lấp liếm”, “áp đảo” dân bằng tuyên bố dân đã đồng ý và cuộc họp giải tán và báo cáo chưa trung thực lên cấp trên.
Sau cuộc họp, ông Tô Đình Đại - Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng hứa hẹn với dân rằng: Khi thu hồi đất để thực hiện dự án sẽ đền bù thỏa đáng cho người dân, sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho dân.
Theo đó, những người ở mặt đường vẫn ở mặt đường, những người đang ở trong ngõ cũng được ra mặt đường. Tuy nhiên, người dân thì không thể tin khi chưa thấy một văn bản có tính pháp lý nào.
Ngay cả việc “thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” theo Luật Đất đai năm 2013 cũng phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định;
Đặc biệt là “Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi”, chứ không thể “đánh úp” dân.
Có được lấy đất ở của dân để thanh toán cho Nhà đầu tư BT?
Cư dân ở đây chỉ được biết ngày 29/9/2017, Thành ủy Hải Phòng có văn bản thông báo ý kiến của Thường vụ Thành ủy: “Đồng ý đầu tư vị trí đất (dự kiến) với diện tích khoảng 368,8 ha để đối ứng cho nhà đầu tư BT như đề xuất của Ban Cán sự Đảng ủy UBND thành phố”.
Điều “trái khoáy” là trong 15 địa điểm đất đối ứng cho doanh nghiệp để xây dựng lại chung cư trên địa bàn Hải Phòng không hề nêu tên 3 tổ dân phố Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Đinh Tiên Hoàng (chỉ có địa điểm hiện là trụ sở UBND quận Hồng Bàng số 42 Lê Đại Hành, công trình thể dục thể thao, văn hóa, thương mại, dịch vụ).
Ngay cả Văn bản số 2508/CV-TCH ngày 25/8/2017 của Cty CP Đầu tư Dịch vụ tài chính Hoàng Huy (Cty Hoàng Huy) gửi Thành ủy Hải Phòng và UBND TP Hải Phòng về việc xin đất đối ứng BT không có khu đất của khu dân cư đã nói.
Sự mập mờ, không công khai, minh bạch thông tin khiến cư dân thuộc 03 tổ dân phố hoang mang, cho rằng có sự khuất tất, lợi ích nhóm ở đây?
Người dân có quyền nghi ngờ rằng: phải chăng Cty Hoàng Huy có sự “cấu kết”, “thỏa thuận ngầm” với một số cá nhân có chức, có quyền để phân chia lợi ích thuộc khu đất có giá “kim cương” này.
Theo nhận định của người dân 3 tổ dân phố thì khu vực này không thể xây dựng khu thương mại tổng hợp và nhà ở chung cư cao tầng được vì mật độ dân số không phù hợp với vị trí trung tâm thành phố.
Nếu biến khu đất thành “cục nam châm” hút người thì Hải Phòng sẽ bị “trả giá” về nhiều mặt, trước hết là ùn tắc đô thị.
Xin lưu ý, hiện nay Chính phủ đang dự thảo Nghị định về việc dùng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (Dự án BT).
Theo dự thảo, quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư được xác định có thể là đất đã giải phóng mặt bằng hoặc chưa, đất của cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại vị trí cũ sử dụng để thanh toán Dự án BT đầu tư xây dựng công trình tại vị trí mới.
Tuyệt nhiên, chưa ai đặt vấn đề lấy đất dân cư đang ở để thanh toán cho Nhà đầu tư BT. Và dù là đất được luật pháp cho phép cũng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Không được “bỗng dưng muốn lấy”.