Nếu không may mắn, hoặc thiếu hiểu biết, người tiêu dùng sẽ “tiền mất - tật mang” với những điếu thuốc kém chất lượng.
Những năm gần đây, nhu cầu xì gà (Cigar) tăng mạnh do nhu cầu, đặc biệt dịp Tết. Thế nhưng cũng như câu chuyện rượu ngoại mà Lao Động đã phản ánh từ số báo trước, thị trường xì gà, nhất là loại xì gà được gắn mác “hàng xách tay” vẫn đang vượt ra khỏi vòng quản lý của cơ quan chức năng. Xì gà không giấy tờ, không nguồn gốc trôi nổi, được bán công khai tại các cửa hàng. Nếu không may mắn, hoặc thiếu hiểu biết, người tiêu dùng sẽ “tiền mất - tật mang” với những điếu thuốc kém chất lượng.
Đắt đỏ nhưng chất lượng khó kiểm soát
Xì gà, thuốc lá ngoại là loại mặt hàng đắt tiền, thậm chí là hàng xa xỉ và có những quy định về điều kiện kinh doanh khắt khe. Tuy nhiên, trên thực tế thị trường bán lẻ loại mặt hàng này gần như bị thả nổi. Từ các cửa hàng lớn đến các cửa hàng nhỏ lẻ, mang tính chất vỉa hè và rầm rộ nhất là trên mạng thì xì gà và thuốc lá ngoại đắt tiền được rao bán tràn lan, mua dễ, bán dễ. Người bán thì giới thiệu là sản phẩm xách tay, người mua thì không mấy quan tâm hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Kết quả là hàng vẫn được bán ra, người mua vừa bỏ tiền vừa thầm mơ hồ tự nhủ chắc loại mình hút là loại xịn.
|
Cơ quan chức năng thu giữ gần 400 điếu xì gà không rõ nguồn gốc tại cửa hàng ở phố Trung Kính - Hà Nội. Ảnh: P.V |
Phóng viên đã thâm nhập thị trường xì gà đang hoạt động sôi nổi trên zalo, facebook. Khi hỏi thông qua một số điện thoại trên facebook từ fanpage xigaxin… chúng tôi được người bán hàng giới thiệu là hàng “xịn” nhưng không có hóa đơn, giấy tờ đảm bảo là hàng chính hãng.
Anh Quang Anh - một người chơi xì gà nhiều năm và đã từng qua một số nước Trung Mỹ, trong đó có Cuba - nhận xét rằng: “Không hiểu sao có những dòng xì gà rất đắt và hiếm trên thế giới lại bán nhan nhản ở Việt Nam. Không thể có chuyện xách tay nhiều thế, khả năng là hàng giả”. Anh Quang cho biết ví dụ như dòng Cohiba Behike là dòng xì gà cao cấp nhất và cũng là dòng khẳng định thương hiệu của hãng Habanos. Số lượng dòng xì gà này rất hạn chế và cực đắt, loại rẻ cũng khoảng 1.500USD/hộp 10 điếu. Thế nhưng tại Việt Nam hỏi Cohiba Behike ở đâu cũng có, thậm chí được bày bán la liệt mà giá chỉ 5-6 triệu đồng/hộp 10 điếu. Điều đáng nói là người bán nào cũng khẳng định là hàng xách tay, hàng chuẩn trong khi chẳng ai có thể chứng minh một cách chính xác (dựa vào tem, check mã code, màu sắc điếu thuốc, chất liệu hộp gỗ, bọc vải nhung...) hàng của mình là hàng thật, hàng xịn mà chắc chắn bản thân họ cũng chẳng bao giờ được nếm thử hàng xịn.
Còn anh Duy Sáng, cũng là một người sành về xì gà cho rằng: Hiện trên thị trường Việt Nam xì gà được bán tràn lan và thường được quảng cáo là từ Cuba, hoặc hàng Châu Âu xách tay về, nhưng thực chất rất nhiều hàng được sản xuất ngay tại Việt Nam hoặc nhập qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc về nên không đạt chất lượng ví dụ một hộp Behike 54 có 10 điếu đang được chào bán trên thị trường từ 18 - 20 triệu với giá này mua tại Cuba cũng không được, vậy có thể khẳng định đây là sản phẩm không đạt chất lượng. Cùng đó, do nhu cầu người sử tại Việt Nam cao nên một số đối tượng làm giả ngay tại nước ngoài rồi bằng nhiều cách chuyển về Việt Nam. Chính bản thân anh được một người bạn đi Cuba mang về tặng một hộp Behike 52, nhưng cũng bị giả khi hút khét và khói rất khó chịu.
Hiện nay, lợi dụng nhu cầu sử dụng xì gà ngày càng nhiều của một bộ phận người dân nên một số người đã chớp cơ hội này tìm các nguồn nhập xì gà từ Cu Ba hay các nước Châu Âu như: Đức, Thuỵ Sĩ, Pháp, Nga và cả Trung Quốc về Việt Nam. Qua tìm hiểu thì hiện thị trường loại thuốc này đang rất bát nháo với rất nhiều chủng loại nhiều nguồn và giá cả thì từ loại vài ba trăm nghìn đến vài triệu một điều.
Nhà nước độc quyền nhưng thị trường vẫn nhiễu loạn
Trước đây, lợi dụng quy định về hàng hóa, hành lý được miễn thuế của người nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế bằng hộ chiếu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp khi nhập cảnh Việt Nam được quy định chi tiết, cụ thể tại Nghị định số 66/2002/NĐ-CP. Theo đó mỗi người trên 18 tuổi khi nhập cảnh có thể mang tối đa 100 điếu xì gà, lợi dụng quy định này các đối tượng buôn lậu đã lách quy định này, nhờ mua hoặc cầm hộ xì gà về Việt Nam. Để hạn chế tình trạng này, năm 2017, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 52/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 120/2015/TT-BTC quy định chặt chẽ hơn cụ thể “thuốc lá điếu vượt trên 200 điếu hoặc xì gà vượt trên 20 điếu (trước đây là 100 điếu) hoặc thuốc lá sợi vượt trên 250 gam”.
Do tình trạng khan hiếm và từ tháng 8, Nghị định 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại quy định thuốc lá điếu và xì gà (trừ trường hợp nhập khẩu để kinh doanh bán hàng miễn thuế) thuộc 20 mặt hàng nhà nước độc quyền.
Trước tình trạng bị siết chặt, việc buôn lậu, làm giả xì gà đang có nguy cơ bùng phát. Hồi tháng 3, lực lượng hải quan cửa khẩu quốc tế Nội Bài trong quá trình tiến hành kiểm tra hành lý cá nhân đã phát hiện nghi vấn từ 4 hành khách nhập cảnh về sân bay quốc tế Nội Bài có 15 kiện hàng của 4 cá nhân là xì gà, xì gà xén 2 đầu, xì gà nhỏ các loại bao gồm nhiều loại. Tổng số xì gà bị thu giữ là 16.996 điếu xì gà các loại và số hàng hóa này không khai báo hải quan.
Số xì gà này nếu lọt qua hải quan sẽ len lỏi vào những đại lý khi không có cơ quan nào kiểm soát về chất lượng. Qua khảo sát của phóng viên, ở một số cửa hàng chuyên bán thuốc lá, xì gà trên phố Trần Xuân Soạn thì cảnh tượng mua bán diễn ra tấp nập và rất nhiều sản phẩm được giới thiệu là “xách tay”- tất nhiên là không có giấy tờ cũng như tem nhập khẩu mà Bộ Tài chính quy định.
Tháng 11.2017, qua kiểm tra một cửa hàng bán xì gà trên phố Trung Kính - Hà Nội, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn là 389 điếu thuốc lá, xì gà các loại có nhãn hiệu nước ngoài. Theo thống kê, có tới 19 loại thuốc lá, xì gà ngoại. Tại thời điểm kiểm tra, giám đốc công ty đã không đưa ra được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ vì “được công ty thu gom trôi nổi trên thị trường nên không có hóa đơn chứng từ, không có tem nhập khẩu theo quy định”. Dù cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản tạm giữ tang vật. Tuy nhiên theo ghi nhận thì số lượng trên vẫn chưa đầy đủ.
Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục QLTT Hà Nội - cho biết, sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ vụ buôn lậu thuốc lá, xì gà ngoại này. Thế nhưng cho đến nay, khi thời điểm ngày tết cận kề, phía Đội Quản lý thị trường số 1 vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng của vụ việc. PV Lao Động nhiều lần liên hệ nhưng lãnh đạo chi cục chưa có câu trả lời thoả đáng.
Ở Hà Nội có hàng trăm cửa hàng buôn bán xì gà nhưng rõ ràng việc kiểm tra, giám sát rất hời hợt. Đây là trách nhiệm của Quản lý thị trường. Liệu có tình trạng “nương tay”, “bảo kê” hay không?
Theo quy định hiện tại, TCty Thuốc lá Việt Nam là đơn vị duy nhất được phép nhập khẩu và phân phối, bán sản phẩm xì gà nhập khẩu chính ngạch tại Việt nam. Tuy nhiên, trên thực tế người tiêu dùng vẫn rất khó tiếp cận với các sản phẩm được nhập khẩu chính ngạch để có thể yên tâm sử dụng. Trong khi đó, thực tế quản lý cho thấy nhiều vấn đề và nếu không giám sát chặt chẽ thì xì gà không rõ nguồn gốc, xì gà trôi nổi, kém chất lượng thậm chí là xì gà giả vẫn có đất sống. Điều này đang gây bức xúc lớn trong dư luận.