Thời gian qua, người tiêu dùng đã có thể yên tâm hơn khi sử dụng các sản phẩm nông nghiệp. Đó là kết quả bước đầu của việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý sản xuất từ trang trại đến bàn ăn theo chuỗi giá trị nông sản.
|
Một điểm bán và giới thiệu sản phẩm của chuỗi gà đồi Ba Vì tại Hà Nội. |
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Tiệp cho biết: Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho sản phẩm nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chỉ đạo các địa phương tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, nhằm kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Đi đầu là tỉnh Lâm Đồng hiện có 125 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản với sự tham gia liên kết của 75 doanh nghiệp (DN); 40 hợp tác xã (HTX); 42 tổ hợp tác (THT), cơ sở nhỏ lẻ và hơn 13 nghìn hộ nông dân, trong đó có 68 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm với 21 nhãn hiệu được công nhận, như: Trà B’Lao, cà-phê Di Linh, sầu riêng Đạ Huoai, gạo nếp quýt Đạ Tẻh...
Tại Hà Nội, ngành nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng và duy trì 121 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, với hơn 40 nhãn hiệu bảo hộ như: gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Còn ở Nam Định, đã xây dựng, phát triển được 23 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, gồm chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của DN Toản Xuân với quy mô hơn 1.000 ha; sản xuất, chế biến lợn sữa, lợn choai xuất khẩu của Công ty TNHH Công Doanh, công suất 2.000 con/ngày...
Nhờ tổ chức sản xuất bài bản, năm qua, cả nước có 1.845 cơ sở trồng trọt, với tổng diện tích hơn 80 nghìn ha được cấp chứng nhận VietGAP, tăng 61 nghìn ha so với năm 2017; hơn 500 cơ sở nuôi thủy sản, với diện tích nuôi trồng thủy sản là 2.618 ha và hơn 300 trang trại cùng 2.500 hộ chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP…
Cùng với việc tổ chức lại sản xuất, công tác kiểm tra, kiểm soát ATTP cũng được triển khai tại nhiều địa phương. Kết quả kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất gần 71 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông - lâm - thủy sản trong toàn ngành nông nghiệp, có hơn 65 nghìn cơ sở đạt điều kiện bảo đảm chất lượng ATTP, chiếm tỷ lệ 93%, tăng 10,2% so với tỷ lệ 83,5% năm 2017. Mặc dù công tác bảo đảm ATTP nông - lâm - thủy sản đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng qua kiểm tra vẫn có hơn 5.200 cơ sở vi phạm, buộc cơ quan chức năng phải xử phạt hơn 39,8 tỷ đồng.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, theo các chuyên gia nông nghiệp, cùng với việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc giám sát, quản lý ATTP; nâng cấp hệ thống trang thiết bị, phương pháp kiểm nghiệm để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề ATTP theo các tiêu chí quốc tế đề ra.
Ngành nông nghiệp cần tiếp tục xây dựng, mở rộng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn các sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng; nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ bảo đảm ATTP phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của các chuỗi sản phẩm hàng hóa.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông - lâm - thủy sản theo hướng xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho từng nhóm sản phẩm theo chuỗi giá trị phù hợp chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Kiên quyết loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm ATTP khỏi danh mục thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón được phép sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi để người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản chủ động cập nhật các quy định mới về ATTP và thực hiện nghiêm những khuyến cáo về thời gian cách ly, thời gian ngừng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh. Xa hơn là tuyên truyền, vận động, mạnh dạn chuyển đổi nền nông nghiệp từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc sang nền nông nghiệp hội nhập, phát triển bền vững.