Những tin chính: Hapro sẽ IPO vào cuối tháng 3; Xe lắp ráp trong nước giảm 50% doanh số; Yêu cầu Formosa giải trình việc xin tăng vốn gần 600 triệu USD.
Doanh nghiệp xăng dầu đề xuất cho bán lại xăng RON 92
Đề xuất xin bán lại xăng RON 92 vừa được Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) đưa ra trong văn bản gửi liên Bộ Công Thương - Tài chính liên quan tới chính sách phát triển xăng sinh học. Theo Saigon Petro, xăng E5 RON 92 trong 2 tháng đầu năm 2018 chỉ chiếm chưa tới 30% tổng sản lượng xăng tiêu thụ, còn lại hơn 70% là xăng RON 95, trong khi xăng RON 92 trước đây chiếm trên 65%.
Tính toán của doanh nghiệp này cho thấy, năm 2017, bình quân mỗi tháng sản lượng tiêu thụ xăng RON 92 là 500.000 m3. Nếu tính sản lượng tiêu thụ xăng E5 chỉ bằng 50% lượng xăng RON 92, 50% lượng xăng RON 92 còn lại chuyển sang xăng RON 95 và mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và xăng RON 95 là 1.600 đồng một lít, hai tháng đầu năm 2018 mức lãng phí xã hội do các phương tiện sử dụng xăng RON 95 không cần thiết lên tới 400 tỷ đồng mỗi tháng.
Yêu cầu Formosa giải trình việc xin tăng vốn thêm gần 600 triệu USD
Việc vốn rót thêm của Formosa vào dự án Formosa Hà Tĩnh có vênh nhau khi tính sang đồng Việt Nam (VND) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập trong một văn bản trả lời Hà Tĩnh.
Theo đó, Formosa đề xuất tăng vốn đầu tư dự án từ 11,03 tỷ USD lên 11,62 tỷ USD, tức là tăng 591 triệu USD. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, nếu tính theo đồng Việt Nam (VND) thì tổng vốn đầu tư theo bản đề xuất của Formosa lại giảm gần 2.500 tỷ đồng, từ 248.250 tỷ xuống 245.790 tỷ đồng trong khi vốn góp thực hiện dự án tính theo USD và VND đều tăng thêm.
Việc điều chỉnh tăng vốn của Công ty Formosa liên quan tới tăng chi phí đầu tư ở các hạng mục công trình đã xây dựng và xây mới xưởng than hoá học, thay đổi người đại diện pháp luật và tăng vốn góp từ 4,5 tỷ lên 5 tỷ USD. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, để có căn cứ xem xét điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án cần có ý kiến đóng từ các Bộ có liên quan.
Hapro sẽ IPO vào cuối tháng 3
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra thông báo, theo đó, Hapro dự kiến chào bán gần 76 triệu cổ phần, tức 34,51% vốn điều lệ vào sáng ngày 30/3.
Hapro hiện có 10 công ty con, 20 công ty thành viên liên kết và đầu tư góp vốn tại 11 công ty khác. Không ít thương hiệu lớn của Hà Nội như Kem Thủy Tạ, Gốm Chu Đậu hay Vang Thăng Long đều là công ty con - công ty liên kết của Hapro. Là doanh nghiệp đầu tiên của Hà Nội cổ phần hóa, tổng công ty này được định giá hơn 2.800 tỷ đồng, tương đương với giá khởi điểm là 12.800 đồng mỗi cổ phần.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt Công ty Motor N.A Việt Nam (Vinamco) - một thành viên của Tập đoàn BRG, là cổ đông chiến lược mua 65% vốn và 0,49% bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên.
Xe lắp ráp trong nước giảm 50% doanh số
Theo thống kê của Hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 2/2018 doanh số bán xe con của doanh nghiệp trong nước giảm 53%, riêng sản lượng xe lắp ráp trong nước cũng suy giảm 48%.
Cụ thể, theo VAMA tháng 2/2018, các doanh nghiệp bán gần 12.400 chiếc xe hơi, trong đó hơn 8.600 chiếc là xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi, hơn 3.300 chiếc xe thương mại và còn lại là xe chuyên dụng, xe tải. Doanh số toàn thị trường giảm cũng kéo theo sản lượng xe lắp ráp trong nước cũng giảm theo 48%, chỉ đạt gần 10.700 chiếc, xe nhập khẩu có lượng giảm mạnh hơn 68% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.700 chiếc, đa phần đây là xe thương mại, xe chuyên dụng.
Một chi tiết đáng chú ý là doanh số bán xe giảm cũng khiến các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất trong nước giảm nhập khẩu linh phụ kiện đối với ngành xe hơi. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2018 các doanh nghiệp xe hơi chi hơn 204 triệu USD nhập linh kiện về nước, giảm hơn 12% so với tháng trước.