Xác định siêu bão số 10 (tên tiếng Anh là Doksuri) có sức gió khủng khiếp và diễn biến khôn lường, hướng đi chính dự kiến độ bộ vào địa bàn Thị xã Kỳ Anh. Khoảng 23h ngày 14/9, mưa vần vũ, gió rít liên hồi, PV Pháp luật Plus quyết định ngược hướng gió, lao vào tâm bão trực chiến trong đêm.
Lao vào mắt bão
Khi Trung tâm khí tượng, thủy văn đưa ra thông tin về cơn bão số 10, với mức cảnh báo màu Đỏ, gần như một phản xạ có điều kiện, chúng tôi chuẩn bị ngay lập tức các thiết bị tác nghiệp, kết nối thông tin để sẵn sàng “chiến đấu” trước, trong và kể cả khi bão tan.
Lúc này, Hà Tĩnh gần như tổng động viên toàn quân, toàn dân tham gia phòng, chống bão. Cán bộ, công an, quân đội về địa phương giúp dân chống bão, gặt hái hoa màu. Công tác kêu gọi tàu, thuyền vào bờ neo đậu tránh bão, cũng như di dời gần 11 ngàn hộ dân cũng đã được hoàn tất. Hà Tĩnh gồng mình chờ bão.
|
Quân, dân Hà Tĩnh gồng mình đón bão. |
Trước đó, theo ông Phan Tấn Linh - Giám đốc Sở thông tin và truyền thông tỉnh Hà Tĩnh: "Tỉnh Hà Tĩnh đã vận dụng các nhà mạng di động Vinaphone, Mobiphone, Viettell, gửi thông báo khẩn về cơn bão số 10 đến 100% các thuê bao di động trên địa bàn tỉnh".
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp chỉ đạo, sắp xếp tàu thuyền trong và ngoài tỉnh về khu neo đậu trên các âu tàu, bến bãi trên địa bàn tỉnh an toàn tránh để thiệt hại do va đập và đặc biệt là khi thủy triều rút.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành lệnh cấm biển bắt đầu từ 17 giờ ngày 13/9/2017 và giao Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, tuyệt đối không cho các tàu thuyền tiếp tục ra khơi, kể cả tàu du lịch.
|
Chiều 15/9, thời điểm bão Doksuri quét vào đã có thiệt hại nặng nề. |
Chiều 14/9, thông tin về siêu bão đồ về dồn dập, chúng tôi không thể ngồi yên, thông tin liên tục cập nhật. 23h đêm 14/9, khi biết chính xác sáng ngày 15/9 rìa bão sẽ quét vào đất liền, trưa cùng ngày mắt bão sẽ “ngự” tại Đèo Ngang (Kỳ Anh), chúng tôi quyết vào “mắt bão” ở Khu công nghiệp Vũng Áng. Ngay trong đêm tối.
Khi kim đồng hồ chuyển qua những phút đầu tiên của ngày 15/9, PV Pháp luật Plus cùng một số đồng nghiệp đã có mặt tại Formosa. Cả vùng công nghiệp sáng trưng ánh đèn, nhưng yên bình đến lạ.
|
Hơn bao giờ hết, tình quân dân lại vô cùng gắn bó. |
Sự im lặng đáng sợ trước bão khiến chúng tôi chợt liên tưởng đến sự tàn phá khủng khiếp của những siêu bão số 10 những năm gần đây. Đó là siêu bão số 10 mang tên “Hải Yến” năm 2014, hay siêu bão Wutip với tên gọi “Con Bướm” năm 2013, được ví như siêu bão Sangsane năm 2006 đổ vào Đà Nẵng, đầy lùi sự phát triển của thành phố này lại… 10 năm.
Liên tưởng như vậy, để thấy những cơn bão số 10 khủng khiếp năm nào, nhưng chưa thấm tháp gì so với siêu bão số 10 năm nay. Vì lần đầu tiên Việt Nam đã phải đưa ra mức cảnh báo màu Đỏ với cơn bão này.
Quăng mình trong gió giật
Rạng sáng ngày 15/9, gió bắt đầu giật mạnh, cây cối 2 bên đường ở Thị xã Kỳ Anh, Khu công nghiệp Vũng Áng bắt đầu gãy đỗ, tôn, gói bắt đầu bay. 9h sáng thì mưa, gió giật liên hồi. Chúng tôi được ông Hoàng Thanh tùng- Phó BQL Khu kinh tế tỉnh đưa vào nhà máy Formosa (FHS), được dẫn lên “trái tim” của nhà máy là khu nhà làm việc liên hợp, nơi đặt đài quan sát, quan trắc gió và bao quát tình hình hoạt động của nhà máy và cảng Sơn Dương.
Trên đường đi, chúng tôi thấy hàng chục cần cẩu cao hàng chục, hàng trăm mét đã được hạ xuống nằm trên mặt đất, tàu thuyền neo đậu vững vàng trong âu tàu.
|
Tháp truyền hình trung tâm thị xã Kỳ Anh đổ sập vì bão. |
Tại Đài quan sát ở cảng vụ Sơn Dương, ông Phạm Văn Đức- cán bộ cảng vụ giới thiệu ngắn gọn về hệ thống, chức năng của thiết bị đo gió, với rất nhiều thông số chuyên ngành.
“Lúc 7h sáng, có thời điểm chúng tôi đo được 40m/s, tương đương gió cấp 12”- ông Đức cho biết. Thông số này, phù hợp với thông số Đài KTTV Hà Tĩnh đã phát đi lúc 7h sáng: “Vùng ven biển Kỳ Anh gió đã mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13”.
Trước đó, ông Hoàng Thanh Tùng- Phó BQL cũng cho biết, trước bão BQL đã chủ động làm việc, yêu cầu FHS thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản, máy móc trong công ty, đặc biệt là hệ thống xử lý, đảm bảo môi trường, tuyệt đối không được để xảy ra sự cố.
10h sáng, chúng tôi ngược xuống xã Kỳ Lợi và cảng Vũng Áng, do điện mất từ tối ngày 14/9 nên lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh huy động xe lưu động phát loa phóng thanh đến từng ngõ làng để người dân nắm bắt tình hình của cơn bão. Lúc này từng đợt gió thốc mạnh làm chiếc xe bán tải phải trườn mét, có lúc xe bị gió thốc nổi bánh xe.
|
Nhiều tuyến đường bị sóng biển đánh vỡ, chia cắt hoàn toàn. |
Lên Đồn Biên phòng Cảng Vũng Áng, chúng tôi gặp khung cảnh khẩn trương của hàng trăm chiến sỹ với hàng trăm người dân xã Kỳ Lợi về đây trú bão. Thượng tá Võ Trọng Hải- Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Hà Tĩnh cho chúng tôi biết: 600 hộ dân xóm Hải Phong, xã Kỳ Lợi với khoảng 2.000 người từ ngày hôm qua đã được đưa về ẩn trú an toàn tại trụ sở BQL Khu kinh tế, Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ, Công an… Tất cả người dân đều được chu cấp đồ ăn, nước uống đầy đủ.
Đây cũng chính là nơi lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đặt “trụ sở tiền phương” chỉ huy phòng, chống bão ngay tại tâm bão. Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, ông Dương Tất Thắng cho biết, cả hệ thống chính quyền, quân, dân Hà Tĩnh cùng chung tay phòng, chống, đối phó với bão số 10.
“Trước mắt, Hà Tĩnh chưa xảy ra thiệt hại về người, còn về tài sản thì chắc chắn thiệt hại nặng nề trước diễn biến phức tạp, khó lường trước sức mạnh của siêu bão này. Hà Tĩnh đã chỉ đạo Quân đội, Công an, Biên phòng sau bão phải tiếp tục ứng trực để ứng cứu, khắc phục hậu quả kể cả sau khi bão tan”- ông Dương Tất Thắng nhấn mạnh.
|
Chỉ tính riêng Hà Tĩnh, hơn 22 ngìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng. |
Đúng 11h trưa, điện tắt, các mạng di động cũng không có sóng, gió bắt đầu giật mạnh, tiếng cây đổ, mái tôn bay vù vù, thỉnh thoảng gầm lên kinh hãi. Lão ngư Nguyễn Huy Minh, xã Kỳ Lợi thất thần nói: “Trong đời chứng kiến biết bao cơn bão nhưng chưa từng thấy cơn bão nào gió giật khủng khiếp và kéo dài thế này”.
Anh Thạch Trung Thông, cán bộ BQL Khu kinh tế Vũng Áng cũng khiếp đảm: “Tôi làm ở đây 10 năm, trực chiến 100% các cơn bão, nhưng chưa bao giờ thấy một cơn bão nào mạnh, sức gió giật khủng khiếp như cơn bão này”.
Đúng 12h trưa, vùng trời Khu kinh tế Vũng Áng bỗng yên lặng, sáng bừng lên trong thời gian ngắn. “Mắt bão, mắt bão đang đi qua trên đầu chúng ta”- Tiếng ai đó hét lên. Nhưng khoảnh khắc này chỉ rất ngắn, phút chốc trời lại vần vũ mây, gió lại rít liên hồi, những tiếng gió giật, mái tôn, mái ngói bay ầm ầm lại khiến chúng tôi giật mình thon thót.