Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng (thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP), trong đó có quy định về các hành vi vi phạm cũng như các chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm trong quản lý sử dụng nhà chung cư như kiến nghị của cử tri.
Chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm trong quản lý sử dụng nhà chung cư
Theo đó, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh thông qua công văn số 18/BDN ngày 14/01/2025 của Ban Dân nguyện về ý kiến cử tri tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV với các nội dung kiến nghị như sau:
“Để tăng cường việc quản lý sử dụng nhà chung cư hiệu quả và dân chủ, cử tri có các kiến nghị cụ thể hóa chế tài phạt các hành vi vi phạm trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư dẫn đến cư dân không chấp hành nghiêm các quy định, nội quy sử dụng nhà chung cư; Ban quản trị chung cư không tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến việc công khai các thông tin đã được quy định cụ thể trong Thông tư 05/2024/TT-BXD khiến cư dân bức xúc và có thái độ tiêu cực, bất tín nhiệm hoạt động của Ban quản trị, gây mất đoàn kết cộng đồng nghiêm trọng, mất an ninh trật tự tại chung cư và dẫn đến việc đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến các cấp quản lý”.
Liên quan đến vấn đề này Bộ Xây dựng thông tin:
Tại khoản 3 Điều 148 của Luật Nhà ở năm 2023 đã có quy định về trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư: “Quyết định của Ban quản trị nhà chung cư vượt quá quyền hạn và trách nhiệm quy định của Luật này, quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư thì không có giá trị pháp lý, trường hợp vượt quá quyền hạn khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thì xử lý theo quy định của Bộ Luật dân sự; trường hợp vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà thành viên Ban quản trị nhà chung cư bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Trong Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 05/2024/TT-BXD ngày 31/7/2024 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở cũng đã có các quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, quy định các điều kiện, tiêu chuẩn thành viên Ban quản trị, việc miễn, bãi nhiệm, bầu thay thế các thành viên Ban quản trị không đáp ứng yêu cầu để Ban quản trị hoạt động có hiệu quả để giúp nhà chung cư được an toàn trong quá trình quản lý sử dụng, nâng cao chất lượng sống của người dân tại các nhà chung cư.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã trình để Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng (thay thế cho Nghị định số 16/2022/NĐ-CP), trong đó có quy định về các hành vi vi phạm cũng như các chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm trong quản lý sử dụng nhà chung cư như kiến nghị của cử tri.
 |
Sẽ có chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm trong quản lý sử dụng nhà chung cư (Ảnh báo Hà nội mới). |
Tổ chức hội nghị nhà chung cư
Bộ Xây dựng cũng nhận được kiến nghị về nội dung: “Các quy định pháp luật hiện hành tuy đã xây dựng khá đầy đủ để điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến sử dụng và quản lý nhà chung cư. Tuy nhiên, các nội dung văn kiện liên quan đến việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư chưa được quy định cụ thể về thời hạn và hình thức phổ biến, góp ý, tổng hợp nội dung và điều chỉnh lần cuối để gửi đến cư dân, nhằm giúp cư dân có đủ thời gian nghiên cứu trước khi biểu quyết chính thức tại Hội nghị nhà chung cư; do đó, cử tri đề nghị 05 (năm) mốc thời gian chuẩn bị văn kiện và công bố các nội dung được biểu quyết tại Hội nghị nhà chung cư thường niên như sau:
Mốc thời gian thứ nhất, trước 45 ngày tổ chức Hội nghị nhà chung cư thường niên: Ban tổ chức thông báo rộng rãi đến toàn thể cư dân ngày dự kiến tổ chức Hội nghị nhà chung cư. Đồng thời gửi đến toàn thể cư dân toàn bộ các văn kiện dự thảo lần đầu để cư dân có thời gian nghiên cứu, đóng góp ý kiến điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù sinh hoạt của mỗi chung cư.
Mốc thời gian thứ hai, trước 25 ngày tổ chức Hội nghị nhà chung cư thường niên: Ban quản lý hỗ trợ Ban quản trị tổng hợp các nội dung góp ý của cư dân; tiếp thu tất cả các nội dung góp ý của cư dân và tiến hành điều chỉnh văn kiện dự thảo.
Mốc thời gian thứ ba, trước 10 ngày tổ chức Hội nghị nhà chung cư thường niên: Trước 10 ngày gửi đến toàn thể cư dân toàn bộ các văn kiện dự thảo lần cuối sẽ biểu quyết tại Hội nghị nhà chung cư.
Mốc thời gian thứ tư, ngày tổ chức Hội nghị nhà chung cư thường niên: Ban tổ chức in ấn và phát các văn kiện tại hội nghị đề đại biểu tham dự hội nghị có thể tra cứu, thảo luận, nêu góp ý trực tiếp. Ban tổ chức cần phát phiếu đóng góp ý kiến lượt cuối cùng tại hội nghị để Ban thư ký có thể tổng hợp, ghi nhận và đính kèm vào biên bản Hội nghị nhà chung cư.
Mốc thời gian thứ năm, trong vòng 10 ngày sau khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư thường niên: Ban tổ chức phải khẩn trương công bố rộng rãi các nội dung đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua.
Hình thức gửi các văn kiện dự thảo trong toàn bộ quá trình tổ chức Hội nghị nhà chung cư thường niên, bao gồm cả 2 hình thức: bản giấy (hộp thư mỗi căn hộ hoặc gửi trực tiếp đến căn hộ) và bản điện tử (thư điện tử có đính kèm tệp tin; mã QR để cư dân có thể tải nội dung)”.
Liên quan đến kiến nghị trên Bộ Xây dựng có ý kiến trả lời như sau:
Tại khoản 3 Điều 14 của Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 05/2024/TT-BXD ngày 31/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở (gọi tắt là Quy chế 05) đã quy định rõ các nội dung chuẩn bị tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu cũng như có thể tổ chức họp trù bị để chuẩn bị các nội dung cho Hội nghị chính thức. Đồng thời tại khoản 4 Điều 14 của Quy chế 05 cũng đã quy định các nội dung mà Hội nghị nhà chung cư lần đầu quyết định.
Do vậy, khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư thì đề nghị cử tri nơi có nhà chung cư cần phát huy tinh thần chủ động, có các góp ý cụ thể với chủ đầu tư hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà chung cư về các nội dung như cử tri đã kiến nghị để bảo đảm việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư đạt kết quả cao nhất, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đại đa số chủ sở hữu, người sử dụng tại nhà chung cư để bảo đảm việc quản lý sử dụng nhà chung cư an toàn, nâng cao nếp sống văn minh đô thị.