Với bất cứ lĩnh vực nào, nhân lực và vật lực là hai yếu tố quan trọng để đạt đến thành công.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đã có 10 năm đi vào cuộc sống. Nhưng cứ hễ nói đến hai yếu tố này là đồng loạt các cơ quan từ T.Ư đến địa phương đều… lắc đầu kêu ca. Phải chăng cũng vì vậy mà ngành Văn hóa vốn là “đầu tàu” trong PCBLGĐ vẫn mãi “bị kêu” vì hiệu quả thực thi?
|
Tủ sách pháp luật là điểm đến thường xuyên các thành viên CLB PCBLGĐ thôn Phước Cẩm, xã Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam. |
Được giao làm, nhưng tiền thì tự “bơi”?
Theo Báo cáo tổng quan tình hình 10 năm thực hiện Luật PCBLGĐ của Bộ VHTT&DL thì kinh phí cho công tác PCBLGĐ hiện nay được bố trí chung trong nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp gia đình.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo Bộ VHTT&DL thì “tổng hợp tình hình kinh phí chi cho công tác PCBLGĐ hiện nay chỉ có duy nhất Hội Nông dân được Bộ Tài chính bố trí kinh phí 10 tỷ đồng/năm để thực hiện Đề án PCBLGĐ do Chính phủ giao.
Còn các bộ, ngành khác không có kinh phí hoặc phải tự cân đối trong nguồn kinh phí được phân bổ chung dẫn đến bị động trong việc triển khai các chương trình, dự án được Thủ tướng Chính phủ giao. Dự án chưa được triển khai hoặc chỉ có thể triển khai mang tính hình thức”.
Nhận định này của Bộ VHTT&DL gợi nhớ đến câu phát biểu của bà Lê Thị Nguyệt – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Hội thảo khoa học “10 năm thi hành Luật PCBLGĐ – thực trạng và giải pháp” do Bộ VHTT&DL tổ chức mới đây: “Vì sao mà lộ trình ban hành văn bản thực hiện Luật quá chậm? Có những văn bản về cơ chế phối hợp mà luật đã có 8 năm hiệu lực mới ban hành”.
Phải chăng đó là lý do thiếu tiền và cũng vì lý do này mà cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình là một hệ thống vô cùng cần thiết cho công tác quản lý nhà nước về gia đình đến nay vẫn chưa có? “Những ví dụ về số liệu trên cho thấy, hiện nay việc tổng hợp thông tin về BLGĐ được thực hiện theo ngành dọc.
Mỗi cơ quan, tổ chức có cách tổng hợp theo đối tượng và chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng chưa có sự chia sẻ số liệu giữa các ngành dẫn đến sự rời rạc và không thể khái quát được số liệu chung cho tình hình BLGĐ ở nước ta” – TS. Trần Tuyết Anh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Hữu Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và Giới cho biết, khâu vất vả nhất trong xây dựng chiến lược về gia đình là đi tìm số liệu. “Con số thống kê về gia đình và BLGĐ mỗi ngành một kiểu, mỗi địa phương hiểu BLGĐ theo một cách. Vì thế chỉ có những vụ nghiêm trọng mới được chú ý, báo cáo trong khi BLGĐ có tính phổ quát rất rộng”.
Ở tầm T.Ư là vậy, còn ở địa phương, báo cáo của 18/63 tỉnh, thành trong 10 năm thực thi Luật PCBLGĐ cho thấy, mỗi năm kinh phí chi cho lĩnh vực gia đình, trong đó bao gồm cả PCBLGĐ chỉ vỏn vẹn là con số hơn 500 triệu đồng và vẫn còn tùy vào sự quan tâm nhiều hay ít của chính quyền và người đứng đầu ngành VHTT&DL tại địa phương.
Ở tỉnh Yên Bái số tiền đầu tư cho lĩnh vực gia đình chỉ chiếm 0,4% tổng đầu tư cho toàn ngành VHTT&DL; trong khi đó tỉnh Đồng Tháp dành 10,068%, Thanh Hóa 5,932%, Lâm Đồng 23,29%... Hải Dương là một địa phương không phân bổ kinh phí cho lĩnh vực gia đình (kinh phí 0 đồng), nhưng trong 10 năm từ 2008-2018 bố trí được hơn 10 tỷ đồng cho PCBLGĐ chiếm 1% đầu tư toàn ngành VHTT&DL.
Tuy vậy, TS.Lương Văn Cầu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng cho biết, tiền vì không nhiều nên việc có được một đội ngũ cán bộ chuyên trách về PCBLGĐ là bất khả thi cả về khâu đào tạo, tập huấn, chủ yếu cán bộ là kiêm nhiệm, non kinh nghiệm nên việc phát hiện, ngăn chặn, đặc biệt xử lý các hành vi BLGĐ theo pháp luật chưa nghiêm.
Cả tỉnh rộng lớn chỉ có 2,86 cán bộ gia đình
Công tác gia đình thiếu trầm trọng cán bộ chuyên nghiệp – đó là thực tế thường thấy tại các địa phương. Theo báo cáo của Sở VHTT&DL các tỉnh, thành, hiện nay đội ngũ công chức làm việc trong lĩnh vực gia đình (tính đến ngày 31/12/2017) tại các địa phương trên toàn quốc là 12.114 người. Một con số vô cùng ít ỏi rải trên 63 tỉnh, thành rộng khắp.
Ở cấp tỉnh chỉ có 2,86 công chức tham gia lĩnh vực gia đình, đã thế trình độ chuyên môn của đội ngũ này là 0% được đào tạo về công tác gia đình, 21,11% cán bộ công chức từ Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em chuyển sang trước đây có chút kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực gia đình, 79,44 cán bộ là “bỡ ngỡ và mới toe” với công tác gia đình.
Ở cấp tỉnh đã thế thì huyện, xã cũng không hơn gì với những con số 0% tròn trĩnh thể hiện trình độ chuyên môn của cán bộ về công tác gia đình...
Cách đây ít lâu, vào những năm đầu tiên ngành VHTT&DL bắt đầu đặt những viên gạch sơ khai cho ngành Gia đình học, ông Đinh Văn Quảng, một cán bộ của Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL đã từng phát biểu: “Ở cấp địa phương có đến 98,4% cán bộ làm công tác gia đình chỉ là kiêm nhiệm. Không như ngành dân số, ngành gia đình cũng không có mạng lưới cộng tác viên ở các khu dân cư.
Vì thế, các vấn đề gia đình cơ sở đều dựa vào tổ phụ nữ, tổ dân phố. Nếu họ không báo cáo lên xã, phường thì cán bộ phụ trách cũng chịu. Trong khi đó, cuộc sống hiện nay là sự giao thoa giữa việc nhiều giá trị gia đình truyền thống đã trở nên lỗi thời, không còn thích ứng được, trong khi các giá trị mới lại chưa định hình, chưa phát triển trọn vẹn.
Vì thế, chúng ta cần có những nghiên cứu đón đầu, có khả năng dự đoán được xu hướng biến chuyển của gia đình, phát huy giá trị truyền thống, nuôi dưỡng giá trị mới cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống. Mà không thể có nghiên cứu, có kế hoạch dài hơi nếu thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý về gia đình được đào tạo bài bản”.
Trải qua một thời gian, nhận định này vẫn còn nguyên giá trị. Và ở góc độ đào tạo cán bộ gia đình, thì hiện nay Khoa Gia đình và Công tác xã hội thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội là khoa duy nhất trong cả nước đào tạo cử nhân mã ngành Gia đình. Tuy nhiên, số sinh viên vẫn rất ít ỏi vì bản thân nhiều bạn trẻ, gia đình chưa hề biết họ theo học khoa này sau ra trường tương lai sẽ đi đâu, về đâu, làm gì?