Để đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, đồng thời, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã cho biết như trên tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức ngày 23/7, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) (gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung).
Bổ sung 2 điều mới về đấu giá trực tuyến
Giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung, Thứ trưởng Mai Lương Khôi cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 2 điều và một số điểm, khoản của Luật ĐGTS. Trong đó, liên quan đến sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục ĐGTS, Luật bổ sung một số nội dung chính của Quy chế cuộc đấu giá; sửa đổi, bổ sung quy định về niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá, xem tài sản đấu giá, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá, tiền đặt trước, trình tự, thủ tục thực hiện hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp nhằm tạo điều kiện thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá, đảm bảo trình tự, thủ tục đấu giá chặt chẽ, khách quan, minh bạch (từ khoản 20 đến khoản 27 Điều 1).
|
Thứ trưởng Mai Lương Khôi giới thiệu các điểm mới của Luật sửa đổi bổ sung. (Ảnh Nghĩa Đức) |
Đồng thời, bổ sung quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện như về thời gian niêm yết việc đấu giá dài hơn so với tài sản thông thường, việc người có tài sản đấu giá trực tiếp tham gia xét duyệt yêu cầu, điều kiện của người tham gia đấu giá, cách thức xác định tiền đặt trước đối với một số trường hợp cụ thể...
Qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá chung đối với một số tài sản đặc thù này trong thời gian qua, góp phần khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản công (khoản 23, 24, 38 Điều 1).
Đặc biệt, Luật bổ sung 2 điều mới về đấu giá trực tuyến (ĐGTT) và trình tự, thủ tục ĐGTT, trong đó quy định việc ĐGTT được thực hiện thông qua Cổng ĐGTS quốc gia hoặc trang thông tin ĐGTT, các nguyên tắc chung thực hiện hình thức ĐGTT và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm hoàn thiện hơn nữa hình thức ĐGTT (khoản 28 Điều 1).
Tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về ĐGTT, Thứ trưởng Khôi cho hay, triển khai Luật hiện hành, các tổ chức hành nghề đấu giá đã xây dựng các trang ĐGTT. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến nay có 15 trang ĐGTT của các tổ chức hành nghề đấu giá, tổ chức nhiều phiên ĐGTT thành công.
Việc sửa đổi Luật lần này là một bước hoàn thiện về thể chế nhằm đảm bảo cho hoạt động đấu giá phát triển ổn định, bền vững, phòng chống tiêu cực trong hoạt động đấu giá nói chung, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để hoạt động ĐGTT phát triển, bảo đảm yêu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
|
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Nghĩa Đức) |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, theo Luật vừa được thông qua, Cổng thông tin đấu giá quốc gia có trang thông tin ĐGTT để các tổ chức hành nghề đấu giá không đủ điều kiện, không đủ nguồn lực xây dựng trang thông tin đấu giá riêng của mình thì có thể sử dụng trang thông tin đấu giá của Cổng thông tin đấu giá quốc gia.
Đối với các tổ chức hành nghề đấu giá có đủ nguồn lực, đủ khả năng xây dựng trang thông tin đấu giá riêng của mình thì cần bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn của trang thông tin đưa vào vận hành phục vụ cho hoạt động ĐGTT, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu giá.
Hạn chế lợi dụng hoạt động đấu giá để trục lợi
Cũng theo Thứ trưởng Khôi, Luật lần này đã sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động ĐGTS. Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá mà Luật ĐGTS hiện hành chưa quy định như quyền quyết định áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá; báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức đấu giá; xác định giá khởi điểm, mức giảm giá của tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đấu giá (khoản 30 Điều 1).
Bên cạnh đó, bổ sung chế tài cấm tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm đối với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá và quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định việc cấm tham gia đấu giá nhằm xử lý nghiêm hành vi vi phạm, qua đó, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người trúng đấu, góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng hoạt động đấu giá để trục lợi (khoản 41 Điều 1).
Ngoài ra, Luật quy định một số nội dung khác gồm bổ sung một số trường hợp và thủ tục liên quan đến việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp ĐGTS; bổ các trường hợp bị cấm tham gia đấu giá như công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp…