Mới đây, cơ quan chức năng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VH, TT&DL) đã ban hành một số văn bản liên quan đến việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội tại tỉnh Hà Nam, Thái Bình và Hải Dương.
Trong đó, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã ghi nhận các tỉnh Hà Nam, Hải Dương đã chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành trong công tác quản lý Di tích và tổ chức lễ hội; Việc tổ chức lễ hội theo định kỳ hàng năm nhằm khơi dậy đạo lý uống nước nhờ nguồn, tôn vinh các bậc anh hùng dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước…
Di tích Đền Trần Thương (Lý Nhân, Hà Nam). |
Tại Di tích Đền Trần Thương (Lý Nhân, Hà Nam), thì tại thời điểm kiểm tra còn tồn tại, khu vực nội tự để nhiều đồ hành lễ không đảm bảo mỹ quan, còn tình trạng tiếp nhận công đức bằng hiện vật như lọ lộc bình, đèn thờ, sử dụng nến cốc trong khu vực nội tự ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy.
Được biết, di tích Đền Trần Thương được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt năm 2015; Năm 2017, Lễ hội Đền Trần Thương được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.
Tại khuôn viên Đền đã lắp đặt hệ thống camera tại các khu nội tự trong đảm bảo an ninh, quản lý đồ thờ, hiện vật… Cùng với đó, tại các cung thờ đều được lắp đặt các thiết bị kiểm soát về việc phòng chống cháy, nổ, Ban quản lý di tích lên kế hoạch tổ chức tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy cho các thành viên trong ban tổ chức;…
Việc quản lý sử dụng tiền công đức, tài trợ được tiếp nhận theo dõi theo quy chế do Ban quản lý di tích ban hành; Toàn bộ tiền công đức tại Đền do các tổ chức, cá nhân công đức đều được ghi vào sổ công đức lưu giữ tại Đền,…
Đền Trần Thương còn tình trạng tiếp nhận công đức bằng hiện vật như lọ lộc bình, đèn thờ, sử dụng nến cốc trong khu vực nội tự ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy. |
Tại Di tích đền Lảnh Giang (Hà Nam) năm 1996 Bộ Văn hoá - Thông tinh đã trao bằng công nhận Đền Lảnh Giang là Di tích lịch sử - văn hoá; năm 2017 thì Bộ VH, TT&DL đã công nhận Lễ hội Đền Lảnh Giang là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia và là điểm du lịch cấp tỉnh.
Trong khi đó, qua kiểm tra tại khu nội tự để nhiều đồ phục vụ hành lễ chưa đảm bảo mỹ quan, sử dụng nến cốc trong nội tự, hệ thống điện chưa đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ.
UBND xã đã xây dựng mô hình “Đền Lảng Giang an toàn, văn minh, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc” nhằm bảo tồn, tôn tạo các giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hoá của các công trình trong khu di tích; Năm 2023, Ban quản lý di tích đã triển khai 46 gian ki ốt theo quy hoạch làm dịch vụ bán hàng phụ vụ du khách về tham quan lễ hội; đầu tư xây dựng 2 đồi tùng, 2 hồ cá Koi, trồng cây xanh tạo cảnh quan…
Di tích đền Lảnh Giang (Hà Nam). |
Tại tỉnh Hải Dương, Bộ VH, TT&DL cũng đã kiểm tra tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (xã Cộng Hoà, TP Chí Linh), Ban quản ly di tích Quốc gia Đền Tranh (xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang).
Trong khi đó, tại tỉnh Thái Bình, qua kiểm tra rà soát, cơ quan chức năng thuộc Bộ VH, TT &DL đã ghi nhận những việc đã và đang làm việc của địa phương, ban quản lý di tích...
Tuy nhiên, tại di tích lịch sử quốc gia Chùa Keo (Thái Bình) còn tiếp nhận hiện vật như ghế xi măng có in lô-gô quảng cáo, còn để phục vụ hành lễ trong nội tự. Một số trang thiết bị chưa đảm bảo công tác an toàn cháy nổ tại di tích.
Tại di tích lịch sử văn hoá Đền Đồng Bằng còn tiếp nhận hiện vật như ghế xi măng có in lô-gô quảng cáo trong khuôn viên di tích và bài trí một số hiện vật phục vụ hành lễ không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích, như đèn điện, lọ lục bình trong nội tự.
Di tích Đền Tiên La thì tại sân tiền tế có tượng Tả, Hữu bằng đá bị hư hại gãy kiếm, bên trong nội tự còn bày đồ phục vụ hành lễ chưa đảm bảo mỹ quan.
Di tích Đền Trần (xã Tiến Đức, Hưng Hà). |
Tại di tích Đền Trần (xã Tiến Đức, Hưng Hà), tại thời điểm kiểm tra, di tích còn tiếp nhận một số hiện vật như lọ lục bình, đèn thờ không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích, còn sử dụng nến cốc, vật dễ cháy trong nội tự.
Qua kiểm tra, Bộ VH, TT&DL yêu cầu Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội, thủ nhang thực hiện nghiêm công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội theo các quy định của Luật Di sản văn hoá và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Không tiếp nhận hiện vật không rõ nguồn gốc (linh vật, đồ thờ cúng…) không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích. Khắc phục ngay các tồn tại đã kể trên.
Cùng với đó, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội cần xử lý, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn như đốt vàng mã, ăn xin, khấn thuê; hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích; nâng giá hàng hoá dịch vụ và trông giữ phương tiện;… Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Lắp đặt hệ thống bảng, biển hướng dẫn nhân dân và du khách về tham dự lễ hội tại các điểm vào di tích.