Có một ngôi đền, suốt hàng thế kỷ qua vẫn tồn tại sừng sững giữa đất trời, vẫn giữ được những nét riêng biệt từ thuở sơ khai, mặc cho chiến tranh, địch họa, phong hóa của đất trời. Minh chứng cho nét văn hóa đặc sắc đậm đà bản sắc của dân tộc ta.
Đền Trần Thương nằm ở thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo (Lý Nhân, Hà Nam) là nơi được Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm sinh phần (tức gửi gắm phần mộ khi còn sống) sau khi đánh thắng quân Nguyên -Mông xâm lược lần thứ 2 (năm 1285), tức thế kỷ thứ 13.
Kho chứa lương thảo
Từ đó dân gian mới có câu nói: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc”.
Đền Trần Thương là nơi thờ Đức Thánh Trần cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ 13.
Với tài đức của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nhân dân trong vùng suy tôn Ngài là Đức Thánh.
|
Bằng xếp hạng di tích Quốc gia Đặc biệt Đền Trần Thương của Thủ tướng Chính phủ. |
Cụ thủ từ Phan Xuân Đỗ, 71 tuổi, người trông coi đền Trần Thương cho biết: Chữ “Thương” trong tiếng Hán nghĩa là kho chứa lúa. “Trần Thương” biểu thị là kho chứa lương thực của nhà Trần. Nơi đây hội tụ những nét kiến trúc độc đáo của bốn triều đại Lý – Trần – Lê – Nguyễn. Nhìn sơ qua thì thấy kiến trúc đậm nét dấu ấn thời Lý - Trần nhưng nhìn chi tiết thì sẽ thấy còn xen kẽ thêm một số nét kiến trúc văn hóa triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn.
Trần Thương được xem là mảnh đất địa linh trù phú như hai câu thơ khắc ghi trên bức châm tại đền: “Trần Thương dư phúc địa, Cầm thảo tứ thời xuân” (đất Trần Thương nhiều phúc lộc, chim muông luôn ríu rít, cây cối luôn xanh mát quanh năm như bốn mùa xuân).
Tương truyền, trước kia nơi đây là một bãi sậy um tùm, dân cư thưa thớt, có 6 gò đất cao nổi trên mặt nước, cũng là trung tâm “lục đầu khê” có thể thuận tiện cho việc vận chuyển, cung ứng quân lương.
Bên cạnh đó, với địa thế hiểm yếu là vùng nước trũng “khó với giặc” nhưng là lợi thế của quân binh nhà Trần khi họ rất giỏi sông nước nên Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã lập 6 kho lương để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược lần thứ 2 (năm 1285), vị trí đền Trần Thương là kho lương chính.
Đền Trần Thương được xây dựng theo hình chữ Quốc nên trông vuông vắn, trên thế đất thiêng “hình nhân bái tướng” - ngụ ý chỉ một người con gái tài sắc song toàn, nằm bái phục và nghiêng về phía tây, nên hai giếng bên ngoài song song với giếng Hồ Khẩu (ở giữa đền) thì giếng bên tây hơi méo, vì nằm nghiêng tai sẽ hơi méo.
Cụ thủ từ Phan Xuân Đỗ kể lại: Trước kia sau đền có một cây đa rất cao, đứng từ xa khoảng vài km đã nhìn thấy tượng trưng cho mái tóc của người con gái nhưng vài năm trước đã bị đổ do bão.
Phía dưới là phủ mẫu thờ Bà chúa Liễu (người sinh ra Hưng Đạo Đại Vương) là cái trán. Ba cung của ngôi đền là khuôn mặt, trung tâm là giếng Hồ Khẩu (tượng trưng cho miệng). Mặt luôn hướng về quê hương Thiên Trường (Nam Định).
Hai giếng song song với giếng Hồ Khẩu bên ngoài gọi là giếng Nhĩ, tượng trưng cho hai cái tai. Phía trước ngôi đền có hai giếng Nhũ (tượng trưng cho hai cái vú), 5 giếng này tương thông với nhau bằng mạch ngầm.
Hai hồ nước hai bên kéo dài ra đến cổng chính gọi là hai cái tay kiệu (gọi là hai cánh tay) duỗi ra hướng Đông Nam. Hai cái chân chính là cái hồ ngay trước cổng đền, có mạch ngầm thông từ sông Hồng đến sông Long Xuyên nên chân của hình nhân dạng ra.
Cổng vào đền Trần Thương gọi là tam quan ngoại. Cửa chính cao hai tầng, tầng dưới có dạng cuốn hình vòm, xung quanh có trang trí hoa văn, tầng trên là gác chuông tám mái. Bên trong gác chuông có treo một quả chuông lớn.
|
Toàn cảnh khuôn viên đền Trần Thương nhìn từ trên cao. Nguồn Đài PT-TH Hà Nam. |
Hai cổng phụ của tam quan có đôi ngựa được đắp nổi phía dưới, phía trên là hoa sen. Bức tường ngoài cùng của tam quan là đôi voi chầu cùng hoa sen, hoa cúc và đôi cột có đèn lồng và đôi nghê chầu phía trên.
Qua tam quan là con đường chính lát gạch đỏ, rộng rãi đi vào sân đền. Trước cột đồng trụ là hai cái giếng Nhũ hai bên được kè đá xanh. Qua hàng cột trụ bề thế là mọt bức bình phong, chính giữa là chữ thọ, xung quanh là cảnh rồng chầu, phượng múa.
Phía trước gian giữa của tòa tiền đường có dựng một tòa cổ lâu 2 tầng, giữa mái trên và mái dưới là bức đại tự “Phong vân trường hộ”, ở giữa đặt một đỉnh hương bằng đá có đôi nghê chầu.
Ngôi đền chính bề thế, với lối kiến trúc bố cục chặt chẽ theo kiểu chữ Tam gồm 5 tòa, 15 gian, chia thành 3 cung: Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam. Theo thứ tự từ ngoài đền vào trong thì cung đầu tiên là cung Đệ Tam, là nơi thờ Ban Công đồng và quan Ngũ Hổ, đồng thời cũng là nhà khách. Cung Đệ Tam được xây dựng theo lối chồng rường, hai đầu xây bít đốc dật cấp, mái lợp ngói nam, mắt trước là dãy cửa bức bàn. Phía trên gian giữa có treo bức đại tự “Văn đức võ công”.
Tiếp đến là cung Đệ Nhị, ban giữa thờ cúng bá quan văn võ Trần Triều và gia tộc của Đức Thánh Trần, hai bên tả và hữu thờ quan Bắc Đẩu và quan Nam Tào. Cung Đệ Nhị gồm 5 gian, được xây bằng gạch cao hơn cung Đệ Tam, lợp ngói ống cung đình đời Nguyễn, bờ nóc hai đầu hồi đắp hai con rồng lớn, phần giữa mái trên và mái dưới là các ô có đắp chữ Hán.
Cung cuối cùng là cung Đệ Nhất (hay còn gọi là cung Cấm), vì sự đặc biệt nên nơi này có sự hãn hữu ra vào. Ban giữa cung Đệ Nhất thờ Đức Thánh Trần, hai bên trái và phải thờ bái vọng Đức Vương Phụ và Đức Vương Mẫu của Ngài. Cung này được lợp ngói ống, bộ cửa bức bàn gồm 3 cửa được sơn son thiếp vàng lộng lẫy.
Trước mặt cung Đệ Nhị và sau cung Đệ Tam có giếng Hồ Khẩu ngăn cách. Hai hành lang nối cung Đệ Nhị và Đệ Tam với nhau còn có hai giải vũ. Giải vũ bên trái là nơi thờ nhị vị Vương cô, Vương cô Đệ Nhất và Vương cô Đệ nhị. Giải vũ bên phải là nơi thờ 4 người con trai và một người con rể của Ngài.
Kiến trúc độc đáo
Các cung đều được những hàng cột lim to khỏe, vững chắc chống đỡ, những bức chạm đầu xà, đầu bẩy thể hiện “cúc hóa long” (hoa cúc hóa rồng) tuyệt đẹp. Ngoài ra còn có các họa tiết như lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời…
Giếng nước Hồ Khẩu nằm giữa cung đệ nhị và cung đệ tam, tai trạch của giếng nước này là nơi hội tụ các yếu tố về tứ trụ, tiếp thu tinh túy của trời đất, giữ linh khí và linh vật thiêng của ngôi đền. Khi mặt trời lên ánh nắng chiếu rọi xuống giếng, khi mặt trăng lên ánh trăng cũng tạo một góc vuông chiếu rọi xuống giếng. Dưới giếng còn nuôi các cụ rùa để “ngụ bái thần tướng” có ý nghĩa là thần kim quy gìn giữ đền giống như thần kim quy ngày xưa bảo vệ Cổ Loa thành.
Giếng nước hình bán nguyệt, được đặt ngay giữa đền vừa độc đáo, vừa tạo hòa khí nước non mây trời đối với ngôi đền. Nước trong giếng không cạn bao giờ, mưa to thì nước cũng không tràn miệng giếng mà cứ rút dần xuống. Đặc biệt giếng này được gạch được xếp chứ không phải là xây.
Không chỉ có kiến trúc độc đáo, linh thiêng, đền Trần Thương còn giữ lại được nhiều đồ thờ cúng cổ như ngai thờ, khám thờ, sập, nghê, rùa, bát hương và những vật dụng khác như hoành phi, câu đối, đại tự, lục bình, bát hương, bát đĩa, chén đôn, chuông cổ, chiếc kiếm bạc có vỏ được làm bằng đồi mồi rất quý chỉ được đưa ra thờ vào những ngày lễ hội.
Đặc biệt còn có tượng Hưng Đạo Đại Vương, trong ban thờ hậu cung với vẻ mặt uy nghiêm của một vị “Thánh” nhân, nhưng vẫn nở nụ cười bao dung, đôn hậu. Pho tượng có tỷ lệ cân đối với vẻ mặt uy nghiêm của một đấng thần nhân Đức Thánh Trần - Đức Thành Cha, trầm tư vạch kế sách giữ nước.
Đền Trần Thương là một trong ba địa danh lịch sử (Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Trần Thương), có liên quan mật thiết đến những trang sử hào hùng của nhà Trần và cuộc đời, sự nghiệp của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Cũng như những nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương khác, đền Trần Thương tổ chức lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc này vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm (dân gian có câu: Tháng Tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ là để nói về hai lễ hội lớn về hai vị thánh: Đức thánh Trần (Trần Hưng Đạo), Đức thánh mẫu (Liễu Hạnh)).
Đặc biệt vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng hàng năm còn mở Lễ phát lương ban lộc đầu năm của Đức Thánh Trần cho nhân dân và khách thập phương. Túi lương gồm 5 loại hạt đỗ đỏ, đỗ xanh, ngô đỏ, đậu tương và nếp cái hoa vàng.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.
Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Không ngoa khi nói rằng, kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên của đền Trần Thương như nhập đời vào đạo, nhập con người với vũ trụ trong một không gian văn hóa linh thiêng.
Dưới đây là một số hình ảnh mang đậm nét kiến trúc đời Lý - Trần của ngôi đền có một không hai đó:
|
Đỉnh hương cổ bằng đá có đôi nghê chầu hai bên, được đặt phía ngoài ngay trước gian giữa của cung Đệ Tam. |
|
Pho tượng cổ Đức Thánh Trần được đặt tại ban giữa cung Đệ Nhất có nét mặt uy nghiêm nhưng lại có nụ cười bao dung, đôn hậu. |
|
Họa tiết “Cúc hóa Long” (hoa cúc hóa rồng) và những họa tiết hình sóng nước, mây trời… chứng tỏ tài hoa của những người nghệ nhân xưa kia. |
|
Bờ nóc hai đầu hồi cung Đệ Nhị được đắp hai con rồng lớn. |
|
Giếng Nhĩ phía bên Tây méo hơn so với 4 giếng còn lại, vì “người nằm nghiêng một tai sẽ méo”. |
|
Họa tiết “Lưỡng long chầu nguyệt” được chạm khắc tinh xảo dưới bức Hoàng phi cổ. |
|
Một trong những chiếc chuông cổ có niên đại hàng trăm năm, âm chuông khi đánh lên âm vang, trong trẻo. |
|
Giếng Nhũ được lát đá xanh ở phía trước khu đền chính. |