Dù đã trải qua nhiều thế kỉ nhưng đền Trần Thương vẫn giữ được những nét từ thuở sơ khai và đã trở thành nơi mang đậm những dấu ấn lịch sử, minh chứng cho nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của Việt Nam.
Lễ hội đền Trần Thương đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2017. |
Tương truyền, trên đường đánh quân Nguyên - Mông, bằng nhãn quan của nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã chọn đất Trần Thương lập sáu kho lương (khu vực đền Trần Thương là kho lương chính) để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (năm 1285). Địa thế nơi đây rất thuận tiện cho việc vận chuyển, tích trữ lương thảo của triều đình. Khi chiến thắng trở về, Trần Quốc Tuấn đã mở kho lương tổ chức khao quân và nhân dân mừng chiến thắng.
Chữ “Thương” trong tiếng Hán có nghĩa là “Kho” biểu thị là kho chứa lúa - lương thực của quân dân nhà Trần. Đội Xuyên là nơi quân canh giữ thường xuyên, Hoàng Xá nghĩa là nơi vương thân, gia tướng ở, Khu Mật nghĩa là nơi tối mật. Các tên thôn Trần Thương, Đội Xuyên, Hoàng Xá, Khu Mật vẫn còn hiện hữu đến ngày nay.
Lễ rước kiệu Thánh đền Trần Thương được tổ chức trang trọng, thiêng liêng. |
Xưa kia, thôn Trần Thương chỉ là một bãi sậy um tùm, rải rác ít gò cao xen kẽ, dân cư thưa thớt, được bao bởi 6 con ngòi như 6 con rồng chạy về nên được gọi là trung tâm “lục khê đầu” (6 khe nước).
Từ Trần Thương có thể ngược sông Hồng đi Thăng Long hoặc xuôi dòng về hành cung Thiên Trường rồi ra biển, nên thuận tiện cho việc vận chuyển, cung ứng quân lương. Với địa thế hiểm yếu là vùng nước trũng khó cho giặc, nhưng là lợi thế của của quân binh nhà Trần khi quân - tướng đều rất giỏi sông nước, nên nơi đây được đánh giá là vị trí trọng yếu trong lĩnh vực quân sự và chính trị.
Với nhãn quan của nhà quân sự lỗi lạc, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã cho tích trữ lương thảo tại đây để phục vụ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên- Mông; góp phần quan trọng trong chiến thắng giặc Nguyên - Mông, đế chế hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.
Kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên của đền Trần Thương như nhập đời vào đạo, nhập con người với vũ trụ trong một không gian văn hóa linh thiêng. |
Địa danh Trần Thương, từ mảnh đất từng là tổng kho dự trữ lương thảo của quân dân nhà Trần, sau khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn dời cõi thế, nhân dân trong vùng đã khởi dựng ngôi đền để tưởng vọng Ngài.
Ngôi đền Trần Thương thâm nghiêm, cổ kính. Tổng thể kiến trúc cảnh quan ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, 5 tòa, 15 gian, chia thành 3 cung: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và hai giải vũ, 5 giếng… Kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên của đền Trần Thương như nhập đời vào đạo, nhập con người với vũ trụ trong một không gian văn hóa linh thiêng.
Cùng với giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, di tích Quốc gia đặc biệt đền Trần Thương còn mang những giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc qua hai lễ hội đó là Lễ phát lương Đức Thánh Trần vào rằm tháng Giêng và Lễ hội truyền thống vào tháng Tám âm lịch. Cả hai đều thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Hồ Trần Thương thuộc Quần thể di tích đền Trần Thương được đầu tư khang trang. |
Tương truyền, sau khi đại thắng quân Nguyên - Mông, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã trở lại mảnh đất Trần Thương mở kho lương của nhà Trần để khao quân dân. Nghi lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương nhằm tái hiện lịch sử về việc "phát quân lương" khao quân của quân đội nhà Trần.
Lễ phát lương được tổ chức vào giờ Tý đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hàng năm, với các nghi trình: Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ; lễ châm đuốc và dâng hương của các đại biểu cùng nhân dân và lễ rước lương thảo vào làm mật lễ tại hậu cung. Tại đây, du khách được nhận túi lương của đức Thánh Trần, gồm năm loại hạt (đỗ đỏ, đỗ xanh, hạt đậu nành, ngô đỏ, thóc nếp cái hoa vàng) cùng ấn phù của Đền Trần Thương với mong ước một năm mới bình an, hạnh phúc và no ấm.
Dân gian có câu “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ mẹ”. Thôn Trần Thương là một trong ba nơi có liên quan mật thiết đến cuộc đời và sự nghiệp Trần Quốc Tuấn là Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Trần Thương; điều đó thể hiện qua câu nói: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, hương Bảo Lộc”.
Lễ hội truyền thống Đền Trần Thương là nghi thức tâm linh truyền thống nhắc nhở thế hệ hôm nay về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ ân đức của các bậc tiền nhân và hòa mình vào không gian văn hóa của tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần trong cội nguồn văn hóa dân tộc.
Theo thông lệ, Lễ hội được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20/8 âm lịch để tưởng niệm ngày kỵ của Đức Thánh Trần (ngày 20/8 âm lịch). Tuy nhiên, nhân dân và khách thập phương đã về đền bái yết, tri ân Đức Thánh Cha từ những ngày đầu tháng 8 âm lịch.
Trong không khí thiêng liêng, những người con trên khắp mọi miền đất nước lại có dịp dâng hương, tưởng niệm công lao to lớn của anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn trong lịch sử dân tộc.
Lễ hội truyền thống đền Trần Thương và Lễ phát lương Đức Thánh Trần đã trở thành nét văn hóa đẹp, thể hiện niềm tin yêu tôn kính bậc Thánh nhân cứu quốc; đồng thời thể hiện khát vọng chân chính, thiêng liêng mãi mãi được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Lễ hội Đền Trần Thương vừa là niềm tự hào, vừa là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lý Nhân quyết tâm xây dựng quần thể khu di tích ngày một quy mô, đồng bộ, góp phần hiện thực hoá định hướng phát triển du lịch địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn. Cùng với khu du lịch Quốc gia Tam Chúc dần trở thành sản phẩm du lịch dẫn của tỉnh Hà Nam.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa đặc sắc, công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt. Năm 2017, Lễ hội đền Trần Thương đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. |
Tags: