Thuế tính nhập khẩu mặt hàng dầu từ ASEAN chỉ là 5% nhưng trong cách tính giá cơ sở, nó được xác định là 10%, và theo tính toán, mức chênh thuế này lên tới 400 đồng/lít và đều chảy về túi doanh nghiệp.
|
Người dân đang phải móc thêm tiền để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp xăng dầu. |
Những ngày gần đây, câu chuyện xăng dầu lãi khủng nhờ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội. Trong khi một phần không nhỏ lượng xăng dầu nhập khẩu đã được giảm thuế nhập khẩu xuống 10% hoặc 5% thì theo biểu tính giá cơ sở hiện hành của Bộ Công Thương-Tài chính vẫn áp mức thuế 10% với mặt hàng dầu và 20% với mặt hàng xăng. Điều này vô hình chung đã tạo ra khoản lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Ví như mặt hàng dầu, từ 1/1/2015, theo Thông tư 165 của Bộ Tài chính thì thuế xuất thuế nhập khẩu dầu diezel, dầu hỏa từ các nước trong khối ASEAN chỉ là 5%, còn với dầu mazut là 0%. Và từ 1/1/2016, tất cả những mặt hàng này từ ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam đều được áp dụng mức thuế 0%.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của ngành Hải quan, năm 2015, Việt Nam nhập 4,42 triệu tấn dầu diezel từ các nước ASEAN, tức mỗi tháng nhập khoảng 0,368 tấn dầu, tương đương 421 triệu lít. Giả sử, mức giá nhập khẩu tại cửa khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng này có chứng nhận xuất xứ từ các nước ASEAN là 55 USD/thùng thì với mức thuế suất 5%, mỗi lít dầu chỉ phải gánh 400 đồng/lít.
Tuy nhiên, vì biểu thuế này không được thay đổi trong cách tính giá cơ sở của Liên Bộ Công Thương-Tài chính nên thuế mỗi lít dầu phải gánh sẽ là 800 đồng/lít.
Như vậy, với khoản chênh lệch thuế 400 đồng/lít, bình quân mỗi tháng, các doanh nghiêp xăng dầu đã đút túi tới 168,4 tỉ đồng.
Hay như mặt hàng xăng cũng vậy, từ 1/1/2016, xăng A92 nhập khẩu từ Hàn Quốc sẽ chỉ chịu thuế 10% nhưng trong các tính giá cơ sở của Liên Bộ Công Thương-Tài chính, mức thuế này vẫn được tính là 20%. Điều này có nghĩa, với mức giá cơ sở 14.100 đồng/lít được Liên Bộ công bố ngày 4/3 thì đúng ra, 1 lít xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ phải chịu thuế là 630,77 đồng thay vì 1.261,55 đồng như hiện nay.
Việc này cũng gián tiếp giúp doanh nghiệp đút túi hàng tỉ đồng, qua đó gia tăng lợi nhuận, còn người tiêu dùng bị móc túi hàng tỉ đồng.
Nhưng đáng ngại hơn, không chỉ hưởng lợi khủng từ sự thay đổi thuế suất theo các FTA, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn dùng sự chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu này để ép các nhà cung cấp xăng dầu trong nước, cụ thể ở đây là sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đây là điều rất cần các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, nhìn nhận.