Tỉnh Bình Phước đã kiến nghị xây cầu Mã Đà nối về Đồng Nai để lưu thông về sân bay Long Thành, các cụm cảng thuận lợi hơn.
Hai tỉnh gấp rút nghiên cứu phương án đầu tư khôi phục cầu Mã Đà
Theo tin từ tỉnh Đồng Nai, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh Bình Phước và Đồng Nai về việc nghiên cứu phương án đầu tư khôi phục cầu Mã Đà.
 |
Cầu Mã Đà cũ đã bị sập. |
Trong văn bản, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 25/1, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Phước cho tỉnh đầu tư mở rộng đường tỉnh 753 kết nối đường tỉnh 761 của tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Bình Phước về mở rộng tuyến đường tỉnh 753 kết nối đường tỉnh 761 của tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà, đề xuất phương án kết nối giao thông tối ưu, báo cáo Thủ tướng.
Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Bình Phước sớm làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để thống nhất phương án đầu tư mở rộng đường tỉnh 753 kết nối với đường tỉnh 761 của tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà và có văn bản gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp, xử lý.
Trước đó, ngày 11/2, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã có báo cáo gửi Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đề xuất phương án khôi phục cầu Mã Đà để kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai.
Trong đó, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất lựa chọn phương án kết nối giao thông theo lộ trình từ TP Đồng Xoài đi theo đường tỉnh 753, qua cầu Mã Đà sang địa phận tỉnh Đồng Nai, đi theo các đường địa phương đến đường Vành đai 4 TP HCM đoạn qua TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tổng chiều dài 76km. Với phương án này, tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 5.000 tỷ đồng.
Cũng theo UBND tỉnh Bình Phước, hiện nay địa phương đã quy hoạch Khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú rộng trên 4.000ha rất cần có hạ tầng giao thông kết nối đến các trung tâm, cảng của các tỉnh lân cận, trong đó có tỉnh Đồng Nai.
Về quốc phòng, tuyến quốc lộ 13 và đường tỉnh 741 được xác định là tuyến cơ động chi viện cho Bình Phước ngắn nhất. Còn tuyến đường tỉnh 753 hiện hữu tuy chưa là tuyến giao thông huyết mạch nhưng lại có giá trị chiến lược trong khu vực phòng thủ của Quân khu 7 và trên cả chiến trường miền Nam nói chung.
Bên cạnh đó, đường tỉnh 753 có điểm đầu tại TP Đồng Xoài, điểm cuối tại cầu Mã Đà là tuyến đường ngắn nhất và nhanh nhất kết nối các tỉnh Tây Nguyên (qua Bình Phước) với tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, cầu Mã Đà đã bị đánh sập trong chiến tranh, đến nay vẫn chưa được khôi phục lại.
Nhu cầu đi lại, giao thương của người dân hai tỉnh rất lớn, hằng ngày người dân vẫn lưu thông qua lại khu vực cầu Mã Đà nhưng rất khó khăn.
Do đó Bình Phước đề xuất khôi phục lại cầu Mã Đà nhằm đảm bảo khả năng kết nối với tỉnh Đồng Nai.
Cũng theo UBND tỉnh Bình Phước, đây là phương án tuyến ngắn nhất và nhanh nhất đi theo đường hiện hữu trực tiếp kết nối các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Bình Phước nói riêng đến tỉnh Đồng Nai đi sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Để thực hiện phương án kết nối trên cần khôi phục cầu Mã Đà đã bị đánh sập trong chiến tranh.
UBND tỉnh Bình Phước tính toán khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khôi phục cầu Mã Đà khoảng 5.130 tỷ đồng để đảm bảo quy mô tối thiểu 4 làn xe, đồng bộ với các dự án đang triển khai trên các tuyến như: nâng cấp mở rộng đường tỉnh 753 với chiều dài 17km, mặt đường rộng 19m, nền đường 24m; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 761, đường tỉnh 767 với chiều dài khoảng 46km với quy mô mặt đường 19m, nền đường 24m; đầu tư cầu cạn khoảng 2km, tường chống ồn và hàng rào khoảng 2km mỗi bên...
Đồng Nai từng kiến nghị không làm cầu Mã Đà
Được biết trước đó vào năm 2022 tỉnh Bình Phước cũng đã đề xuất Chính phủ cho xây dựng cầu Mã Đà để kết nối với tuyến đường 761 ở tỉnh Đồng Nai và làm quốc lộ 13C theo quy hoạch đã được duyệt.
Bình Phước cho rằng khi xây cầu Mã Đà để kết nối vào quốc lộ 13C sẽ rút ngắn khoảng cách từ tỉnh Bình Phước đi sân bay quốc tế Long Thành hơn 60km.
 |
Một đoạn đường xuyên rừng qua Đồng Nai. Ảnh: Lamjang |
Tuy nhiên thời điểm này UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng phương án tuyến quốc lộ 13C theo quy hoạch được duyệt mà Bình Phước vừa kiến nghị kết nối là không phù hợp với định hướng của tỉnh Đồng Nai.
Tỉnh này đã từng cho rằng việc xây dựng cầu Mã Đà và các hạng mục phụ trợ sẽ kéo theo việc hình thành tuyến đường dài 40km đi xuyên qua vùng lõi của rừng đặc dụng, sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng tới vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.
Điều này gây chia cắt, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến sinh cảnh của các loài động vật hoang dã do các phương tiện lưu thông...
Đây là các hoạt động đi ngược lại chiến lược của MAB. Nếu tổ chức UNESCO can thiệp thì sẽ thu hồi danh hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho hay Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được xem là lá phổi xanh của các tỉnh Đông Nam Bộ.
Ở đây còn có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia, nhiều năm qua, Đồng Nai đã bảo vệ diện tích rừng, trồng bổ sung mới và các loài động vật quý hiếm xuất hiện thường xuyên hơn... Do đó việc xây cầu Mã Đà xuyên qua rừng của khu dự trữ sinh quyển sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng.
Cũng ở thời điểm này, nhiều Bộ ngành liên quan sau khi kiểm tra nghiên cứu thực tế cũng báo cáo kiến nghị Chính phủ việc xây cầu Mã Đà và đường xuyên Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai không phù hợp.
Nguyên nhân sẽ gây ra các tác động lớn, chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái và vi phạm các điều ước quốc tế.
Ngoài ra còn vi phạm Luật đa dạng sinh học, Luật lâm nghiệp, Luật di sản văn hóa và không phù hợp với các chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…
Các đơn vị liên quan cũng đã kiến nghị bổ sung phương án kết nối tỉnh Bình Phước với đường vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 71km, không qua cầu Mã Đà mà theo hướng từ Đồng Xoài đi theo ĐT.753, kết nối ĐT.753 với đường Đồng Phú - Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, kết nối về đường vành đai 4 - TP.HCM.