Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 824/BYT-KH-TC hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, thực hiện từ ngày 1/3/2016.
|
Ảnh minh họa. |
Liên Bộ Y tế - Tài chính đã quy định mức giá cụ thể của các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nên các đơn vị, địa phương không phải xây dựng cơ cấu giá, không phải ban hành mức giá mà được áp dụng mức giá của các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng theo hạng bệnh viện đã quy định tại Thông tư 37 để thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Đối với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, đối với người bệnh không có thẻ BHYT thì vẫn thực hiện khung giá cũ cho đến khi có thông tư thay thế.
Thẩm quyền quy định mức giá đối với các dịch vụ không thanh toán từ quỹ BHYT, đối với người bệnh không có BHYT tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành.
Trong đó, giá dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường bệnh được tính cụ thể như sau:
Đối với dịch vụ khám bệnh
Mức giá dịch vụ khám bệnh được xác định theo hạng bệnh viện và được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 37.
Việc xác định và tính chi phí khám bệnh để thanh toán chi phí khám bệnh với người bệnh và cơ quan BHYT trong một số trường hợp cụ thể áp dụng như sau:
Trường hợp trong cùng một ngày, tại cùng một cơ sở y tế, người bệnh có thẻ BHYT sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác thì từ lần khám thứ 2 trở đi chỉ tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh nhưng mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh một ngày không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh.
Ví dụ, ngày 01/3/2016 người bệnh đến khám bệnh tại Bệnh viện A (là bệnh viện hạng 1), sau khi khám tại phòng khám đa khoa, giả sử người bệnh được chỉ định khám thêm chuyên khoa da liễu thì tiền khám bệnh làm cơ sở thanh toán BHYT đối với trường hợp này là: 20.000 đồng (lần 1) + 30% x 20.000 đồng (lần 2) = 26.000 đồng.
Giả sử sau khi khám da liễu, người bệnh lại được chỉ định khám tiếp chuyên khoa Nội tiết thì tiền khám bệnh làm cơ sở thanh toán bảo hiểm y tế đối với trường hợp này là: 20.000 đồng (lần 1) + 30% x 20.000 đồng (lần 2) + 30% x 20.000 đồng (lần 3) = 32.000 đồng.
Sau đó người bệnh lại tiếp tục được chỉ định khám thêm 2 chuyên khoa nữa (tổng cộng cả lần khám đầu tiên là 5 lần khám bệnh trong cùng một lần đến Bệnh viện A) thì tiền khám bệnh lúc này cũng chỉ được thu tối đa là 40.000 đồng.
Trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh sau đó được chuyển vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn thì được thanh toán là một lần khám bệnh.
Xác định mức giá dịch vụ ngày giường bệnh
Mức giá ngày điều trị hồi sức tích cực (ICU) quy định tại Phụ lục II của Thông tư 37 được áp dụng đối với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I hoặc hạng II đã thành lập Khoa Điều trị tích cực, Khoa Chống độc, các khoa này nếu có đầy đủ các điều kiện để hoạt động theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/01/2008 của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc.
Trường hợp đơn vị chưa thành lập Khoa Điều trị tích cực nhưng Khoa Hồi sức cấp cứu có một số giường được sử dụng để điều trị tích cực, một số giường bệnh sau hậu phẫu của các phẫu thuật nặng như tim mạch, ung thư, nhi, bỏng nếu các giường bệnh này đáp ứng được yêu cầu về trang bị cho giường điều trị tích cực quy định tại Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/01/2008 nêu trên.
Chỉ thanh toán chi phí ngày điều trị hồi sức tích cực (ICU) khi người bệnh nằm tại các giường này với các bệnh lý cần được chăm sóc, điều trị và theo dõi theo quy chế hồi sức tích cực/hồi sức cấp cứu.
Các trường hợp còn lại chỉ được áp dụng mức giá ngày điều trị hồi sức cấp cứu quy định tại dịch vụ số 2 Phụ lục số 2 của Thông tư 37.
Mức giá ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu được áp dụng đối với các khoa điều trị lâm sàng có giường hồi sức cấp cứu trong khoa (ví dụ trong Khoa Nhi có giường hồi sức cấp cứu nhi, các khoa sơ sinh/chăm sóc đặc biệt đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng) thì được áp dụng giá ngày giường hồi sức cấp cứu quy định tại dịch vụ số 2 Phụ lục số II của Thông tư 37.
Trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giao thì được thanh toán theo mức giá ngày giường bệnh đã được quy định tại Thông tư 37.
Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp, tạm thời áp dụng mức giá ngày giường bệnh nằm ghép 02 người theo từng loại chuyên khoa đã quy định tại Thông tư 37.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải dần khắc phục tình trạng này, không để người bệnh điều trị nội trú phải nằm điều trị trên băng ca, giường gấp.
Đối với ngày giường bệnh ban ngày, thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về danh mục bệnh và danh mục dịch vụ kỹ thuật điều trị ban ngày, áp dụng mức giá bằng 0,3 giá ngày giường của các khoa tương ứng.
Ví dụ, Bệnh viện A là bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội được xếp hạng I, giá giường bệnh theo thông tư 37 là từ ngày 01/3/2016 là 89.000 đồng, từ ngày 01/7/2016 là 192.300 đồng.
Người bệnh B có thẻ BHYT, điều trị bệnh C thuộc danh mục bệnh điều trị ban ngày. Mức giá ngày giường điều trị ban ngày thực hiện từ 01/3/2016 là 0,3 x 89.000 đồng = 26.700 đồng, từ ngày 01/7/2016 là 0,3 x 192.300 đồng = 57.690 đồng.