Vua Tự Đức là ông vua nổi tiếng thơ hay triều Nguyễn và cũng là ông vua có nhiều giai thoại về vụ án nhất. Một trong những vụ án điển hình như vụ án Hồng Bảo, vụ án “chó cắn hạc vua”, vụ án “Hải tặc”, vụ án Phạm Đăng Tuấn.
Tin nên đọc
Vụ san phẳng lăng vợ vua Tự Đức: Công an đã vào cuộc điều tra
Bộ VH-TT&DL nói gì về vụ san phẳng lăng vợ vua Tự Đức ở Huế?
Vụ san ủi lăng vợ vua Tự Đức: Đề nghị khởi tố về tội xâm phạm mồ mả
Vụ lăng mộ vợ vua Tự Đức ở Huế: UBND tỉnh chỉ đạo di dời
Vụ án “chó cắn hạc vua”
Vua nhà Thanh (Trung Quốc) có biếu tặng Vua Tự Đức một con hạc thuộc loại hiếm có. Vua Tự Đức quý lắm, cho đeo trước cổ tấm thẻ bài ghi “Thiên Tử Hạc” (Hạc của vua nuôi). Thiên Tử Hạc quen hơi người nên được thả trong Vườn Thượng uyển.
|
Hội quán của người Hoa ở phố cổ Gia Hội. (Ảnh: Nguyễn Văn Toàn) |
Ngày nọ, con Thiên Tử Hạc bay ra khỏi Hoàng cung. Nó lạc vào vườn một thường dân nên bị chó của nhà này cắn chết. Vua Tự Đức thấy mất con hạc mình yêu quý, dày công tốn sức chăm nuôi nên truyền cho thuộc cấp điều tra.
Cấp dưới điều tra biết được việc chó nhà dân cắn chết hạc của Vua nuôi nên đã quay về trình báo. Vua Tự Đức thấy hạc quý chết nên nổi giận, truyền cho Bộ hình luận tội. Bộ Hình kết án chủ chó phải tội tử hình và bị tịch thu toàn bộ gia sản.
Việc xử án của Bộ hình được quan Ngự Sử Phạm Đan Quế biết được. Sau khi xem xét các tình tiết, ông xin yết kiến Vua Tự Đức và trình một bản tấu.
Bản tấu ấy như sau: Hạc bất năng ngôn/Khuyển vô thức tự/ Hạc nhập dân viên/ Khuyển trung vu chủ/ Điểu, Thú đấu tranh/ U minh hà dự/ Khuyển phệ hạc tử/ Tôi quy vu chủ/ Hạc trắc khuyển tử/ Tường hà luật xử?
Dịch nghĩa: Hạc chẳng biết nói/ Chó không biết chữ/ Hạc vào vườn dân/ Chó trung với chủ/ Chim, thú đánh nhau/ Tối sáng không rõ/ Chó cắn chết hạc/ Tội quy cho chủ/ Hạc mổ chết chó/ Luật xử thế nào?
Nghe xong, Vua Tự Đức cấp tốc hạ lệnh hủy bỏ bản án và không bàn đến nữa. Bởi những lời của Phạm Đan Quế không những có tình mà còn rất có lý: Chó và hạc đều là vật. Cả hai không biết nói, không biết chữ nên hạc đeo thẻ đề Thiên Tử Hạc chó cũng không biết.
Như vậy, chó cắn chết hạc là do cái thói cắn nhau của hai con vật, nên không thể bắt chủ chó thế mạng. Nếu bản án trên thi hành như kết luận của Bộ Hình thì sau này thành án lệ. Chẳng hạn, lỡ có ngày chó hoàng cung cắn chết cầm thú nhà dân hay cắn chết người ta, không biết sẽ nghị án ra sao. Không lẽ phải bắt Vua trị tội?
Tuy nhiên, có nghĩ càng thấy vụ án không hề đơn giản. Bởi trong chế độ phong kiến, ý Vua tức là ý trời, không ai dám trái lệnh. Nhưng do ông Phạm Đan Quế nói quá có tình có lý nên Vua Tự Đức đã nghe theo.
Chính vì thế vụ án “chó cắn học vua” cũng đã để lại một điển tích hay về việc xử án ngày xưa của cha ông mà ngày nay chúng ta vẫn cần phải học tập. Đó là không phân biệt hay thiên vị một ai trong việc phân xử, chỉ có lẽ phải là luôn phải được tôn trọng triệt để.
Vụ án “Hải tặc”
Ở đường Chi Lăng, TP. Huế có Chiêu Ưng Từ, nằm đối diện chợ Cồn Phú Cát hiện nay. Ngôi đền do Hoa thương phố Gia Hội xưa quyên góp sửa ngôi chùa cổ đã sụp đổ vào năm 1887. Năm 1908, ngôi đền được trùng tu và có tầm vóc như ngày nay. Đây là ngôi đền ghi dấu một vụ án vào đời Tự Đức.
Vụ án diễn ra vào mùa hè năm Tân Hợi (1851), khi Vua Tự Đức đọc được tờ tấu do Bộ binh chuyển lên báo Chưởng vệ Phạm Xích, Lang Trung Tôn Thất Thiều tâu trình đã đánh đuổi ba tàu hải tặc ở vùng biển Quảng Nam - Quảng Ngãi, quan binh đã bắn chìm một chiếc, một chiếc bị quan binh áp sát, giết được rất nhiều hải tặc, thu tàu giải về neo tại vụng Chiêm Dữ, một chiếc bỏ chạy về phía đông, xin báo công để triều đình ban thưởng.
Vua Tự Đức xem xong tờ tâu liền sinh nghi vì đánh nhau với hải tặc mà lính tráng chẳng ai bị thương tích gì, còn phía bên kia thì chết sạch không một người bị bắt làm tù binh.
Vụ việc nghiêm trọng nên Vua Tự Đức nhấc bút châu phê vào tờ tấu: “Giao qua Bộ Binh điều tra cho rõ sự tình”. Liền sau đó Quan thượng thư Bộ Binh phái thuộc cấp đi khám xét. Vài ngày sau, thuộc cấp đi về phúc trình rằng chiếc tàu giặc biển giống thuyền buôn hơn là tàu giặc.
Vừa lúc ấy, một phụ nữ Hoa kiều đến nha môn xin cáo giác. Nguyên bà là Hoa kiều, làm nghề tiệm ăn ở phố Gia Hội, thấy chồng cũng là Hoa kiều về nước bặt tin đã lâu.
Cũng dịp đó, viên đội trưởng trong vệ Tuyển Phong tên Trần Hựu đưa bạn bè tới chiêu đãi tại quán của bà nhưng không đủ tiền trả nên rút chiếc nhẫn cầm tạm bảo thối tiền mặt. Bà chủ thấy nhẫn ngờ ngợ, xem kỹ thì nhận ra đó chính là bảo vật của chồng liền vặn hỏi.
Trần Hựu lúc đầu tìm cách chối, sau chịu theo bà đến nha môn trình việc. Hoá ra y chính là thủ hạ của Tôn Thiết Thiếu. Trước mặt quan Bộ binh, Trần Hựu cung khai rằng ngày 17/6/1851, thuyền quan đậu ở cửa Thi Nại, được tin có ba chiếc thuyền lạ đậu ngoài hải phận đảo Thanh Dư.
Chưởng vệ Phạm Xích và Thi lang Tôn Thất Thiều lập tức đuổi theo bắn và áp sát để bắt. Mặc dù đã trình thẻ nhà buôn nhưng 108 người Hoa trên tàu bắt được đều bị chém chết rồi đem quăng xuống biển. Duy có một người trốn dưới đáy khoang.
Bị phát giác, người này chạy thoát lên boong, phóng xuống biển mất tích. Toàn bộ hàng hóa trên chiếc tàu buôn của người Hoa được chuyển sang chiếc Bằng Đoàn của quan binh rồi chiếc thuyền buôn được sơn lại toàn màu đen để trông như tàu hải tặc và dẫn về vụng Chiêm Dữ.
Trước công đường, bà chủ quán ở phố Gia Hội kêu oan rằng chồng bà cùng nhiều bạn khác thuộc các bang ở Huế và Quảng Nam, Quảng Ngãi nhân về thăm quê nhà ở Hải Nam đã kết hợp đi buôn, có giấy phép của trên cấp. Vậy mà nay lại bị chết oan mà còn mang tiếng là hải tặc.
Quan Thượng thư Bộ binh sau khi gọi thêm nhân chứng điều tra, làm tờ tâu. Vua Tự Đức thịnh nộ, phê giao Ty tam pháp xét xử.
Thiều chủ mưu, bị đổi theo họ mẹ (Đặng), cùng Xích đều bị xử tội lăng trì, vợ con phải phát phối; Dương Cù đồng loã, xử tội trảm quyết; Trần Hựu biết thú nhận khi chưa tra khảo nên được tha. Bản án dâng lên, Vua Tự Đức châu phê chuẩn ngay, còn xuống chỉ truy thu tang vật trả lại thân nhân những người bị hại.
Do đó, hàng năm vào độ rằm tháng sáu âm lịch, kể khi Chiêu Ứng từ xây xong, thân nhân các nạn nhân Hoa kiều sống tại Việt Nam hay từ Hải Nam, cũng như người Hoa kiều từ các nơi qui tụ về đây để làm lễ tưởng niệm, thường thường lễ kéo dài đến ba ngày.
Truyền thống đó vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Có thể nói rằng, bản án của Vua Tự Đức phê chuẩn không những đã minh oan cho nạn nhân của vụ án “Hải tặc” mà còn cho thấy pháp luật Việt Nam nghiêm minh, không phân biệt một ai.
Bản án còn thể hiện được sự sáng suốt của Vua Tự Đức trong chính sách bảo vệ ngoại kiều đến làm ăn, buôn bán với nước ta, làm cho nước ta không bị Trung Quốc có cớ gây khó dễ về mặt chính trị.
Vụ án Phạm Đăng Tuấn
Năm 1872, giặc Pháp ồ ạt đánh chiếm các tỉnh miền Bắc nước ta. Các thành trì của quan quân đa phần đều thất thủ. Do đó, Vua Tự Đức đã triều hồi cử nhân Phạm Đăng Tuấn, đương chức quan Án sát tỉnh Ninh Bình về Huế để nhận án chém.
Nghe báo tin dữ, con gái của Phạm Đăng Tuấn là cô Phạm Thị Tảo mới khoảng 12-13 tuổi đã cuốc bộ từ Diễn Châu (Nghệ An) vào Huế, mang theo lá đơn xin được chết thay cho cha.
Dâng lá đơn lên Vua Tự Đức, hai cha con họ Phạm tưởng sẽ bị Vua chém đầu cả hai. Nhưng thật không ngờ, Vua Tự Đức cảm động trước lòng chí hiếu của cô gái trẻ, đã tha tội chém cho án sát Phạm Đăng Tuấn, nhưng đày ông lên Lạng Sơn.
Chắc chúng ta sẽ nhầm tưởng vì Vua Tự Đức là một người con rất có hiếu đối với mẹ là bà Từ Dũ nên nên lòng chí hiếu của cô gái trẻ đã tác động mạnh đến ông.
Nhưng không, Vua Tự Đức cũng hiểu được là quân triều đình thua, để mất Ninh Bình là do thế lực đôi bên quá chênh lệch, chứ không phải quan dân ta sợ giặc.