Đã có ít nhất 2 lãnh đạo của 2 thành phố lớn nhất nước phản ứng về một số thủ tục khi sắp xếp lại mô hình lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) của Bộ Công thương.
Đặc biệt, gần đây một số tỉnh, thành lại lên tiếng vì cho rằng, Bộ này đã “qua mặt” địa phương khi bổ nhiệm cán bộ làm việc trên chính “sân nhà” họ mà không trao đổi, cơ quan Tổ chức của địa phương không hề hay biết?
|
Lễ bàn giao Chi cục QLTT từ các địa phương về Bộ Công Thương. |
Tính đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã giao quyền Cục trưởng QLTT tại 63 tỉnh, thành. Khá nhiều Ban Tổ chức Tỉnh, Thành ủy bất ngờ trước các quyết định của Bộ này, do nhiều địa phương không được thông báo mà chỉ biết khi… đọc báo!
“Làm như vậy không đúng nguyên tắc”
Tuần qua, mô hình Tổng cục QLTT tiếp tục bị phản ứng khi lãnh đạo chính quyền TP Hồ Chí Minh - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong tỏ ra rất bức xúc vì lý do Tổng cục QLTT tiến hành giao Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh mà Thành ủy và Ban Tổ chức Thành ủy không hề hay biết. Nguồn tin đến tai lãnh đạo thành phố này là từ… báo chí. “Làm như vậy là không đúng nguyên tắc”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nói.
Tiếp đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Yên cũng đã có những phản ứng khá mạnh về việc thành lập Cục QLTT Phú Yên và giao quyền Cục trưởng tại tỉnh này mà không thông báo cho Ban tổ chức Tỉnh ủy. Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Yên nói rằng, cơ quan này không được thông báo về việc thành lập Cục QLTT tỉnh Phú Yên. Đồng thời cũng chưa nhận được văn bản hiệp y, lấy ý kiến của Tổng cục QLTT về việc thành lập đơn vị, bổ nhiệm cán bộ cho đơn vị này ở tỉnh Nam Trung bộ.
Trước đó, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng đã có những phát biểu không đồng tình về việc sáp nhập lực lượng QLTT của Đà Nẵng về Bộ của Bộ Công Thương. Các sở, ngành ở thành phố này bày tỏ họ hoàn toàn bất ngờ về việc Chi cục QLTT địa phương bị sáp nhập về Bộ Công thương. Thậm chí, một lãnh đạo ngành ở Đà Nẵng còn báo cáo, việc sắp xếp lực lượng QLTT theo ngành dọc đã không lấy ý kiến của địa phương, và lập tức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã bức xúc đặt câu hỏi: “Bộ Công thương không nắm rõ quy trình hay Bộ cho rằng đó là quyền của Bộ nên cứ làm?”.
Trước sự phản ứng đồng loạt nói trên, Bộ Công thương mới đây đã ra thông báo cho biết, trong thời gian đợi kiện toàn tổ chức Đảng tại cơ quan Tổng cục và các Cục QLTT địa phương, đồng thời để tránh gián đoạn trong công tác điều hành cơ quan QLTT, Bộ trưởng Công thương tạm thời giao quyền Cục trưởng các Cục QLTT cho đến khi Bộ có quyết định bổ nhiệm chính thức các Cục trưởng QLTT.
Sau khi kiện toàn tổ chức Đảng của lực lượng QLTT, Bộ sẽ tiến hành làm việc với các cấp ủy Đảng và chính quyền các tỉnh, thành về trình tự, thủ tục để bổ nhiệm chính thức các vị trí lãnh đạo của các Cục QLTT .
Giao quyền Cục trưởng không hiệp y có đúng không?
Trong thông báo mới nhất liên quan đến vấn đề giao quyền Cục trưởng các Cục QLTT địa phương, Bộ Công Thương cho hay, ngày 31/10/2018 Ban Bí thư đã đồng ý với mô hình tổ chức Đảng các Cục QLTT địa phương. Vì vậy, thời điểm ngày 12/10/2018, Bộ này chưa thể tiến hành quy trình bổ nhiệm theo quy định.
Sau khi kiện toàn tổ chức Đảng lực lượng QLTT các cấp theo ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để bổ nhiệm chính thức các chức danh lãnh đạo QLTT tại đây. “Việc bổ nhiệm chính thức các chức danh lãnh đạo tại Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tuân thủ tuyệt đối quy định về công tác cán bộ”, thông báo của Bộ này nêu rõ.
Trao đổi với PLVN, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đào - Phó Trưởng khoa Bồi dưỡng Công chức, Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam (Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII) cho biết, quan điểm chung về việc bổ nhiệm cán bộ trong hệ thống cơ quan nhà nước là sự thống nhất về công tác cán bộ, thể hiện đầu tiên ở khâu tổ chức là do Đảng các cấp chuẩn bị, thứ hai mới đến nhu cầu của các ngành sử dụng lao động, thứ ba là bảo đảm được quy hoạch cán bộ (được hiểu về quy hoạch ngành, lĩnh vực, đơn vị hành chính).
TS Đào ví dụ, việc bổ nhiệm Cục trưởng QLTT Hà Nội thì dứt khoát Thành ủy Hà Nội phải chỉ đạo chung về công tác cán bộ, về năng lực cán bộ và tất cả các tiêu chí cơ bản khác. Các ngành đều nằm trong tổng quan quản lý của một địa bàn nên không thể không có sự can thiệp của địa phương. Vì thế, cần có sự phối hợp về quản lý nhà nước giữa ngành với các địa phương. “Dứt khoát phải có sự quản lý của cấp ủy, do đó việc hiệp y với địa phương là điều bắt buộc”, ông Đào khẳng định.
Theo vị này, việc Bộ Công thương tạm giao quyền Cục trưởng là nhu cầu của ngành, là do hiện tại không thể có sự ngắt quãng về mặt lãnh đạo quản lý nên họ được phép giao quyền (trách nhiệm). “Việc tạm giao quyền này của Bộ Công Thương là không sai. Nhưng sau đó, đến quy trình bổ nhiệm chính thức, chắc chắn phải có ý kiến từ cấp ủy địa phương, điều này Bộ phải làm!”, TS Nguyễn Ngọc Đào nói.
Được biết, trong khoản 3, Điều 7, Quy định số 105/QĐ-TW ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử cũng quy định rõ về việc phối hợp trong bổ nhiệm lãnh đạo ngành dọc tại các địa phương. Theo đó, Ban Cán sự Đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải chủ trì, phối hợp, trao đổi ý kiến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy về bố trí, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đình chỉ chức vụ… đối với cấp trưởng, cấp phó của tổ chức ngành dọc công tác và sinh hoạt đảng trên địa bàn tỉnh, thành phố đó.
Như vậy, có thể thấy, việc bổ nhiệm, thậm chí miễn nhiệm cán bộ ngành dọc không chỉ là công việc riêng của Bộ, ngành mà là công tác chung của cả ngành và các địa phương. Dù Bộ Công Thương đã lý giải họ đang “giao quyền” chứ chưa bổ nhiệm Cục trưởng các Cục, nhưng cần nhớ rằng, mô hình Tổng cục QLTT từ ngày công bố, triển khai hoạt động cho đến nay đã, đang vấp phải quá nhiều phản ứng từ dư luận. Bởi hoạt động của lực lượng QLTT luôn gắn chặt với các địa phương, cơ sở mà ngay từ đầu đã vấp phải sự phản ứng từ địa phương, thì liệu mô hình do Bộ đề xuất có hiệu quả, thành công?