Luật sư của bà Hứa Thị Phấn cho rằng việc Viện Kiểm sát đề nghị không thu hồi số tiền 600 tỷ đồng là hoàn toàn có căn cứ.
|
Đại diện Viện Kiểm sát đã tuyên không thu hồi số tiền 600 tỷ đồng ông Phạm Công Danh chuyển vào VNCB để trả nợ cho các hợp đồng tín dụng của nhóm Phú Mỹ của bà Phấn. |
Cuối phiên xử chiều 26/1, luật sư Trương Thị Minh Thơ và luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo, tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà Hứa Thị Phấn.
Luật sư nêu, sáng ngày 22/1/2018, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đã tuyên không thu hồi số tiền 600 tỷ đồng ông Phạm Công Danh đã chuyển vào VNCB trong ngày 3/6/2013 và ngày 28/6/2013 để trả nợ cho các hợp đồng tín dụng của nhóm Phú Mỹ thông qua tài khoản phong tỏa 040.301.00.06666 của bà Hứa Thị Phấn theo Phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín(nay là CB) đã được NHNN chấp thuận, Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Sau đó, cuối buổi sáng và chiều ngày 22/01/2018, các luật sư bào chữa cho ông Phạm Công Danh cũng đã lần lượt tham gia tranh luận, đưa ra nhiều quan điểm để bào chữa cho ông Danh, trong đó có quan điểm cho rằng: nguyên nhân ông Phạm Công Danh gây ra thiệt hại số tiền 6.126 tỷ đồng là xuất phát từ bà Hứa Thị Phấn, từ việc chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín (nay là CB), theo đó các luật sư bào chữa cho ông Danh và ông Danh đề nghị HĐXX thu hồi số tiền 3.600 tỷ thực hiện tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín từ bà Phấn để khắc phục hậu quả cho hành vi vi phạm pháp luật của ông Danh.
Nêu quan điểm đối với đề nghị của VKS, luật sư của bà Phấn cho rằng việc VKS đề nghị không thu hồi số tiền 600 tỷ đồng ông Phạm Công Danh đã chuyển vào VNCB trong ngày 3/6/2013 và ngày 28/6/2013 để trả nợ cho các hợp đồng tín dụng của nhóm Phú Mỹ thông qua tài khoản phong tỏa 040.301.00.06666 của bà Hứa Thị Phấn theo Phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín đã được NHNN chấp thuận là phù hợp với yêu cầu của VNCB và hợp lý hợp tình, hoàn toàn có căn cứ.
Thứ nhất, bà Hứa Thị Phấn không có bất kỳ lời khai nào trong hồ sơ vụ án.
Thứ hai, 8 cá nhân liên quan đến việc sử dụng số tiền 600 tỷ đồng không được triệu tập tham gia phiên tòa.
Thứ ba, các giao dịch giữa ông Phạm Công Danh (Tập đoàn Thiên Thanh), bà Hứa Thị Phấn, Ngân hàng Xây Dựng liên quan đến tái cơ cấu Ngân hàng Xây Dựng không thể khôi phục bằng vụ kiện khác vì các giao dịch này đã được thay thế bởi giao dịch mua lại 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước.
Nếu quyết định thu hồi số tiền 600 tỷ đồng mà ông Danh đã chuyển để tất toán các khoản vay theo Phương án tái cơ cấu VNCB thông qua tài khoản phong tỏa 040.301.00.06666 của bà Hứa Thị Phấn ngày 03/6/2013 và ngày 28/6/2013, thì quyền lợi hợp pháp của bà Phấn sẽ được giải quyết như thế nào?
Theo Đề án tái cơ cấu ngân hàng của Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ ,với nguyên tắc cơ bản là bảo đảm các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật, đồng thời, vai trò và trách nhiệm của NHNN sẽ được xem xét như thế nào trong khi chính NHNN là cơ quan có trách nhiệm giám sát việc thực hiện tái cơ cấu VNCB (bao gồm việc giám sát, kiểm tra nguồn tiền góp vốn, mua ngân hàng) nhưng lại để xảy ra sai phạm, sau đó chính NHNN lại là đơn vị quyết định mua lại VNCB với giá 0 đồng?
Thứ tư, VNCB và ông Danh, Tập đoàn Thiên Thanh mới là người thụ hưởng cuối cùng số tiền 600 tỷ đồng.
VNCB thụ hưởng trực tiếp và cuối cùng 600 tỷ đồng từ việc tất toán dư nợ gốc của 10 hợp đồng tín dụng, cụ thể: Tất toán ngày 03/6/2018 (BL số 5124 Tập 19). (1) HĐTD số 620.006.12/HDTD-NH của Lâm Hứa Quỳnh Trinh. 2) HĐTD số 620.026.11/HDTD-NH của Hứa Hữu Đạt. (3) HĐTD số 620.027.11/HDTD-NH của Nguyễn Thanh Liêm.
Tất toán ngày 28/6/2018 (BL số 5124 Tập 19) (4) HĐTD 040.159.11/HDTD-NH của Ngô Minh Quân. (5) HĐTD 040.145.10/HDTD-NH của Hứa Thị Phấn. (6) HĐTD 620.027.11/HDTD-NH của Nguyễn Thanh Liêm. (7) HĐTD 620.022.11/HDTD-NH của Nguyễn Thị Đoan Trang. (8) HĐTD 620.024.11 HDTD-NH của Nguyễn Hữu Nhĩ. (9) HĐTD số 620.028.11/HDTD-NH của Nguyễn Đỗ Nguyên. (10) HĐTD 040.231.11/HDTD-NH của Trần Hạnh Trang.
Tại phiên tòa khi trả lời các câu hỏi của HĐXX và sáng ngày 13/01/2018 khi trả lời câu hỏi Luật sư Phan Trung Hoài, ông Phan Thành Mai nhiều lần xác nhận: một trong ba dòng tiền mà VNCB có được đem gửi 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV.
Trong đó có dòng tiền 3.600 tỷ đồng mà ông Danh trả cho bà Phấn để tất toán 29 khoản vay theo phương án tái cơ cấu VNCB, trong đó có 600 tỷ đồng được cho là có nguồn gốc từ TPBank mà ông Danh đã chuyển cho VNCB thông qua tài khoản phong tỏa 06666 của bà Phấn để tất toán dư nợ gốc của 10/29 khoản vay.
Hiện nay các tài sản thế chấp của 10 khoản vay được tất toán bằng 600 tỷ đồng này vẫn chưa được VNCB giải chấp vì vẫn còn nợ lãi.
Thứ 5, 600 tỷ đồng mà Phạm Công Danh chuyển vào TK phong tỏa 06666 của bà Hứa Thị Phấn không phải là “vật chứng” của vụ án để thu hồi, xử lý.
Vì đây chỉ là số dư tài khoản thể hiện trạng thái ghi Nợ - ghi Có của tài khoản ông Danh, bà Phấn. Thay vào đó, phương tiện thể hiện trạng thái giao dịch ghi Nợ, ghi Có 600 tỷ đồng trên các tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh, ông Danh, bà Phấn, VNCB như máy móc, thiết bị hoặc sổ phụ, sao kê tài khoản ghi nhận 600 tỷ đồng được hạch toán mới là đối tượng trở thành vật chứng để xử lý.
Hơn nữa, qua quá trình khởi tố, điều tra và truy tố thì số tiền 600 tỷ đồng này không được xác định là vật chứng của vụ án, không áp dụng quy trình thu hồi, bảo quản vật chứng theo quy định của BLTTHS, cũng như 600 tỷ đồng này không thuộc phạm vi phải xử lý “Vật chứng của vụ án” được xác định tại Trang 108 của Cáo trạng 83/Ctr-VKSTC-V3 ngày 23/11/2017.
Thứ sau, 600 tỷ đồng không phải “tiền do phạm tội mà có”.
Số tiền TPBank giải ngân cho 11 công ty, trong đó có 4 công ty liên quan đến số tiền 600 tỷ là nguồn tiền độc lập của TPBank và việc TPBank cho 11 công ty vay không phải là hành vi vi phạm pháp luật vì không có thiệt hại nên không cấu thành tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Do vậy, không có căn cứ để xác định số tiền 600 tỷ đồng là “tiền do phạm tội mà có” để thu hồi.
Thứ bảy, nếu thu hồi số tiền 600 tỷ đồng từ bà Phấn thì việc thi hành án không khả thi do hiện trạng sức khỏe của bà Phấn.
Với hiện trạng sức khỏe đã mất khả năng lao động, mọi sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của bà Phấn đều phụ thuộc hoàn toàn vào người khác và thiết bị y tế hỗ trợ bà Phấn không có khả năng để lao động tạo thu nhập.
Vấn đề đặt ra: Nếu thu hồi số tiền 600 tỷ đồng từ bà Phấn do ông Danh đã chuyển vào VNCB để thanh toán nợ cho 10 khoản vay theo Phương án tái cơ cấu thông qua tài khoản phong tỏa 06666 của bà Phấn ngày 03/6/2013 và ngày 28/6/2013, thì bà Phấn vừa phải trả nợ cho VNCB đối với 10 khoản vay 2 lần vừa phải bán hơn 84% cổ phần ngân hàng và 4 nhóm tài sản khác cho Tập đoàn Thiên Thanh với giá 0 đồng. Để sau đó Tập đoàn Thiên Thanh tiếp tục bán lại toàn bộ các tài sản này cho NHNN với giá 0 đồng.
Cuối cùng người bị thiệt hại vì mất toàn bộ tài sản chính là bà Phấn. Như vậy, các giao dịch mua bán tài sản với giá 0 đồng này liệu có đảm bảo được nguyên tắc cơ bản khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngân hàng theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật hay không? Luật sư của bà Phấn nói.