Những ngày vừa qua trên các trang mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin (chưa được kiểm chứng) về việc cá nhân được nhận tiền thưởng từ việc cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm trật tự an toàn giao thông cho cơ quan chức năng, trong đó có những trường hợp nhận được tiền thưởng lên đến hàng chục triệu đồng. Vây cơ sở pháp lý của vấn đề này được quy định như thế nào? Luật sư Vũ Thị Thu Hường - Công ty luật TNHH E&D, Đoàn luật sư TP Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật Plus về vấn đề được dư luận quan tâm.
|
Luật sư Vũ Thị Thu Hường - Công ty luật TNHH E&D, (Đoàn Luật sư Hà Nội). |
* Xin Luật sư cho biết hiện nay quy định của pháp luật về việc “thưởng” cho cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm trật tự ATGT cho cơ quan chức năng” được quy định cụ thể như thế nào?
- Nghị định số: 176/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 quy định về quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, trong đó quy định Bộ Công an là một trong các đơn vị được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước (điểm a, khoản 1 Điều 2).
Kinh phí Bộ Công an được sử dụng dùng để chi cho rất nhiều hạng mục, trong đó tại khoản 11, Điều 5 có quy định nội dung chi: “Hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, ATGT”.
“Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, ATGT của 01 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/01 vụ, việc” (Khoản 3 Điều 7).
Xét về bản chất, đây là tiền hỗ trợ do Bộ Công an chi cho cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, ATGT, mà hiện nay trong xã hội cứ gọi nôm na, dân dã là “tiền thưởng”.
Tuy nhiên, hiện tại cơ chế cụ thể về việc chi trả tiền cho người cung cấp thông tin vi phạm giao thông. Gần đây đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết các cơ quan liên quan sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực thi, quy định cụ thể cơ chế chi trả và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung.
* Vậy khi cá nhân, tổ chức phát hiện hành vi vi phạm hành chính về trật tự, ATGT thì phải cung cấp thông tin như thế nào và cung cấp đến đâu, thưa luật sư?
- Khoản 1 Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về Cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật như sau:
“1. Dữ liệu do cá nhân, tổ chức thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cung cấp cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt bằng một trong các hình thức sau:
a) Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền hoặc hiện trường xảy ra vụ việc để cung cấp;
b) Thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng;
c) Dịch vụ bưu chính;
d) Kết nối, chia sẻ dữ liệu”.
Và Điều 25 Thông tư số 73/2024 của Bộ Công an quy định về thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính như sau:
“1. Đơn vị Cảnh sát giao thông thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu (thông tin, hình ảnh) gồm:
a) Cục Cảnh sát giao thông;
b) Phòng Cảnh sát giao thông;
c) Đội Cảnh sát giao thông, trật tự thuộc Công an cấp huyện.
2. Đơn vị Cảnh sát giao thông quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thông báo công khai địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị, thông tin về cài đặt, sử dụng App VNeTraffic để cá nhân, tổ chức biết cung cấp thông tin; tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu (thông tin, hình ảnh)”.
Như vậy khi cá nhân, tổ chức phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm vi phạm hành chính về trật tự, ATGT thì có thể đến trực tiếp trụ sở của Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông; Đội Cảnh sát giao thông, trật tự thuộc Công an cấp huyện theo địa điểm được các đơn vị này công bố công khai để cung cấp thông tin, dữ liệu. Hoặc có thể bằng hình thức gửi thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng; hoặc qua Dịch vụ bưu chính; Kết nối, chia sẻ dữ liệu hoặc qua ứng dụng App VneTraffic.
* Gần đây xảy ra một số vụ án có nguyên nhân do va chạm giao thông cũng khiến dư luận tâm tư về sự an toàn cho người cung cấp thông tin vi phạm giao thông. Xin hỏi luật sư hiện nay pháp luật có quy định về cơ chế bảo vệ người cung cấp thông tin như thế nào?
- Việc bảo mật thông tin cho người cung cấp thông tin vi phạm giao thông là rất cần thiết, nếu việc bảo mật thông tin không tốt, dễ dẫn tới việc người cung cấp thông tin bị quấy nhiễu, trả thù.
Tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu được:
“b) Bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;
c) Yêu cầu cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu đã cung cấp”
Theo quy định trên, danh tính và các thông tin liên quan của người cung cấp thông tin sẽ được bảo mật. Các thông tin cung cấp chỉ được sử dụng cho mục đích xử lý vi phạm, không sử dụng ngoài phạm vi pháp luật cho phép. Người cung cấp thông tin được pháp luật bảo vệ khỏi bất kỳ hành vi trả thù hoặc đe dọa nào từ phía các đối tượng bị phản ánh.
Nếu người cung cấp thông tin gặp phải khó khăn, đe dọa hoặc bị xâm phạm quyền lợi, họ có thể khiếu nại hoặc tố cáo đến cơ quan công an hoặc các cơ quan bảo vệ pháp luật.
* Vậy Luật sư có thể tư vấn cho người cung cấp thông tin cần phải làm sao để đạt hiệu quả bảo vệ pháp luật mà tránh vướng vào những vấn đề rắc rối khác?
- Để đạt hiệu quả trong việc cung cấp và sử dụng thông tin được cung cấp, theo tôi người cung cấp thông tin cần phải trung thực, thận trọng và chú ý các nội dung sau:
- Người dân chỉ nên cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông qua các kênh chính thức như: ứng dụng VneTraffic, cổng thông tin của Bộ Công an, hoặc các đơn vị CSGT địa phương...
- Thông tin phải đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan và không vi phạm quyền riêng tư của người khác.
- Không được tùy tiện thu thập thông tin cá nhân gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân vì đây lại là hành vi vi phạm pháp luật.
- Việc ghi lại hình ảnh của người khác chỉ được phép thực hiện mà không cần xin phép nếu có căn cứ cho thấy, người đó đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và việc ghi hình nhằm mục đích để đảm bảo an toàn, lợi ích công cộng. Pháp luật nghiêm cấm việc tùy tiện ghi hình người tham gia giao thông, lưu trữ thông tin hình ảnh đó để sử dụng vào các mục đích trái pháp luật.
- Những hành vi cung cấp thông tin giả mạo cho lực lượng chức năng sẽ tùy theo mức độ sẽ bị bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
* Vâng, xin cảm ơn luật sư