Gần đây, nguồn văc-xin dịch vụ 5in1 (Pentaxim) và 6in1 (Infanrix Hexa) liên tục khan hiếm dẫn đến hiện tượng loạn dịch vụ cung cấp vắc-xin tiêm chủng.
Bát nháo thị trường xuất ngoại đi tiêm chủng
Cung không đáp ứng đủ cầu dẫn đến thực trạng nở rộ việc kinh doanh dịch vụ tiêm chủng loại vắc-xin này. Khi tất cả các điểm tiêm chủng dịch vụ trong cả nước đều treo biển hết vắc-xin, thì dịch vụ đưa người đi Singapore, Malaysia, Hong Kong để tiêm chủng bắt đầu diễn ra nườm nượp.
Khảo sát Phapluatplus tại thị trường Singapo, một mũi tiêm 5 in 1 (Pentaxim) có giá dao động từ 60 – 80 USD, 6 in 1 (Infanrix Hexa) là từ 70 - 90 USD tùy theo địa điểm cung cấp dịch vụ là các phòng khám tư nhân hay bệnh viện.
Để được tiêm phòng, các bé buộc phải khám bệnh với chi phí 1,6 triệu đồng/người trước khi tiêm. Giá sinh hoạt phí ở Singapore khá đắt đỏ, thông thường nếu ăn uống, thuê nhà tiết kiệm, cộng với tiền vé máy bay hết khoảng 8 triệu đồng. Chưa kể đến việc các gia đình phải trả số tiền 1 triệu đồng/bé cho các đơn vị dẫn tour.
Các tour đi Malaysia và HongKong tiêm chủng cũng có giá cũng tương tự. Gần đây, để tiết kiệm thời gian cho khách hàng, đơn vị kinh doanh tour còn tổ chức ra nước ngoài trong vòng một ngày (sáng đi chiều về) hoặc trong vòng 03 ngày.
|
Vắc-xin 5in và 6in1 liên tiếp khan hiếm trong nhiều năm nay |
Thậm chí, gần đây còn xuất hiện thêm điểm tiêm tại thành phố Bavet (Campuchia) bên kia cửa khẩu Mộc Bài và Amslo (Campuchia) bên kia cửa khẩu Vĩnh Xương thuộc tỉnh An Giang. Phần lớn trẻ em đến đó tiêm chủng đều là người Việt Nam, với số lượng khoảng 600 bé /ngày.
Giá tiêm ở các cửa khẩu Viêt Nam – Campuchia rẻ hơn, thường dao động từ 2,5 -3,5 triệu đồng/mũi không kể phí đưa đi.
Vắc-xin đang ở đâu?
Có thể thấy, việc đưa con ra nước ngoài tiêm phòng là hết sức tốn kém và không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Vậy vắc-xin đang ở đâu khi các nhà cung cấp tại Việt Nam luôn lắc đầu không có nguồn hàng mà các phòng mạch tư nhân trong Nam, ngoài Bắc vẫn luôn “sẵn hàng” vắc-xin với giá tiêm “trên trời” dao động từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/mũi?
Khi tìm hiểu về nguồn gốc của hàng thì câu trả lời chỉ là sự im lặng khó hiểu. Bằng kênh thông tin riêng chúng tôi được biết các mặt hàng vắc-xin xách tay vẫn được chuyển về từ Malaysia, Singapore, Campuchia về Việt Nam qua đường hàng không và đường buôn lậu, có ngày lên đến gần 500 liều. Thực tế, vừa qua, tại một số cửa khẩu quốc tế, cơ quan công an cũng đã bắt giữ được nhiều lô vắc-xin xách tay lậu vào Việt Nam.
Điều đáng nói là các lọ vắc-xin này chỉ được bảo quản sơ sài trong các hộp xốp bỏ đá.
Theo quy định của Bộ Y tế, vắc-xin nhập khẩu vào Việt Nam trước khi đưa ra thị trường đều phải qua kiểm định từ 2 - 3 tuần.
Một bác sỹ tên H. và ông Vũ Hùng - một trong những người tham gia đường dây vận chuyển vắc-xin từ Malaysia trả lời tỉnh bơ rằng: "Tất cả các mặt hàng này đều được cơ quan kiểm định của các nước đó kiểm định rồi. Tổng cộng thời gian họ mua tại các điểm tiêm chuyển về đến Việt Nam chỉ mất vẻn vẹn 3 tiếng đồng hồ nên không lo về chất lượng".
|
Hình ảnh thường thấy ở các Trung tâm tiêm chủng. Ảnh: Internet |
Ngoài thừa, trong thiếu
Ở các nước khác, việc tiêm chủng mở rộng thường sử dụng các loại 4 in 1 ,5 in 1 và 6 in 1 nên các hãng sản xuất chỉ sản xuất đủ để cung cấp cho nước đó theo số lượng đặt hàng trên hợp đồng. Chỉ khi nào thị trường đó thừa vắc-xin, họ mới bán lại sang các nước khác không kí hợp đồng như Việt Nam. Chính vì vậy, nguồn cung luôn không ổn định và số lượng vắc-xin mua được rất ít.
Hơn nữa, giá vắc-xin ở Việt Nam là do cơ quan quản lý áp dụng. Chính vì vậy, khả năng nhiều công ty kinh doanh mặt hàng này có sự quan hệ với các đối tác để nhập khẩu với chi phí cao hơn gấp từ 2 - 3 lần giá của nhà sản xuất đưa ra. Dẫn đến tình trạng nhập lậu, bán đội giá hoặc không tìm cách nhập khẩu các loại vắc-xin này mặc dù thị trường khan hiếm.
Nên chăng Nhà nước cần có những chính sách điều chỉnh giá và các giải pháp phù hợp khác để tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp có khả năng khác đều có thể nhập vắc-xin để cung ứng cho thị trường?