Những cây chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi hàng thiên nhiên kỷ được ví như những “báu vật” của đồng bào vùng cao, chúng là những nguồn gen quý cần được bảo tồn. Song, thực tế mặc dù nhiều địa phương đã nỗ lực tìm hướng chăm sóc, bảo vệ nhưng hiệu quả mang lại chưa thực sự như mong đợi.
Shan tuyết có nghĩa là “tuyết trên núi”. Lá chè, búp chè được phủ một lớp nhung trắng như tuyết. Đây là đặc điểm mà không giống chè nào trồng ở các vùng trung du và đồng bằng có được. Chúng có duy nhất ở một số ít địa phương có độ cao trên 1000 mét so với mực nước biển như một số tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu…
Anh Triệu Văn Mềnh (SN 1982) – Giám đốc Công ty TNHH Chè Việt Shan có cơ sở sản xuất tại xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) bảo rằng, anh biết làm chè từ khi mới 15 tuổi. Cả tuổi thanh xuân của anh gắn liền với cây chè tuyết, đã hơn nửa đời người anh chỉ nghĩ làm sao để đưa thương hiệu của loại chè này ra thế giới, tạo sinh kế cho đồng bào địa phương. Đến nay, ước mong đưa thương hiệu chè vươn ra toàn cầu đã trở thành hiện thực, nhưng ngặt nỗi anh vẫn đau đáu về việc rất nhiều cây chè giờ đây đang có dấu hiệu chết dần mà không có giải pháp.
Trò chuyện một hồi xong, anh Mềnh bảo tôi ngồi lên xe máy rồi chở men theo đường mòn lên lưng chừng núi. Vừa đi, anh vừa chỉ tay và bảo rằng ở vùng này, có duy nhất vườn chè của gia đình ông Hoàng Sùn Hiang ở thôn Nậm Piên (xã Nậm Ty) được gắn biển cây chè di sản. Trên biển trước đây có ghi rõ “quần thể 20 cây chè”, nhưng thực tế giờ đây đã có nhiều cây chết, không còn đủ số lượng cây ghi trên bia nữa.
Ông Hiang tiếp chuyện chúng tôi trong căn lều tềnh toàng, ông bảo trước đây khi gia đình có 20 cây chè được cắm biển vẫn thi thoảng có du khách đến chụp ảnh ở khu vực lán này. Nhưng giờ cây lớn nhất ngay cạnh biển đã khô, khách cũng dần vắng bóng.
“Cả vườn chè nhà tôi tính ra cũng khoảng gần 400 cây, tuổi thọ ít cũng 300 năm tuổi, được quy hoạch là chè hữu cơ, hàng năm không phun bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật. Sạch thì có sạch đấy, nhưng buồn nỗi nhiều cây chè cứ mắc bệnh rồi chết dần. Có cây thì khô cành, cây bị sâu đục thân, vùng này nhiều nhà bị như thế, dân không có cách nào để chữa trị cho chè”, ông Hiang rầu rĩ nói.
Chị Hoàng Mùi Chiều, ở thôn Nậm Piên (xã Nậm Ty) kể ra cũng là một cô gái có tình yêu đặc biệt với chè shan tuyết, sau 4 năm học Đại học, Chiều về cùng bố mẹ làm chè với ước mong đưa cuộc sống khốn khó của đồng bào đi lên từ cây chè cổ thụ. Nhưng giờ cũng đau đầu vì những năm gần đây gia đình đã mất khoảng 60 cây do chết một cách không rõ nguyên nhân.
Anh Triệu Văn Mềnh cho biết, cây chè cổ thụ thường có giá cao hơn nhiều so với các sản phầm chè được trồng ở vùng trung du và đồng bằng. Chè shan tuyết tươi được cơ sở của anh mua phân theo từng loại như: chè 1 tôm (bạch trà), chè 1 tôm 1 lá, 1 tôm 2 lá…giá từ 20- 60 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập tốt cho người trồng chè.
Thôn Phia Chang, xã Sơn Phú, huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) cách trung tâm thị trấn Na Hang chừng 30km, do địa hình cao nên bản làng người Dao đỏ quanh năm mây phủ. Cũng bởi thế, mà chè shan tuyết vùng này có giá trị đặc biệt, được người thưởng trà coi là sản phẩm chất lượng.
Anh Triệu Văn Sính – Trưởng thôn Phia Chang cho rằng, số cây chè cổ thụ ở thôn có thể còn nhiều hơn so với con số mà nghành nông nghiệp địa phương thống kê. Song, giá trị cây chè còn bấp bênh, những năm trước vẫn có tình trạng người dân chặt bỏ cây chè để canh tác cây trồng khác. Tuy nhiên, chè vẫn đóng vai trò là thu nhập ổn định nên đa số người dân duy trì chăm sóc loại cây này theo phương pháp truyền thống là đốn ngọn.
Yên Bái, vùng đất Tây Bắc hùng vĩ với nhiều giai thoại về cuộc sống con người và cây chè shan tuyết cổ thụ. Ông Sổng A Nủ, trú ở thôn Giàng B, xã Suối Giàng cho biết: “Nhà tôi có khoảng hơn 1ha chè shan tuyết, năm 2018, một tổ chức nước ngoài có hỗ trợ gia đình mua lưới B40 rào xung quanh để bảo vệ vườn chè không cho gia súc ra vào. Tuy nhiên, hiện nay đau đầu nhất là nhiều cây chè cứ khô cành, rồi chết dần. Mỗi năm chết khoảng 6-7 cây chè mà chưa có giải pháp khắc phục”.
Ông Giàng A Súa – Giám đốc Công ty TNHH Sổng Gia Trà chia sẻ: “Năm nay sản lượng chè ở địa phương giảm đáng kể, phần do thời tiết, phần do nhiều cây chè chết khô”.
Theo ông Súa, nhiều tổ chức, đơn vị cũng đã phối hợp với công ty của ông sử dụng các biện pháp bảo vệ và chăm sóc chè. Trong đó có rào lưới B40, trồng cây tạo bóng mát cho chè nhưng hiệu quả mang lại vẫn không đáng kể.
Theo UBND huyện Na Hang, thời gian qua địa phương này đã phối hợp với các nghành chức năng của tỉnh điều tra, khảo sát cây chè shan tuyết đủ điều kiện, tiêu chuẩn cây đầu dòng, lập hồ sơ trình Sở NN&PTNT và đã được cấp Giấy chứng nhận 4 cây shan tuyết đầu dòng cho một HTX tại xã Sơn Phú. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng 1 vườn ươm với khoảng 30 vạn cây chè giống cho HTX này. Kết quả, đã cải tạo được 116ha chè, tổ chức được 3 buổi hướng dẫn kỹ thuật cho 5 HTX, 1 doanh nghiệp và 80 lượt hộ dân tham gia, phối hợp với các Sở, nghành của tỉnh tổ chức được 3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè/145 học viên… |
Trò chuyện với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Sùng Văn Dìn – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) khẳng định, chuyện những cây chè cổ thụ chết là có. Hiện nay, trên địa bàn xã có 4/8 thôn được các tổ chức, doanh nghiệp khoanh vùng bảo vệ để thu mua sản xuất. Hàng năm, xã cũng phối hợp với Trung tâm khuyến nông huyện, trường dạy nghề…mở lớp đào tạo ngắn hạn hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc cây chè nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa hoàn toàn được như mong đợi.
Ở huyện Na Hang (Tuyên Quang), chính quyền địa phương cũng không ngừng đi tìm giải pháp để bảo vệ cây chè shan tuyết. Ông Hà Văn Đức – Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho hay, ngoài nỗ lực nâng cao giá trị cây chè, địa phương đang mong muốn phát triển du lịch gắn với bảo tồn chè shan tuyết. Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chỉ đang là ý tưởng.
Theo ông Đức, thống kê của UBND xã Sơn Phú tính đến tháng 9/2023, toàn xã có tổng số 109 cây chè cổ thụ và có một Hợp tác xã (HTX) sản xuất.
Trao đổi về công tác quản lý cây chè shan tuyết cổ thụ, ông Vi Ngọc Quý – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho hay: “Thời gian qua, huyện thường xuyên có văn bản chỉ đạo các xã có cây chè cổ thụ như: Sơn Phú, Hồng Thái, Sinh Long…quản lý chặt chẽ cây chè cổ thụ và mở các lớp tập huấn người dân chăm sóc chè theo hướng hữu cơ”.
Ông Trần Ngọc Thanh – Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang) cho biết, Sở đã nhiều lần phối hợp với các huyện: Na Hang, Lâm Bình…bàn về công tác bảo vệ và phát triển cây di sản, cụ thể là cây chè. Thậm chí, cũng có hướng dẫn về từng địa phương.
Ở địa phương là “thủ phủ” chè shan tuyết Yên Bái, ông Phạm Nguyên Bình – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Văn Chấn cho biết, nơi nhiều chè cổ thụ nhất cả tình là Suối Giàng, năm nay xã này còn tổ chức cả lễ hội chè nhằm mục đích phát triển loại cây này gắn với thu hút du lịch.
Theo ông Bình, hàng năm chính quyền và các nghành địa phương thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo bà con nhân dân phát dọn vườn chè, vệ sinh gốc, không sử dụng thuốc hóa học. Hiện, huyện đang phối hợp với Sở khoa học và Công nghệ đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề tài cấp quốc gia về bảo tồn và phát triển chè shan tuyết cổ thụ.
Nói về vấn đề nan giải trên, ông Lường Văn Tâm – Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết: “Chính quyền xã thậm chí còn phối hợp với nhân dân tìm, diệt tổ mối bằng phương pháp thủ công và đốn ngọn để diệt sâu ăn lá, rất tốn công nhưng hiệu quả mang lại chưa thực sự triệt để”.
Bước chân rời những triền núi với bạt ngàn chè cổ thụ, chúng tôi đau đáu nghĩ về lời chia sẻ như trút hết nỗi lòng của bà Triệu Thị Phin (SN 1956) ở thôn Phia Chang, xã Sơn Phú: “Với người dân chúng tôi, cây chè không đơn thuần là một loài cây nữa mà là những người bạn từ thuở ấu thơ, chúng chứng kiến và cùng chúng tôi lớn lên, khi chúng chết người dân chúng tôi cũng đau lắm”.
Nội dung: Phàn Giào Họ Kỹ thuật, đồ họa: Gia Phan. |