Liên quan đến những nội dung kiến nghị của hộ gia đình bà Bùi Thị Lan cũng như các hộ dân liên quan, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản số 2266/UBND-TD3 về việc giải quyết kiến nghị của bà Bùi Thị Lan, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long và các hộ dân liên quan. Qua đó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hạ Long, chỉ đạo các phòng, ban chức năng nghiên cứu nội dung kiến nghị của công dân (nếu có tình tiết mới); Khẩn trương thực hiện Văn bản số 846/UBND-TD3 ngày 13/4/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết kiến nghị trên. Thời gian báo cáo kết quả giải quyết với Chủ tịch UBND tỉnh, phúc đáp Thanh tra Bộ Công an; chủ động thông tin, trả lời công dân trong tháng 8/2023.
"Dự án treo" 20 năm trên đất của dân?
Sau nhiều năm Dự án vẫn là một bãi đất ngổn ngang, cỏ mọc um tùm và được chủ đầu tư quây tôn, hàng chục hộ dân vẫn hàng ngày mòn mỏi "cõng" đơn kiến nghị giải quyết gửi tới các cơ quan chức năng TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. "Kết quả mà chúng tôi nhận được là những lời hứa giải quyết của lãnh đạo cấp trên chỉ đạo lãnh đạo cấp dưới và cuối cùng vụ việc được lãnh đạo UBND TP Hạ Long giao cho Công an TP Hạ Long", theo lời của đại diện các hộ dân.
Từ khi Dự án được phê duyệt, toàn bộ khu đất của người dân vướng hàng loạt các vấn đề liên quan đến công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng không được triển khai bởi sự phản ứng cũng như không đồng thuận với các phương án bồi thường mà phía cơ quan chức năng địa phương ban hành.
Từ khi dự án được phê duyệt đến nay đã 20 năm, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Hạ Long đã ban hành hàng loạt các Quyết định điều chỉnh dự an. Cụ thể, ngày 30/05/2003 UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định số 1688 /QĐ-UB về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng – Kinh doanh khu đô thị Nam Ga Hạ Long, Thành phố Hạ Long. Ngày 26/8/2003, tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 2898/QĐ-UB giao cho Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng Bộ Xây 637.199,6m2. Theo đó, diện tích giao để xây dựng Khu đô thị: 539,054,4m2; thời gian sử dụng lâu dài, riêng diện tích hệ thống kỹ thuật hạ tầng, sau khi thi công xong bàn giao cho địa phương quản lý.
Tiếp đó, ngày 05/4/2005, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 972/QĐ-UB về việc phê duyệt, điều chỉnh bổ sung dự án; Ngày 15/9/2005, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 3541/QĐ-UBND điều chỉnh ranh giới diện tích giao đất từ 637.199,6m2 xuống còn 396.077m2.
Theo nội dung đơn thư trình bày của các hộ dân, Dự án Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Hạ tầng khu đô thị Nam Ga Hạ Long, TP Hạ Long được UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 1688/QĐ-UBND phê duyệt, chủ đầu từ là Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng - Bộ Xây dựng. Tại khoản 6, điều 1 Quyết định này có nêu rõ thời gian thực hiện từ năm 2003 - 2005.
Tuy nhiên, ngày 15/7/2016 UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ban hành Quyết định số 2207/QĐ-UBND, do ông Đặng Huy Hậu - PCT UBND tỉnh ký "về việc điều chỉnh ranh giới, diện tích, cơ cấu sử dụng đất và giao đất cho Tổng Công ty Licogi - CTCP để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng khu Đô thị mới Nam ga Hạ Long tại các phường Hà Khẩu, Giếng Đáy, Hùng Thắng, TP Hạ Long".
Như vậy đã qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, diện tích GPMB thuộc phường Hùng Thắng của Dự án giảm từ 170.291,80m2 xuống còn lại là 32.580,8m2. Dù diện tích giảm tới hơn 5 lần nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn diễn ra khó khăn bởi những mâu thuẫn của người dân với tổ công tác bồi thường GPMB.
Điều đáng nói là, người dân ở khu vực này sẵn sàng bàn giao đất nếu đây là dự án giao thông hay phục vụ các mục đích quốc gia, công cộng khác. Còn dự án này là dự án kinh doanh khu đô thị, một dự án được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư là LICOGI 2 nhưng lại không đền bù phù hợp nên gây ra bức xúc của dân cư nơi đây.
"Đến nay đã 20 năm Dự án này vẫn đang là khu đất trống, cỏ mọc um tùm và được quây tôn quanh năm, đất của người dân không được sử dụng, không thể xây dựng vì liên quan đến dự án, khiến chúng tôi vô cùng bức xúc", đại diện các hộ dân chia sẻ.
Quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng?
Ngày 15/1/2018 UBND tỉnh Quảng Ninh ra thông báo về việc gia hạn thực hiện dự án Khu đô thị Nam Ga Hạ Long do công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng LICOGI 2 thực hiện, trong Thông báo này nêu rõ LICOGI 2 phải phối hợp cùng với UBND thành phố Hạ Long hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 30/7 và thi công hoàn thiện hạ tầng trước ngày 30/9/2018.
Tưởng chừng như sự việc được giải quyết một cách thấu đáo và quyền lợi hợp pháp của các hộ dân được đảm bảo. Tuy nhiên, Dự án đã vấp phải những phản ứng gay gắt từ phía các hộ dân liên quan đến công tác bồi thường thu hồi đất. Các hộ dân cho rằng và khẳng định đơn vị có chức năng giải phóng mặt bằng đã “coi thường” dân, không đo thực địa mà tự áp diện tích để đền bù. Trong quá trình đo đạc, xác minh nguồn gốc đất UBND phường Hùng Thắng đã tự ý làm mà không hỏi ý kiến người dân.
Cùng với đó, theo nội dung đơn thư gửi tới cơ quan báo chí, đại diện các hộ dân nêu rõ "việc thu hồi đất ở khu đô thị của dân nhưng không bồi thường về đất, nhà ở và tài sản gắn liền trên đất. Cụ thể, không căn cứ vào diện tích đất theo quy hoạch năm 1992 và diện tích đất được đo theo hiện trạng sử dụng đất, diện tích đất theo bản đồ địa chính được xác lập năm 1998 mà chỉ hỗ trợ với diện tích 55m2/ô (thửa đất) với giá 7.530.000đ (Người dân mua đất theo quy hoạch năm 1992, mỗi ô đất có diện tích 115m2, giá đất là thoả thuận về giá", nội dung đơn nêu.
"UBND TP Hạ Long cưỡng chế, thu hồi 22 thửa đất của 21 hộ dân khi ban giải phóng mặt bằng chưa đo, xác định diện thích đất theo hiện trạng sử dụng đất của từng hộ dân, chưa xác định đất của dân là loại đất gì? thu hồi đất ở đô thị nhưng không bồi thường về đất và tài sản gắn liền trên đất, không bố trí đất ở cho người đủ điều kiện được bố trí đất ở tái định cư và không có đất ở nhà ở chỗ nào khác. Đây là việc làm trái quy định của pháp luật về đất đai, trái với chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước", đại diện các hộ dân nhấn mạnh.
Liên quan đến những kiến nghị nêu trên, phóng viên Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Hạ Long, tại buổi làm việc, vị Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Hạ Long đã cung cấp cho phóng viên hàng loạt các Biên bản xác định danh giới, mốc giới và diện tích thửa đất giải phóng mặt bằng (theo hiện trạng sử dụng đất), Dự án KĐT Nam ga Hạ Long khu vực phường Hùng Thắng có các chữ ký của các hộ dân. Bên cạnh đó, vị Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Hạ Long cũng cho biết, diện tích đất đó người dân không ở đó mà ở nơi khác.
Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng tại thời điểm đó người dân được gọi lên để ký xác nhận việc việc khu đất của mình giáp danh với các hộ liền kế chứ không phải ký xác nhận về việc xác định diện tích đất theo hiện trạng sử dụng đất của từng hộ dân. "Tôi được gọi lên để ký vào biên bản, biên bản đó, tôi cũng như các hộ dân khác ký xác nhận về việc diện tích đất của chúng tôi giáp ranh với đất của ai, xác định các hộ liền kề với đất của chúng tôi, chứ không thế là căn cứ để xác định hiện trạng sử dụng đất của từng hộ dân để làm căn cứ lên phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân chúng tôi khi thu hồi đất được", bà Bùi Thị Lan bức xúc nói.
Trước việc nộp tiền để được bàn giao đất ở, nhưng các hộ dân này không ở đó mà ở nơi khác theo như lời của vị lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất nêu, đại diện các hộ dân khẳng định, tại thời điểm nộp tiền mua đất để ở, nhưng do cơ sở hạ tầng không được hoàn thiện khiến cho các hộ dân không thể chuyển đến sinh sống ổn định trên diện tích đất đã mua. Tuy nhiên, các hộ dân này vẫn hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đất hàng năm đối với nhà nước và có hoá đơn chứng từ cụ thể để chứng minh.
Hóa đơn:
"Thời điểm năm 1992 để mau được đất làm nhà ở ổn định chúng tôi phát rất vất vả, tích cóp được số tiền là rất khó khăn, gia đình tôi còn phải làm đơn xác nhận từ phía cơ quan công tác xác nhận cho việc không có đất ở ổn định, để mua đất. Được cơ quan xác nhận sau đó chúng tôi cầm xác nhận đó nộp cho chính quyền địa phương và được chấp thuận mới nộp số tiền 3 triệu để có đất xây nhà, nhưng sau đó việc san gạt, tôn tạo hoàn thiện cơ sở hạ tầng để cho các hộ dân vào ở không hoàn thiện, khiến chúng tôi không thể ra đó xây dựng làm nhà, sau nhiều năm sau thì Dự án làm vào khiến cho đất của chúng tôi bị "nhốt" hàng chục năm và đến nay công tác bồi thường cho chúng tôi vẫn chưa thực hiện một cách thoả đáng", bà Bùi Thị Lan cho hay.
"Đất của chúng tôi mua và có hoá đơn chứng từ về việc hoàn thành các nghĩa vụ nộp thuế đất hàng năm đối với Nhà nước từ thời điểm mua đất đến nay, đó là một trong những căn cứ cơ bản nhất việc việc chứng minh nguồn gốc đất mà chúng tôi sử dụng và có trách nhiệm nghĩa vụ với Nhà nước về diện tích đất đó", ông Trần Xuân Thiều, một trong số những người đại diện cho các hộ dân đưa ra quan điểm.
Trước nội dung sự việc, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản chỉ đạo lãnh đạo UBND TP Hạ Long tiến hành giải quyết, báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan trong tháng 8/2023. Tuy nhiên, đến nay, đại diện các hộ dân khẳng định vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo cũng như phương án giải quyết vụ việc, theo chỉ đạo.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin diễn biến sự việc!.
Tags: