Bà Lý Thị Cú (ngụ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) là bị đơn trong vụ án dân sự đã qua 4 lần xét xử và kéo dài 11 năm, nhưng đến nay vẫn chưa xong do Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM…
|
Bà Cú phản ánh vụ việc với phóng viên. |
Một vụ án, nhiều phiên xử
Năm 1986, bà Cú lấy chồng là ông Sáng và được bố mẹ là ông Dưỡng, bà Múi cho gần 2.000m2 đất tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng do vợ chồng bà Múi khai phá và đưa vào HTX Cao Thái, đến năm 1987 HTX cấp lại cho gia đình.
Sau khi được cha mẹ cho đất, vợ chồng bà Cú làm nhà ở, trồng cà phê, đăng ký kê khai và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Ngày 20/10/1997, vợ chồng bà Cú được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) diện tích 1.044m2 và ngày 17/12/2002 được UBND huyện Đức Trọng cấp GCN tiếp 356m2 theo đúng trình tự quy định pháp luật.
Theo đó, ngày 28/3/2005, vợ chồng bà Cú chuyển nhượng một phần diện tích đất nói trên cho vợ chồng ông Lương, bà Sâm và bà Múi (mẹ của bà Cú) chứng kiến và ký vào giấy sang nhượng đất. Vậy nhưng ngày 23/5/2005 ông Dưỡng, bà Múi lại đâm đơn kiện vợ chồng bà Cú ra tòa.
Ngày 17/8/2005, TAND huyện Đức Trọng ra Bản án sơ thẩm số 185 tuyên: Bác yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Dưỡng, bà Múi kiện đòi vợ chồng ông Sáng, bà Cú trả lại 1.444 m2 đất thuộc thửa 219 và 832 tờ bản đồ số 9 thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.
Mặc dù ngày 13/04/2007, Sở TN&MT Lâm Đồng cũng đã có Văn bản số 112 kết luận việc cấp GCN cho bà Cú đã thực hiện đúng trình tự, quy trình và đề xuất giữ nguyên GCN đã cấp cho bà Cú. Tuy nhiên ngày 25/11/2008, TAND tỉnh Lâm Đồng ra Bản án phúc thẩm số 217 vẫn chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Dưỡng, bà Múi; buộc vợ chồng bà Cú trả lại cho vợ chồng ông Dưỡng, bà Múi 1.730,54 m2 đất. Ngày 23/10/2009, VKSNDTC có Quyết định kháng nghị số 183 và ngày 24/12/2009 TANDTC ra Quyết định giám đốc thẩm (GĐT) số 685 tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm nói trên, yêu cầu xử lại.
Ngày 10/5/2011, TAND huyện Đức Trọng ra Bản án sơ thẩm số 30 tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Dưỡng, bà Múi; buộc vợ chồng bà Cú trả cho ông Dưỡng, bà Múi 236.810.000đ tiền giá trị quyền sử dụng đất và 2.750.000đ chi phí giám định tài sản.
Ngày 17/7/2013, TAND tỉnh Lâm Đồng ra Bản án phúc thẩm số 73 tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Dưỡng, bà Múi; giao cho vợ chồng bà Cú được sử dụng diện tích 1.723m2 đất thuộc thửa 528, tờ bản đồ số 59 tọa lạc tại đường Phan Bội Châu, thị trấn Liên Nghĩa. Những tưởng đến đây vụ kiện đã kết thúc.
Kháng nghị “kỳ lạ”
Tuy nhiên, ngày 6/6/2016, TAND Cấp cao tại TP HCM có Quyết định kháng nghị số 59 đề nghị Ủy ban thẩm phán xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm nói trên vì cho rằng: “Quá trình tố tụng, anh Sáng, chị Cú còn có lời trình bày cho rằng năm 1986, ông Dưỡng, bà Múi đã giao phần đất trên cho HTX Cao Thái, sau đó HTX giao đất cho anh chị sử dụng.
Tuy nhiên, bị đơn không xuất trình được chứng cứ chứng minh là đã được phía nguyên đơn cho đất cũng như đất đã được đưa vào HTX Cao Thái, sau đó HTX giao đất lại cho anh chị sử dụng. Hơn nữa, qua kết quả xác minh của Tòa án thì những người nguyên là Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm HTX thời điểm năm 1986 là các ông Nguyễn Tấn Phong, Huỳnh Lên, Vy Văn Triệu đều khẳng định không có việc ông Dưỡng, bà Múi đưa đất vào HTX, sau đó HTX giao lại đất cho anh Sáng, chị Cú”.
Tuy nhiên, các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện: Ngày 15/11/2004 ông Triệu xác nhận: “Năm 1987 HTX nông nghiệp Cao Thái có cấp cho con em xã viên Lý Thị Cú một lô đất thổ cư diện tích 2.000m2 để làm kinh tế gia đình”.
Ngày 4/11/2008 ông Lên xác nhận: “Tôi tên Huỳnh Lên, nguyên Chủ nhiệm HTX Cao Thái, thời điểm 1986 HTX có chủ trương cấp đất cho con em xã viên HTX tách hộ để làm thổ cư và kinh tế phụ là đúng. Theo đề nghị của ông Lý Pháp Dưỡng xã viên HTX có con là Lý Thị Cú tách hộ và xin cấp đất là đúng”.
Ngày 5/11/2008 ông Phong xác nhận: “Tôi là Nguyễn Tấn Phong là Chủ nhiệm HTX Cao Thái từ năm 1986-1987 xác nhận cho bà Lý Thị Cú theo đơn trình bày: Lô đất trên là do HTX cấp để làm nhà và kinh tế phụ”.
Thế nhưng, không hiểu sao Biên bản xác minh của TAND huyện Đức Trọng lập các ngày 16/9/2010, 1/10/2010 thể hiện ông Triệu, Phong, Duyên, Liệu lại khai rằng: Năm 1978 HTX nông nghiệp Cao Thái được thành lập, ông Dưỡng chỉ đưa vào HTX phần diện tích đất bên sông Đa Nhim, còn diện tích đất tranh chấp thì ông Dưỡng lúc đó giữ lại làm kinh tế phụ gia đình. Ông Dưỡng có cho bà Cú, ông Sáng hay không thì họ không biết?...
Nhận xét về vụ án, một số luật sư cho rằng: Vì lời khai của các nhân chứng nói trên không nhất quán, nên tại Bản án phúc thẩm số 73 ngày 17/7/2013 của TAND tỉnh Lâm Đồng đã cho rằng không thể xem là nguồn chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ án là đúng luật. Do đó, việc TAND Cấp cao lấy lý do Bản án phúc thẩm không xem xét lời khai của nhân chứng nói trên để kháng nghị yêu cầu hủy án phúc thẩm là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Bà Cú bức xúc: “TAND Cấp cao đã bỏ sót những chứng cứ do chúng tôi cung cấp để kháng nghị bản án hoàn toàn bất lợi cho gia đình tôi. Tòa cứ kháng nghị theo cảm tính như kiểu này thì biết đến bao giờ vụ tranh chấp của chúng tôi mới giải quyết xong?”. Bà yêu cầu lãnh đạo các cơ quan chức năng Trung ương, TANDTC và TANDTC tại TP HCM cần xem xét lại Quyết định kháng nghị nói trên và có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ án dân sự này, tránh tình trạng kháng nghị không theo pháp luật, gây khó khăn cho người dân.