Chiều 15/2, với sự tham gia của đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chủ trì buổi làm việc về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Vẫn bảo đảm tính khả thi của Chương trình
Báo cáo về việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết một số điểm khác so với dự thảo Đề nghị đã trình Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 1/2019. Cụ thể, chuyển dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính từ Chương trình năm 2019 sang Chương trình năm 2020; chuyển 3 dự án luật từ Chương trình năm 2020 sang Chương trình năm 2019 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi).
Về điều chỉnh Chương trình năm 2019, ngoài 3 dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2019 theo Nghị quyết 613/2018/UBTVQH14, Chính phủ tiếp tục đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2019 đối với 10 dự án, dự thảo. Trong đó, đề nghị rút ra khỏi Chương trình 2 dự án (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai); đề nghị lùi thời hạn trình 1 dự án (Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi) và đề nghị bổ sung vào Chương trình 1 dự thảo nghị quyết, 6 dự án luật, pháp lệnh.
Sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2019 sẽ là 26 dự án, tăng 9 dự án so với Nghị quyết số 57/2018/QH14. “Số lượng dự án như trên là tương đương với các năm 2016, 2017 và có thể bảo đảm tính khả thi của Chương trình” – ông Tuyến cho hay.
Sẽ sửa đổi Luật Đất đai sau năm 2020
Một trong những dự án nhận được sự quan tâm của người dân là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai nhưng được đề nghị rút ra khỏi Chương trình năm 2019 vì một số lý do liên quan. Theo đó, còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn. Đặc biệt, ngày 6/6/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luật số 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, trong đó Bộ Chính trị chưa đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đất đai mà giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo kịp thời viêc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới Luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai. Bởi vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020.
Chia sẻ thêm về một số dự án, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật An toàn thực phẩm để thực hiện Hiệp định CPTPP. Riêng Luật sửa đổi, bổ sung 3 Luật này, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Hà Đình Bốn thông tin đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ các dự án được phân công, nhất là Bộ luật Lao động sửa đổi. Bộ luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5/2019 và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết tâm không lùi thời hạn trình.
Lắng nghe tất cả các phát biểu tại cuộc họp về từng dự án cụ thể, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu, chậm nhất đầu tuần sau phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cho các dự án luật vừa được thảo luận và điều này đòi hỏi các bộ, ngành phải khẩn trương vì công việc chung. “Dự án nào không đủ hồ sơ, hồ sơ không đủ thể thức thì mạnh dạn đưa ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh” – Bộ trưởng cương quyết và cam kết Bộ Tư pháp vẫn tiếp tục cùng Văn phòng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành trong thực hiện Chương trình.
Ngoài ra, Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật hoàn thiện báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó xin phép Thủ tướng tiến hành các thủ tục trước để đảm bảo thời hạn đối với các dự án được chuyển từ Chương trình năm 2020 sang Chương trình năm 2019. Riêng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng đề nghị đơn vị liên quan phải làm sớm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng.