Một số hộ dân bị thu hồi đất phục vụ Dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (Dự án) cho rằng, quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân…chưa được cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng và TP.Hà Nội giải quyết thỏa đáng, thời gian kéo dài khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
|
Ông Ưng Văn Thắng tại thời điểm Dự án đang giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Người dân cung cấp). |
Sống trong thấp thỏm lo âu
Trong đơn gửi Báo Pháp luật Việt Nam, một số hộ gia đình là quân nhân sống tại Khu tập thể Cục Vận tải trước đây (tổ 63 phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) phản ánh, đây là khu tập thể quân đội được hình thành từ năm 1979. Theo đó, ngày 19/12/1991, Bộ Quốc phòng có Quyết định số 563/QĐ/TM cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng khu gia đình quân đội gồm 39 hộ trong khuôn viên khép kín, ranh giới riêng biệt, có tường rào bao quanh và chỉ một cổng duy nhất ra phố Lương Yên.
Năm 1992, thực hiện chủ trương của Nhà nước, được sự chấp thuận của Hội đồng hóa giá nhà TP.Hà Nội, Cục Vận tải đã tiến hành hóa giá nhà cho từng hộ gia đình. Tuy nhiên, quá trình hóa giá nhà đã không ghi đầy đủ diện tích các công trình phụ trợ, diện tích liền kề như: Nhà bếp, đất sân trước sau, hiên nhà cho từng hộ…
Tiếp đến, ngày 06/12/1992, Cục Vận tải có Quyết định 612/QĐ-VT1 bàn giao toàn bộ các công trình phụ trợ gồm: Tường bao, đường đi nội bộ, khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước, điện…cho khu tập thể quản lý, sử dụng, hư hỏng tự đóng góp kinh phí sửa chữa. Sau khi được bàn giao, các hộ dân đã quản lý, sử dụng ổn định không xảy ra tranh chấp khiếu kiện với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
“Năm 1993, TP.Hà Nội lập Dự án, đến khi bị thu hồi đất cả chục năm trời, chúng tôi luôn sống trong cảnh thấp thỏm lo âu vì Dự án kéo dài, nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thực hiện được. Ngày 4/8/2006, TP.Hà Nội có Quyết định 3449/QĐ-UB thu hồi đất của các hộ dân để thực hiện Dự án. Đến tháng 11/2006, Cục Vận tải mới có “Giấy xác nhận về nhà ở, đất ở” cho từng hộ gia đình, đồng thời có Văn bản số 1597/VT3 ngày 28/11/2006 gửi UBND TP.Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng nói rõ về nguồn gốc, hiện trạng, quá trình sử dụng đất của khu tập thể cũng như của từng hộ gia đình…Đến năm 2013, TP.Hà Nội mới tiến hành giải phóng mặt bằng. Đồng thời Cục Vận tải cũng liên tiếp có các Văn bản 553/VT-HCHC ngày 09/5/2014; Văn bản 864/VT-HCHC ngày 15/7/2015;Văn bản 1197/VT-HCHC ngày 29/2215 và nhiều lần cử cán bộ trực tiếp làm việc để trả lời, giải thích với UBND TP.Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng và UBND phường Bạch Đằng về nguồn gốc đất của khu tập thể và khẳng định các công trình phụ trợ, hạ tầng đã giao cho các hộ dân quản lý, sử dụng liên tục, ổn định từ năm 1992 để thực hiện việc bồi thường theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân…Tuy nhiên, đến nay một số quyền lợi của chúng tôi chưa được giải quyết một cách thỏa đáng”, một người dân cho biết.
|
Ngã tư Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái hiện nay. |
Cần đảm bảo quyền lợi người dân
Cũng theo phản ảnh của người dân, Dự án kéo dài đến năm 2012 mới được triển khai, tuy nhiên với cách làm của UBND phường Bạch Đằng và UBND quận Hai Bà Trưng dường như có dấu hiệu làm sai lệch về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất của các hộ dân nhằm mực đích giảm mức bồi thường và không bồi thường theo diện tích thực tế mà các hộ dân đang quản lý, sử dụng với số tiền trên 8 tỷ đồng, khiến người dân vô cùng bức xúc.
“Trong khu tập thể chúng tôi có gia đình liệt sỹ, lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương bệnh binh, cán bộ trung cao cấp, Đảng viên 45 đến 65 năm tuổi đảng, trực tiếp chiến đấu trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ biên cương của tổ quốc. Được thụ hưởng từ chính sách hậu phương quân đội với diện tích nhà đất tối thiểu, khi nhà nước thu hồi đất để làm Dự án, biết có thiệt thòi nhưng đều đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng, người có trách nhiệm đã né tránh tiếp xúc với dân, thiếu tôn trọng dân. Lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phá dỡ công trình nhiều đợt làm ảnh hưởng, đảo lộn cuộc sống người dân. Chúng tôi đã nhiều lần có đơn gửi UBND phường Bạch Đằng, UBND quận Hai Bà Trưng và UBND TP.Hà Nội nói rõ về những vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, nhưng nhận được trả lời không thỏa đáng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người dân chúng tôi”, ông Ưng Văn Thắng bức xúc.
Các hộ dân cũng cho rằng, mặc dù Ban Bồi thường GPMB quận Hai Bà Trưng đã lập Biên bản kiểm điếm ngày 21/12/2015 đối với diện tích đất xây dựng các công trình sử dụng chung với số tiền gần 22 tỷ đồng và giá trị tài sản trên là 337.000.000đ. Tuy nhiên, số tiền này người dân lại không được hưởng?
Bên cạnh đó, là những người bị thu hồi đất ở, phá nhà mất chỗ ở, theo chính sách của Nhà nước được hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư và đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt bằng các quyết định, nhưngkhông chi trả? Thậm chí, có hộ đã nhận được tiền tạm cư, nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì lại bị thu hồi lạimột cách khó hiểu.
“Chế độ bồi thường không bình đẳng, không công bằng vì nhà có kết cấu xây dựng các phòng ở cùng một dãy nhà như nhau, nhưng mức bồi thường lại khác nhau, có phòng được bồi thường 100% trong khi đó phòng liền kề chỉ được bồi thường 50%? Không những vậy, họ còn sử dụng quyết định bán nhà tái định cư đã hết hiệu lực, có đơn giá cao hơn đơn giá tại thời điểm ban hành quyết định, thu thêm trên 500.000đ/m2…”. Khi bán nhà tái định cư không tôn trọng thực tế, có hộ chỉ có 1 đến 2 người được bán căn hộ 3 phòng, hộ 9 nhân khẩu cũng chỉ được bán căn hộ 3 phòng ngủ, thậm chí trong thông báo không có bố trí tái định cư ở Hoàng Cầu; B7; B10 Kim Liên nhưng vẫn giao nhà cho dân”, người dân đặt nhiều câu hỏi hoài nghi.
Được biết, từ năm 2014, người dân Khu tập thể Cục Vận tải đã gửi nhiều đơn khiếu nại và phản ánh đến lãnh đạo UBND phường Bạch Đằng, UBND quận Hai Bà Trưng, UBND và Thành ủy Hà Nội, nhưng chưađược giải quyết thấu đáo. Do đó, một số người dân đã có đơn tố cáo gửi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về những vi vi phạm của một số cán bộ UBND quận Hai Bà Trưng và cán bộ Thanh tra TP.Hà Nội.
Mặc dù ngày 29/12/2017, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã ký Quyết định 9004/QQĐ-UBND về giải quyết đơn tố cáo của công dân. Tuy nhiên, đến ngày 18/9/2020, mới có Kết luận số125/KL-UBND giải quyết tố cáo của người dân, nhưng kết luận này được người dân cho là không đúng với Quyết định 9004/QĐ-UBND, nội dung thiếu khách quan, không chính xác, áp dụng không đúng quy phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, gây phiền hà cho dân, bỏ nhiều nội dung tố cáo của người dân…
Được biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5847/VPCP-V.I ngày 02/8/2023 về việc giao Thanh tra Chính phủ xem xét, xử lý đơn tố cáo của ông Ứng Văn Thắng (trú tại số 183 ngõ 559 Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) và một số công dân liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất để thực hiện Dự án.
Ngày 26/9/2023, Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đã làm việc với đại diện các hộ dân Khu tập thể Cục Vận tải về những nội dung đơn tố cáo, cùng bản giải trình kèm theo đơn của công dân. Cũng tại buổi làm việc này, công dân đã cung cấp đơn kiến nghị, phản ánh chi tiết từng khoản tiền mà dân được thụ hưởng theo quy định của pháp luật đồng thời cung cấp một số tài liệu (phô tô cóp py) để làm căn cứ xem xét giải quyết và không đồng ý với nội dung Kết luận số 125/KL-UBND của UBND TP.Hà Nộ. “Nhưng đến nay, người dân chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết từ Thanh tra Chính phủ?”, ông Ưng Văn Thắng cho biết.
Thiết nghĩ, phản ánh của các hộ dân tại Khu tập thể Cục Vận tải cần sớm được giải quyết công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi người dân bị thu hồi đất, tránh khiếu nại kéo dài.