Kháng cáo không còn là một khái niệm lạ lẫm trong xét xử các vụ án, tuy nhiên những trường hợp nào được kháng cáo thì luôn là câu hỏi được bạn đọc quan tâm.
Kháng cáo là gì?
Bạn đọc Nguyễn An (Hải Dương) hỏi: Tôi là người bị khởi kiện trong vụ án dân sự tranh chấp đất đai với bên kiện là vợ cũ của tôi. Sau khi tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, tôi không đồng tình với bản án này. Vậy tôi có quyền kháng cáo lên tòa án cấp trên để đề nghị xem xét lại bản án này không?
Pháp luật không có quy định cụ thể kháng cáo là gì mà chỉ quy định người có quyền kháng cáo, tuy nhiên trên thực tế chúng ta có thể hiểu kháng cáo là quyền cơ bản của công dân khi cho rằng bản án, quyết định của tòa án không đúng quy định pháp luật.
|
Kháng cáo là gì, trường hợp được kháng cáo? (Hình minh họa) |
Sau khi có phán quyết của Hội đồng xét xử tại phiên tòa sơ thẩm, bằng đơn kháng cáo của mình, người có quyền kháng cáo thể hiện sự không đồng tình của mình về các quyết định của Tòa án trong bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án hoặc quyết định đó.
Người có quyền kháng cáo?
Do đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh khác nhau nên chủ thể có quyền kháng cáo trong lĩnh vực hành chính, dân sự và hình sự cũng khác nhau.
Người có quyền kháng cáo trong lĩnh vực dân sự: Theo Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm bao gồm: Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự; Cơ quan, tổ chức; Cá nhân.
Người có quyền kháng cáo trong lĩnh vực hành chính: Theo quy định tại Điều 204 Luật tố tụng hành chính 2015 thì người có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm cụ thể: Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự.
Người có quyền kháng cáo trong lĩnh vực hình sự: Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì người có quyền kháng cáo trong lĩnh vực hình sự bao gồm:
Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm; Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa; Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ; Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Như vậy, Luật tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định về đương sự, người đại diện theo pháp luật của đương sự, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp khởi kiện thì sẽ có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Còn trong Bộ luật Tố tụng hình sự thì chủ thể có quyền kháng cáo rộng hơn.
Vậy, thủ tục kháng cáo trong quá trình giải quyết các vụ án có quy định về thời hạn được kháng cáo hay không?
Thời hạn kháng cáo
Theo quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 333 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và Điều 206 Luật tố tụng hành chính 2015 thì thời hạn kháng cáo tương đối giống nhau cụ thể:
- Quyền kháng cáo chỉ được thực hiện đối với trường hợp các bản án, quyết định chưa có hiệu lực thi hành, thường thì trong 15 ngày kể từ ngày tòa án cấp sơ thẩm ra bản án thì đương sự hoặc những chủ thể khác theo quy định có quyền kháng cáo.
- Đối với trường hợp kháng cáo quyết định tạm định chỉ hoặc đình chỉ vụ án cấp sơ thẩm thì thời hạn kháng cáo rút ngắn còn 07 ngày kể từ ngày chủ thể nhận được quyết định của Tòa án.
- Nếu đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo sẽ bắt đầu được xác định từ ngày bưu chính nơi gửi đóng dấu trên phong bì.
- Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giữ hoặc bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày làm đơn kháng cáo theo xác nhận của người có thẩm quyền của nhà tạm giữ, trại tạm giam.
- Tuy nhiên trong một số trường hợp quá thời hạn kháng cáo mà vì lý do chính đáng thì đơn kháng cáo vẫn sẽ được chấp nhận.(Được quy định cụ thể tại Điều 335 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Điều 275 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Điều 208 Luật tố tụng hành chính 2015 về kháng cáo quá hạn).
Như vậy, đối chiếu trường hợp của bạn, bạn đã nhận bản án của Tòa án cấp sơ thẩm và không đồng tình với mức án mà Tòa đã tuyên, vậy bạn có quyền kháng cáo bản án này lên tòa án cấp trên. Vậy để đảm bảo quyền được kháng cáo của mình, bạn hãy gửi đơn kháng cáo lên tòa án cấp phúc thẩm để được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Bạn cũng có thể gửi kèm những văn bản, tài liệu, chứng cứ chứng minh cho quan điểm của mình để được tòa án phúc thẩm xem xét.
Mọi câu hỏi và tư vấn pháp luật cần được giải đáp, bạn đọc có thể gọi điện theo số: 0904309996; hoặc gửi Email: toasoan@phapluatplus.vn. |