Theo thống kê, có khoảng 30% số vụ nổ bom mìn là do người dân tự ý cưa cắt, tháo gỡ bom đạn, số còn lại là do vô tình tác động.
Tin nên đọc
Vụ nổ kinh hoàng tại Hà Nội: Nghi do cưa bom mìn?
“Màu xanh tình nguyện”… trên những nông trại hữu cơ
Chuyện lạ ở Hà Nội: 'Mắc màn cho rau sạch"
Hôm nay, Hà Nội bước vào đỉnh điểm nắng nóng
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Theo thống kê, có khoảng 30% số vụ nổ là do người dân tự ý thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, tháo gỡ bom đạn. Số còn lại là các tai nạn xảy ra khi trẻ em hoặc người dân sinh sống, lao động, canh tác tại các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ nặng, vô tình tác động vào gây nổ.
Điển hình gần đây nhất là các vụ nổ bom sót lại sau chiến tranh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, TP Hà Nội) ngày 19/3/2016 làm 5 người chết và hơn 10 người bị thương. Ngoài ra, một vụ nổ nghiêm trọng cũng đã xảy ra tại Bãi Dinh (buôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) vào ngày 14/5/2016 khiến 3 người chết.
|
Vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) ngày 19/3/2016 làm 5 người chết. |
Để ngăn chặn và giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn thương tâm do bom mìn, vật nổ gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và địa phương tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị (chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên trên các địa bàn thường xảy ra tai nạn bom mìn trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Xử lý vi phạm mua bán, cưa cắt bom mìn
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật và các hình thức xử lý vi phạm về thu gom, mua bán, tàng trữ, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, quy định, hướng dẫn có liên quan đến quản lý Nhà nước; phát hiện và xử lý các vi phạm về thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Đồng thời tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan, nhất là UBND cấp xã trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân khi thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án rà phá bom mìn, ưu tiên cho các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng, gắn với việc bảo đảm an toàn cho nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là tuyến biên giới Việt - Trung, các khu kinh tế cửa khẩu, các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng và hay xảy ra tai nạn.
Nghiên cứu đề xuất các mô hình phối hợp, lồng ghép để hỗ trợ nạn nhân bom mìn; ưu tiên nâng cấp các trạm y tế quân dân y kết hợp tại vùng sâu, vùng xa, vùng ô nhiễm bom mìn nặng để cứu chữa kịp thời nạn nhân khi xảy ra tai nạn do bom mìn, vật nổ.