Hàng chục hộ dân trong ngõ Chùa Liên Phái (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) cho rằng chưa cần thiết phải mở rộng ngõ, làm xáo trộn cuộc sống nhân dân. Bởi xét về nhu cầu đi lại chưa cần thiết, mức đền bù chỉ bằng nửa giá đất thị trường. Và nhiều gia đình nếu bị cắt xén đất sẽ còn lại vài mét vuông, nhà biến thành “siêu mỏng”.
Tin nên đọc
Hà Nội: Chưa biết bao giờ xử lý hết nhà siêu mỏng, siêu méo
Vợ lừa bán nhà đất của chồng: Tòa “bỏ quên” tang vật, bản án không thể thi hành
Hà Nội: Ki ốt "nuốt trọn" gốc cây đại thụ
Dự kiến 2 ngày nữa ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ có điểm thi THPT Quốc gia
|
Ngõ Chùa Liên Phái. |
Trong khi đó, chính quyền cho rằng đây là dự án có quy hoạch từ những năm 1980, giá đền bù đất “cao nhất thành phố” và đã hỗ trợ tối đa cho người dân.
Dự án chỉ lấy cớ phục vụ đi lại của người dân?
Nhiều tháng nay, người dân ngõ Chùa Liên Phái không ngừng bàn tán về dự án mở rộng ngõ. Người dân trình bày, khoảng bốn năm trước đã nghe nói tới việc mở rộng ngõ. Nhưng mãi đến ngày 25/2/2016, họ mới nhận được thông báo của UBND quận Hai Bà Trưng về việc thu hồi đất, thực hiện dự án xây dựng, mở rộng ngõ Chùa Liên Phái, từ đầu ngõ tới cổng chùa Liên Phái.
Theo thông báo, diện tích đất thu hồi dự kiến 1509m2, thời gian kiểm tra, đo đạc từ tháng 2/2016 đến hết năm 2016.
Đến ngày 5/7/2016, UBND phường chủ trì buổi họp dân có đại diện UBND quận phổ biến về dự án và kế hoạch thu hồi đất. Lí do triển khai dự án, theo cán bộ phường, nhằm phục vụ dân sinh. Do ngõ quá chật hẹp ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, nay chính quyền muốn mở rộng để cải thiện đời sống người dân trong ngõ.
|
Người dân ngõ Chùa Liên Phái phản đối dự án mở rộng ngõ. |
Theo đơn thư tập thể của gần 30 hộ dân trong ngõ Chùa Liên Phái, lí do thực hiện dự án theo thông báo là không đúng thực tế. Bởi nhu cầu đi lại trong ngõ không cao, chỉ những lúc đường lớn ùn tắc, người tham gia giao thông mới rẽ vào ngõ đi tắt.
Theo họ, ở Hà Nội, chuyện tắc ngõ vào giờ cao điểm là “chuyện cơm bữa”. Hơn nữa, ngõ này chỉ thông với các ngõ, ngách khác, chứ không đấu nối thẳng ra đường lớn.
Ông Trần Văn Định (SN 1947, ngu số 18, ngõ Chùa Liên Phái), đại diện các hộ dân hồ nghi: “Có khi mở rộng rồi, nhiều ô tô đi lại càng gây tắc đường hơn. Chỉ có đoạn từ đầu phố Bạch Mai đến cổng chùa (gần 200m) là tương đối rộng thoáng, còn càng đi sâu vào thì ngõ càng hẹp, có chỗ chỉ rộng 1m. Liệu có thể mở rộng toàn bộ chiều dài của ngõ thông ra đường lớn được không? Hay chỉ làm nửa chừng?”
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Xướng (SN 1944, ngụ số 47, ngõ Chùa Liên Phái) cho rằng, việc mở ngõ vì lí do đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân chỉ là cái cớ. Theo ông Xướng, thực chất việc mở rộng ngõ chỉ phục vụ cho lợi ích của chùa Liên Phái, nhưng lại làm xáo trộn cuộc sống hàng trăm người dân khác. Ông cho rằng như thế là không công bằng.
Ông Xướng cũng thắc mắc, buổi họp do phường chủ trì vừa qua dự kiến kéo dài từ 8h30 đến 11h, nhưng khoảng 10h30 đã kết thúc. Trong khi rất nhiều thắc mắc của người dân chưa được giải đáp?
Nguy cơ nhà “siêu mỏng, siêu méo”
Vấn đề bức xúc nữa được nhiều hộ dân nêu lên là mức giá đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo thông báo thu hồi đất, giá đền bù là 41,5 triệu đồng/m2. Người dân cho rằng, giá đất trong ngõ trên thị trường dao động từ 70 - 100 triệu đồng/m2. Do đó, nếu áp theo khung giá đền bù thì số tiền bồi thường không đủ mua nhà nơi khác.
Còn những hộ bị thu hồi 1/2 hoặc 2/3 diện tích thì phần còn lại quá nhỏ, không thể xây dựng lại. Khi đó, những căn nhà “đang yên đang lành” bỗng trở thành “siêu mỏng, siêu méo”.
Lo lắng tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” không phải không có căn cứ. Điển hình như nhà ông Trần Quang Thông (76 tuổi, số nhà 1) có diện tích 57m2, là nơi sinh sống của 3 hộ gia đình với 10 nhân khẩu. Theo phương án thông báo, nhà ông Thông bị thu hồi gần 40m2 theo chiều ngang, khiến căn nhà trở nên “siêu mỏng”, bề sâu chỉ hơn 2m, cao hơn chục mét.
Hay căn nhà hai tầng của bà Vũ Thị Lan (60 tuổi, số nhà 7), hiện cao hơn chục mét, diện tích nền 13,5m2. Theo thông báo GPMB, nhà bà Lan bị cắt gần 7m2, còn lại khoảng 6m2, bề ngang chỉ hơn 1m.
|
Bà Lan và bà Nga lo lắng căn nhà đang ở sẽ thành “siêu mỏng” sau GPMB. |
Tương tự, nhà bà Nguyễn Bích Nga (52 tuổi, số nhà 5) rộng 18,2m2, sẽ bị cắt mất 10,5m2, còn lại xấp xỉ 8m2, cũng sẽ trở thành nhà “siêu mỏng”. “Phần lớn nhà ở đây có mặt tiền ngõ kéo dài nhưng chiều sâu rất ngắn. Do vậy, khi thu hồi đất dọc theo ngõ sẽ để lại phần đất “đầu thừa đuôi thẹo”, không xây dựng được công trình gì”, bà Nga nói.
Nhiều người dân cho biết, tại buổi họp UBND phường chủ trì, chính quyền nói sau khi GPMB, những gia đình còn lại phần đất rộng dưới mức tối thiểu (15m2) muốn xây dựng, cải tạo phải xin ý kiến chính quyền. “Như thế chẳng phải đẩy chúng tôi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, trong khi cuộc sống người dân trong ngõ bao đời nay đang ổn định?”, một người lo lắng.
Người dân cho hay, phần lớn những chủ hộ trong ngõ đều là người lớn tuổi, gia đình nhiều thế hệ và là công nhân nghèo. Họ tích cóp cả đời mới xây dựng được căn nhà, nay đột nhiên bị giải tỏa sẽ vô cùng khó khăn trong việc tìm nơi ở mới.
Chính quyền: Đã hỗ trợ dân tối đa
Đem những thắc mắc của người dân trao đổi với chính quyền phường Cầu Dền, bà Mai Hồng Hạnh, Phó chủ tịch phường cho biết, hiện nhiều người vẫn nhầm lẫn tên dự án mở rộng ngõ Chùa Liên Phái với việc mở rộng cổng vào chùa Liên Phái.
Dự án là chủ trương chung của quận, thành phố. Cụ thể, ngày 3/7/2015 UBND TP có quyết định phê duyệt dự án điều chỉnh mở rộng ngõ Chùa Liên Phái từ phố Bạch Mai đến đường Đê Tô Hoàng với tổng chiều dài 465m. Mục đích dự án theo bà Hạnh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cải tạo dân sinh.
Theo đó, ở giai đoạn một, mở rộng từ đầu phố Bạch Mai đến cổng chùa Liên Phái có chiều dài 195m, mặt ngõ 7,5m. Trong đó, lòng ngõ rộng 5,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 1m. Thời gian triển khai từ năm 2015-2017.
Ở giai đoạn hai, tiếp tục mở rộng đoạn từ cổng chùa ra tới đường Đê Tô Hoàng dài 270m, thời gian triển khai từ 2017-2020.
Giai đoạn ba sẽ thông toàn tuyến, mở rộng mặt cắt lên 13,5m, thực hiện sau năm 2020.
Hiện dự án đang bắt đầu triển khai giai đoạn một, dự kiến có 77 hộ bị thu hồi đất. Trong đó, hai hộ bị thu hoàn toàn bộ diện tích, những hộ còn lại bị cắt xén một phần diện tích. Cũng theo phương án dự kiến có 14 hộ thuộc diện di dời sang chỗ ở mới là chung cư ở ngõ Vĩnh Hoàng (quận Hoàng Mai).
|
Căn nhà này nếu GPMB chỉ còn hơn 1m chiều rộng. |
Về các trường hợp bị cắt xén đất, phần diện tích còn lại quá nhỏ dẫn đến nhà “siêu mỏng, siêu méo” và dưới 15m2 không được cấp sổ đỏ, không được xây dựng,ông Phan Bá Tường (Chủ tịch UBND phường Cầu Dền) giải thích:
UBND phường sẽ tập hợp những hộ có diện tích dôi, dư sau khi GPMB và ghi nhận nguyện vọng người dân để xin ý kiến cấp trên. “Có thể kiến nghị thu hồi nốt diện tích dôi dư hoặc cho người dân tạm thời tiếp tục sử dụng diện tích này. Hoặc hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hợp khối để đủ diện tích quy định”, ông Tường nói và cho biết theo khảo sát, số nhà có thể bị “siêu mỏng” không nhiều.
Cũng theo Chủ tịch phường Cầu Dền, dự án mở rộng ngõ Chùa Liên Phái được quy hoạch từ năm 1980, lúc đầu dự kiến ngõ rộng 13,5m.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai từ năm 2013, UBND phường được quận Hai Bà Trưng ủy quyền làm chủ đầu tư, nhận thấy dự án có thể tác động đến quá nhiều người dân nên đã xin thay đổi thiết kế, giảm mặt cắt ngõ xuống 7,5m.
Vị này cho hay, từ ngày 14/7, các đơn vị bắt đầu kiểm kê, khảo sát để có phương án đền bù thỏa đáng, dự kiến đến ngày 27/7 hoàn thành khâu kiểm đếm. Dự kiến sau khi thông tuyến dự án, ngõ sẽ trở thành đường liên phường Bách Khoa - Cầu Dền.
Về phản ánh mức giá đền bù GPMB quá thấp so với giá thị trường, bà Hạnh - Phó chủ tịch phường - trả lời, không thể so sánh giá đền bù theo quy định nhà nước với giá thị trường.
Còn ông Tường - Chủ tịch phường - cho biết ngõ Chùa Liên Phái thuộc vị trí đất cấp 3, theo quy định của UBND thành phố chỉ được đền bù 19,7 triệu đồng/m2. Nhưng phường đã đề xuất xin hỗ trợ thêm mới có giá 41,5 triệu đồng/m2.
Lãnh đạo phường Cầu Dền khẳng định đây là mức giá bồi thường GPMB cao nhất trên địa bàn thành phố so với đất cung cấp. Phường đã cố gắng hỗ trợ tối đa cho người dân chịu ảnh hưởng dự án.