Ngày 30/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định các nội dung về dạy thêm học thêm với nhiều điểm mới.
Trong đó, Thông tư quy định 3 trường hợp không được dạy thêm, học thêm; 3 trường hợp được tổ chức học thêm trong nhà trường và điều kiện GV dạy thêm ở ngoài nhà trường nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này.
Ngay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, Bộ GD&ĐT đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 10/CĐ-TTg ngày 7/2/2025 nhằm tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm.
Ngoài ra, ngày 11/2/2025, Bộ cũng gửi Công văn 545/BGDĐT-GDTrH đến UBND các tỉnh/TP chỉ đạo thực hiện quy định một cách nghiêm túc và chặt chẽ.
Giáo viên trường tư thục có được dạy thêm?
Từ ngày 14/2/2025, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực và các điều khoản được áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng quy định này chỉ áp dụng với trường công lập/GV trường công lập?
Theo Thông tư 29, Bộ GD&ĐT giải thích, dạy thêm học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS – THPT do Bộ GD&ĐT ban hành.
Tại Điều 6 Thông tư 29 cũng quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; Đồng thời, công khai danh sách, địa điểm, hình thức dạy học, mức tiền… để HS, phụ huynh biết.
![]() |
Nhiều GV chật vật tìm cách đăng ký dạy thêm sao cho đúng quy định. (Ảnh: Vân Trang) |
Phát biểu tại Tọa đàm "Thông tư 29: Cơ hội hay thách thức cho giáo dục?" ngày 14/2, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Thông tư 29 không phân biệt trường công hay tư. Trường tư cũng phải xây dựng kế hoạch giáo dục, vẫn một chương trình đó và phải thực hiện như vậy.
Nếu trường tư tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và buổi chiều vẫn xếp HS vào học các môn học trong chương trình như trước đây cũng bị coi là dạy thêm.
Còn nếu tổ chức 2 buổi/ngày và buổi còn lại ngoài chính khóa tổ chức các hoạt động giáo dục như sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng... điều này cần khuyến khích.
Như vậy, theo quy định của Thông tư 29, nếu trường tư tổ chức học 2 buổi/ngày và buổi thứ hai tiếp tục dạy chính khóa cũng tính là dạy thêm.
Theo Thông tư 29, đối tượng áp dụng là "người dạy thêm, người học thêm; Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm và các tổ chức, cá nhân có liên quan", không chỉ với riêng GV trường công lập.
GV trường công lập chỉ có thể tham gia dạy thêm tại các Trung tâm chứ không được đăng ký kinh doanh dạy thêm; Còn GV trường tư thục lại được đăng ký kinh doanh, tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường.
Như vậy, các trường tư thục cũng không được tổ chức dạy thêm cho HS tiểu học, không tổ chức dạy thêm có thu tiền trong trường. Các trường tư cũng không được tổ chức dạy thêm cho HS nằm ngoài 3 nhóm đối tượng: HS có kết quả học tập ở mức chưa đạt; HS được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng HS giỏi; HS lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi.
Việc tổ chức dạy thêm, học thêm khi đúng đối tượng vẫn phải bảo đảm, không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học, trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 2 tiết/tuần.
Bộ GD&ĐT không cấm hoàn toàn dạy thêm, học thêm, chỉ chấn chỉnh tiêu cực
Về Thông tư 29 quy định các nội dung về dạy thêm học thêm với nhiều điểm mới, Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có những trao đổi xung quanh quy định mới này.
![]() |
Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. |
Theo Thứ trưởng, đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của HS phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); GV đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với HS của mình trên lớp… Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho HS, tránh việc giáo viên “kéo” HS trên lớp ra ngoài để dạy thêm.
Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, HS có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng do đó Bộ GD&ĐT không cấm, tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh...
Ngày 20/2/2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29. Đoàn kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 07/02/2025; quy định về công tác kiểm tra của Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-BGDĐT ngày 24/5/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ngày 24/2, trong buổi làm việc của Đoàn kiểm tra Bộ GD&ĐT với Sở GD&ĐT Hà Nội về việc thực hiện Thông tư 29, cô Nguyễn Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình) cho biết, nhà trường thường xuyên tiến hành kiểm tra việc dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường, kiểm tra nắm bắt tình hình học sinh trên lớp về việc dạy thêm, học thêm.
Kết quả kiểm tra không có GV vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm; Không có việc đối xử không công bằng đối với HS; không có tình trạng GV chèn ép, bắt buộc HS phải đi học thêm.
Tại Trường THPT Phạm Hồng Thái, theo báo cáo của Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Sơn, trước khi Thông tư 29 ban hành, nhà trường không tổ chức dạy, học thêm có thu phí trong nhà trường và trong năm học.
Đối với việc dạy thêm ngoài nhà trường, có một số GV, chủ yếu các môn Toán, Văn, Tiếng Anh dạy nhóm nhỏ theo đề nghị của phụ huynh HS hoặc phụ huynh đứng ra tổ chức mời GV dạy kèm, học phí thỏa thuận giữa cha mẹ HS và GV.
Nêu một số khó khăn khi triển khai Thông tư 29, cán bộ quản lý, GV và phụ huynh trường THCS Phan Chu Trinh và Trường THPT Phạm Hồng Thái đề cập tới khó khăn kinh phí hỗ trợ GV bồi dưỡng, ôn tập cho HS; Khó khăn trong kiểm tra, giám sát dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; Khó khăn trong thay đổi thói quen tự học của HS; khó khăn quản lý thời gian ở nhà của HS…
Các trường đề xuất được hỗ trợ kinh phí cho việc bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức cho 3 nhóm HS theo quy định của Thông tư 29, có giải pháp để tận dụng hiệu quả cơ sở vật chất trường lớp học, có chính sách đãi ngộ phù hợp với nhà giáo, đảm bảo giáo viên có thể yên tâm cống hiến với nghề.
Báo cáo việc triển khai Thông tư 29 tại Hà Nội, theo ông Phạm Quốc Toản - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội,Thông tư 29 đã giúp các đơn vị quản lý giáo dục có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để quản lý dạy thêm, học thêm, giúp hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, không đúng quy định.