Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 153/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn.
Theo đó, tình trạng ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, tiếp tục gia tăng về quy mô và mức độ.
Nguyên nhân chủ yếu là do bụi, khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp… với lượng thải lớn nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả.
Ngoài ra, việc triển khai các quy định pháp luật và chương trình kiểm soát ô nhiễm chưa đồng bộ, hiệu quả.
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM khẩn trương triển khai các biện pháp cụ thể, hướng đến mục tiêu trong vòng 5 năm tới, chỉ số chất lượng không khí (AQI) phải đạt ngưỡng an toàn cho sức khỏe người dân.
![]() |
Hà Nội, TP HCM đặt mục tiêu đưa chỉ số ô nhiễm không khí về ngưỡng an toàn. (Ảnh minh họa) |
Về các giải pháp cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội và TP HCM thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, tái chế chất thải rắn xây dựng; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng; ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn về khí thải tại địa phương mình theo hướng cao hơn, chặt hơn so với tiêu chuẩn quốc gia; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ, nát không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành các cụm công nghiệp, các làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm cao tại TP Hà Nội, TP HCM và một số địa phương khác trên cả nước; hoàn thành trong tháng 7 năm 2025.
Đồng thời, các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các biện pháp quản lý chất thải, khí thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng, giao thông, công nghiệp; phát triển không gian xanh trong quy hoạch, xây dựng đô thị. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Triển khai hướng dẫn kỹ thuật để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong thu gom, tái chế phụ phẩm trong hoạt động nông nghiệp, nâng cao nhận thức về tác hại của các hoạt động xử lý theo cách cũ, lạc hậu như đốt rơm rạ…