Việc tự ý chia nhỏ căn hộ khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh cho biết. Không những vậy, người mua phải căn hộ vi phạm xây dựng có thể sẽ không được cấp sổ hồng do chủ đầu tư dự án vi phạm.
Chủ đầu tư Parkview Residence đang vi phạm pháp luật?
Trước thông tin về việc chủ đầu tư dự án Parkview Residence đã tự ý chia căn hộ lớn ra làm các căn hộ nhỏ khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản từ phía cơ quan chức năng.
Phóng viên Phapluatplus đã có cuộc trao đổi với Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư Hà Nội).
|
Luật sư Vi Văn Diện cho biết: Việc tự ý chia nhỏ căn hộ khi chưa được chấp thuận là vi phạm pháp luật. |
“Việc chia nhỏ căn hộ đã từng có chủ trương của Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư bán hàng, người dân có thể mua nhà. Việc tự ý chia nhỏ căn hộ để bán có sự ảnh hưởng lớn đến dự án, khi chưa được sự nhất trí bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền là có dấu hiệu vi phạm. Những dự án, chủ đầu tư vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật", Luật sư Vi Văn Diện cho hay.
Luật sư Vi Văn Diện cho biết thêm: Các quy đinh và chế tài xử phạt đối với việc xây dựng không phép, trái phép và vượt phép đã được Nhà Nước ban hành, khi phát hiện vi phạm các cơ quan quản lý Nhà nước phải xem xét xử lý, bảo đảm trật tự xây dựng và quyền lợi của người mua nhà theo quy định tại các văn bản như: Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ; Thông tư số 02/2014/TT-BXD ngày 12/02/2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ.
Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị; Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 cuả Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
Theo thông tin mà Phapluatplus phản ánh về việc chủ đầu tư dự án Parkview Residence tự ý chia nhỏ căn hộ khi chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép.
"Nếu đúng như vậy, chủ dự án này sẽ bị xử phạt theo Điều 5, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản...", Luật sư Diện cho hay.
Nhiều hệ lụy đi kèm từ việc tự ý chia nhỏ căn hộ
Bàn luận với Phapluatplus, Luật sư Vi Văn Diện cho rằng: Những dự án xây dựng nhà chung cư buộc phải có quy hoạch, bản vẽ thiết kế chi tiết đều phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt, cấp phép, điều chỉnh bằng văn bản.
Trong hoạt động xây dựng chủ đầu tư dự án cần phải tuân thủ hàng loạt các quy định về khảo sát xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế, điều chỉnh thiết kế, thay đổi công năng, dự toán công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng, quy định về đầu tư phát triển đô thị, tổ chức thi công, giám sát thi công, quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.
|
Nếu khách hàng mua phải căn hộ chủ đầu tư chia nhỏ khi chưa được chấp thuận thì sẽ không nhận được sổ hồng. |
Như trường hợp chủ đầu tư dự án Parkview Residence tư tự ý ngăn, chia nhỏ căn hộ để bán khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gây ảnh hưởng đến việc phòng cháy chữa cháy, môi trường và công năng sử dụng, kết cấu chịu lực chính hoặc kiến trúc của công trình thì rõ ràng đã vi phạm pháp luật về xây dựng.
Xem xét các quy định của pháp luật liên quan nếu dự án chưa được cấp phép, điều chỉnh thiết kế, công năng sau khi đã bán cho một bộ phận khách hàng mà cố tình chia nhỏ căn hộ còn có thể đã vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.
Vì khi khách hàng đặt tiền mua căn hộ họ đã ký kết hợp đồng với các điều kiện, điều khoản cụ thể liên quan (ví dụ: Tòa nhà chỉ có bao nhiêu căn hộ, mật độ dân cư, cơ sở hạ tầng và dịch vụ mà họ sẽ được hưởng sau khi nhận nhà...) nhưng sau khi nhận nhà mà có sự thay đổi vì mật độ dân cư tăng lên, các tầng, diện tích dành cho dịch vụ biến thành căn hộ chia nhỏ để bán cho người vào ở thì rõ ràng không còn dịch vụ như cam kết ban đầu khi đó chủ đầu tư có thể bị xem xét hành vi vi phạm.
Ngoài ra người mua phải căn hộ vi phạm xây dựng sẽ gặp nhiều rủi ro, có thể sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất do chủ đầu tư dự án vi phạm.
Các chế định xử phạt đối với việc xây dựng không phép, trái phép và vượt phép đã được Nhà nước ban hành, khi phát hiện vi phạm các cơ quan quản lý Nhà nước phải xem xét xử lý, bảo đảm trật tự xây dựng và quyền lợi của người mua nhà.
“Điều 5. Hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả 1. Các hình thức xử phạt chính: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền. 2. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 24 tháng. 3. Các biện pháp khắc phục hậu quả: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; c) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính; đ) Buộc phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị (sau đây viết tắt là Nghị định số 180/2007/NĐ-CP); e) Các biện pháp khác được quy định tại Nghị định này”. |