Hiện nay các công trình, dự án trọng điểm của Thành phố Hà Nội vẫn đang tiếp tục được triển khai. Trong đó, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô mới giải ngân được 12,1% kế hoạch vốn.
Năm 2024 Hà Nội có 226 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, trong đó: 155 dự án chuyển tiếp với mức đầu tư 205,5 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn năm 2024 là 24,4 nghìn tỷ đồng); có 71 dự án mới được khởi công xây dựng trong năm với tổng mức đầu tư 7,2 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn trong năm là 1,1 nghìn tỷ đồng). Lĩnh vực giao thông với 58 dự án, chiếm 19,5% kế hoạch vốn.
Trong năm, Thành phố đã tổ chức khởi công và khánh thành các dự án gắn biển các công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Trong đó 12 công trình tiêu biểu tổ chức gắn biển trong đợt cao điểm.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, tập trung thực hiện các công trình trọng điểm của Thành phố với nguyên tắc các công trình trọng điểm được ưu tiên bố trí vốn theo tiến độ thực hiện, trong đó tập trung bố trí vốn các dự án công trình trọng điểm chuyển tiếp, dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
|
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đoạn đi qua quận Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng/Tiền Phong) |
Trong năm 2024, việc thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn Thành phố đạt được một số kết quả sau:
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có tổng chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt Sông Hồng, Sông Đuống và 8 nút giao khác. Sau hơn 1 năm khởi công, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang dần hình thành, đã giải ngân 12,1% kế hoạch vốn.
Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 47,4% kế hoạch vốn.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Dự án cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 10,8% kế hoạch vốn.
Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình: Có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 12,5% kế hoạch vốn.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội: Có mức đầu tư 16,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, 84,1% vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản. Dự án bao gồm một nhà máy xử lý nước thải với công suất 270 nghìn m³/ngày đêm và tuyến cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, một phần sông Nhuệ với diện tích phục vụ khoảng 4.874 ha.
Đến nay hệ thống dẫn nước thải từ sông Tô Lịch về nhà máy trên để xử lý đã cơ bản hoàn thành, ngày 01/12/2024 Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá đi vào vận hành thử nghiệm trong thời gian 6 tháng.