Đốt thuyền Long Châu gửi về biển cả, mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, ngập tràn tôm cá. Đó là nghi thức độc đáo lễ hội cầu Ngư của cư dân Diêm Phố.
|
Rước thuyền Long Châu là nghi thức quan trọng nhất trong lễ hội cầu Ngư |
Sau 3 ngày từng bừng diễn ra lễ hội (từ ngày 22/2 đến 24/2 Âm lịch), thu hút hàng ngàn lượt người dân địa phương tham dự, sáng nay, ngư dân Diêm Phố (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã kết thúc lễ hội bằng hình thức khá độc đáo: đốt chiếc thuyền Long Châu, linh hồn tế lễ trong lễ rước, để trả về biển cả.
Lễ hội cầu Ngư (hay còn gọi là Lễ cầu mát) nhằm cầu cho tôm cá đầy thuyền, trời yên biển lặng, an lành đến cho mọi người khi ra khơi, đi lộng. Đây là lễ hội truyền thống của ngư dân Diêm Phố có từ rất lâu đời, mang ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh, văn hóa vùng ven biển.
|
Hàng ngàn lượt người dân địa phương đã tham dự lễ hội cầu Ngư lớn nhất xứ Thanh. |
Mở đầu lễ hội quan trọng nhất là lễ rước thuyền Long Châu. Tâm niệm của người dân sẽ là sự đoàn kết, trang nghiêm trước thần linh để cầu mong một năm mới đủ đầy, quốc thái dân an, ấm no hòa thuận.
Ngoài nghi thức rước thuyền, Lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, ca nhạc, thể dục thể thao, mang đậm nét văn hoá truyền thống vùng biển như: thi câu mực, kéo lưới, thi cờ tướng, hát giao duyên, biểu diễn nhạc lưu thuỷ…
Chính từ nét văn hóa truyền thống độc đáo này, năm 2005, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận lễ hội cầu Ngư xã Ngư Lộc là Lễ hội Văn hoá phi vật thể.