Tương truyền kể lại, trong một lần bị quân Tây Sơn truy đuổi, thủy quân của Nguyễn Ánh tháo chạy ra biển và gặp phải sóng to gió lớn, trong lúc nguy khốn bỗng có một con cá voi lớn ghé lưng đưa thuyền vào bờ. Sau này, khi lên ngôi vua, nhớ ơn cứu mạng, Nguyễn Ánh đã phong tặng cá Ông tước hiệu Nam Hải Đại Tướng quân và cho lập miếu thờ cúng…
Ngư dân xã Xuân Liên long trọng tổ chức lễ rước. |
Đối với người dân làng biển, cá Ông luôn đem lại may mắn, bình an cho những ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi. Mỗi khi cá Ông không may tử nạn trôi dạt vào bờ biển, người dân chài thường làm lễ cúng tế long trọng, chôn cất chu đáo.
Theo truyền thuyết, thuở xưa, vào một buổi sáng, ngoài biển trôi dạt vào bãi cát một bộ xương cá voi, người dân trong làng Cam Lâm thấy vậy bèn đưa về đặt thờ trong đền làng. Mỗi khi ngư dân ra khơi, vào lộng đều đến làm lễ cầu xin và rất linh nghiệm. Về sau, họ xin lập đền riêng để thờ vị ngư thần gọi là đền thờ cá Ông hay đền Đông Hải.
Lễ rước bằng công nhận. |
Đền Đông Hải được xây dựng cách đây gần 300 năm nằm ở thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên, là nơi thờ vị thần Đông Hải Đại Vương. Đền được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2017.
Để thể hiện lòng biết ơn, tôn kính, hằng năm, ngư dân Xuân Liên tổ chức các lễ cầu cúng như: Lễ cúng tất niên dịp tết Nguyên đán; lễ dâng hương trước khi ngư dân ra khơi và sau khi từ biển trở về; lễ thắp hương ngày mùng 1, ngày 15 âm lịch hằng tháng; lễ cúng rằm tháng Giêng, tháng 7 âm lịch. Đặc biệt, lễ hội cầu ngư vào đầu năm âm lịch được người dân tổ chức 3 năm 1 lần với nhiều nghi thức trọng thể.
Vào những ngày tổ chức lễ hội, đông đảo người dân trong vùng đã về tham gia. Đây là dịp tưởng nhớ công đức của các vị tiền nhân có công lập làng, dựng nghề và cầu mưa thuận gió hòa, đón nhiều “lộc biển”.
Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. |
Đến ngày 21/2/2024, Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm, xã Xuân Liên được Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Đây không chỉ là niềm tự hào, vinh dự của người dân Nghi Xuân mà còn là cơ hội để giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và du khách biết nhiều hơn về văn hóa dân gian của cư dân ven biển Hà Tĩnh.